Đa số các nhà khoa học Trung Quốc thường xuyên sử dụng máy tìm kiếm Google
cho các hoạt động nghiên cứu. Ảnh: Trụ sở của Google tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Trong lúc Google và Trung Quốc đang khẩu chiến, tạp chí Nature số ra tuần này đã công bố khảo sát phát hiện khoảng 3/4 các nhà khoa học Trung Quốc sử dụng máy tìm kiếm của Google vào hoạt động nghiên cứu của họ.
Tạp chí này còn cho biết gần 48% trong số 784 nhà khoa học Trung Quốc được khảo sát cho rằng các nỗ lực nghiên cứu của họ sẽ bị ảnh hưởng “đáng kể” nếu họ không truy cập được vào Google. 36% số nhà khoa học cho biết nghiên cứu của họ sẽ bị ảnh hưởng “chút ít” nếu Google rời khỏi thị trường Trung Quốc.
Trên website của mình, Nature trích lời của Xiong Zhenqin, nhà sinh thái học ở Đại học nông nghiệp Nanjing nói “nghiên cứu không có Google sẽ giống như cuộc sống không có điện”.
Theo Nature, 92,5% các nhà khoa học tham gia khảo sát này cho biết họ sử dụng Google để tìm kiếm thông tin liên quan đến các công trình nghiên cứu. Khoảng 60% cho biết họ thỉnh thoảng sử dụng bộ máy tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, và 12,9% nói họ sử dụng Yahoo.
Các chuyên phân tích đoán rằng Baidu sẽ thắng lợi lớn nếu Google rời bỏ thị trường Trung Quốc. Giả thiết này được khảo sát của Nature ủng hộ. 45% các nhà khoa học Trung Quốc tham gia khảo sát của tạp chí này cho biết họ sẽ sử dụng Baidu nếu họ không thể truy cập được vào Google. Và khoảng 33% cho biết họ sẽ chuyển sang Yahoo.
Khảo sát này, được Nature thực hiện vào tháng 1/2010, không đề cập đến số lượng các nhà khoa học sẽ sử dụng máy tìm kiếm Bing của Microsoft.
Theo ICTNews