IP:18.119.255.183

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Chuyện 'dạt nhà' của teen ngoan
30/03/2010 01:43 PM

"Mày về đây tao chém chết!". Câu nói của mẹ qua điện thoại và sự bực tức sau trận cãi vã với mẹ tối hôm trước khiến Tuấn Dũng không muốn về nhà. Chưa đến độ sa đà vào các tệ nạn xã hội nhưng những teen ngoan vì bực tức mà "dạt nhà" rất cần một con đường để về.

"Lệch sóng" là bỏ đi

 

Không nên để việc con bỏ đi trở thành thói quen,
trẻ sẽ dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội. (Ảnh minh họa: internet)

 Chúng tôi được nghe kể lại chuyện bỏ đi của Dũng qua cô giáo chủ nhiệm Trần Nguyên Ngọc, trường dân lập cấp 3 (Hà Nội) - người đã giúp em quay trở lại với trường, với lớp.

Cô Ngọc kể, thời gian Dũng bỏ nhà đi khoảng 3 tuần giữa học kỳ 1 của năm học này. Sự việc có lẽ bắt nguồn từ những xích mích giữa em và bố mẹ trước đó. Cho đến một buổi học, Dũng bị ốm. Không để học trò tự về, cô đã gọi điện cho bố mẹ em đến đón. Tuy nhiên, cả bố và mẹ đều không đến dù phải liên lạc rất nhiều lần.

"Lúc đó, nhìn dáng vẻ của em, tôi cảm thấy sự thất vọng và buồn bã", cô Ngọc tâm sự. Đón xe ôm cho em về, cô không quên dặn em về đến nhà thì điện thoại lại.

Một vài hôm sau cô vẫn gọi điện hỏi thăm, nhưng đến hôm thứ 3 thì bố em điện thoại cho cô nói em đã bỏ đi dù chưa khỏi ốm.

"Hoặc là mày sống trong nhà này hoặc là cái đầu mày", mẹ của Quang - một HS cấp 3 đã "giải nghệ" việc "dạt nhà" - gào lên tức giận khi thấy đầu tóc của con trai mình nhuộm xanh nhuộm đỏ theo kiểu hiphop.

Quá bức xúc và muốn giữ lại kiểu tóc đẹp, Quang lập tức quay đầu ra cửa đi thẳng. Không về nhà nhưng Quang vẫn đi học bình thường và tá túc ở nhà trọ của một người bạn là sinh viên. Khoảng 2-3 ngày, hết bực bố mẹ, Quang lại về nhà. Thấy bố mẹ không quát mắng gì, lần sau cãi nhau với bố, Quang lại xách túi ra đi.

Còn việc bỏ nhà đi của Việt Anh, HS lớp 10 trên địa bàn quận Đống Đa (HN) là do nảy sinh bất hòa với cha dượng. Bố mẹ Việt Anh ly hôn từ khi em còn nhỏ và em sống với mẹ. Mẹ đi bước nữa và sinh được 2 em. Mải việc kinh doanh, mẹ ít để ý đến Việt Anh, còn người cha dượng nát rượu lại hay kiếm cớ đánh em. Còn nhỏ Việt Anh cắn răng chịu đựng, nhưng khi lớn thì em cảm thấy quá bất công nên một lần bị cha dượng đánh em đã "bật" lại.

Mẹ biết chuyện, không những không bênh em mà còn quát mắng. Như giọt nước làm tràn ly, Việt Anh bước chân ra khỏi nhà.

Trở về cần yêu thương

Vì tức giận cha mẹ mà bỏ nhà đi, nhưng cách quay trở về chủ yếu là lặng lẽ với những tâm trạng và suy nghĩ khác nhau.

Tiếp quản lớp 10 thay cô chủ nhiệm cũ khi năm học được gần 2 tháng, bắt tay vào tổ chức lớp học, cô Ngọc cũng được đánh động Dũng là HS cá biệt, nhiều vấn đề và trước đó đã từng bỏ nhà đi.

Sau vài ngày ổn định lớp học, cô gọi Dũng lên nói chuyện. Những lời khuyên răn, dạy bảo của cô khiến Dũng cảm thấy tin tưởng và dần dần kể cho cô nghe tâm trạng dồn nén, giấu chặt của mình bấy lâu.

Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, bố mẹ làm kinh doanh nhưng Dũng vẫn cảm thấy mình thật lẻ loi và thiếu thốn một vòng tay yêu thương, tin tưởng. Từ đó chán nản, em đi học nhưng không ghi chép bài, thường xuyên nghỉ học, bỏ tiết hoặc nếu ngồi trong lớp thì bày trò phá tiết học. Giáo viên phản ứng, nói nặng lời là Dũng đứng lên xách cặp bỏ đi luôn. Quan điểm của em "ai lệch sóng là bật".

"Đi học vui hơn cô ạ!", "Thề với cô luôn em sẽ cố gắng học" là những câu nói của Dũng với cô chủ nhiệm khi trở về. Cô cũng nói lại "em không nhớ lời cô à" "phút nhất thời bồng bột gì mà mất gần cả tháng trời", lúc đó Dũng "cười trừ" và bảo "từ giờ trở đi cô sẽ thấy em khác".

Dũng cho biết, em bỏ đi là vì bức xúc với bố mẹ, nhưng lại trở về vì nhớ bạn bè, nhớ cô giáo. Đi thế thấy buồn, thấy mình dại dột và thấy "cuộc sống làm sao ý". Dũng kể lại với cô, tuần đầu tiên em cảm thấy rất sung sướng vì mình được tự do, không phải đến trường, ghi chép và thoát cả sự quản lý của bố mẹ. Nhưng đến tuần thứ 2 thì thấy nhạt dần, sau đó thì "boring" (rất buồn tẻ), thấy việc làm của mình vô vị và nhớ đến lời hứa với cô.

Còn Quang, sau khi được người bạn sinh viên cho tá túc thì anh đó cũng khuyên là phải về nhà và không thể nuôi Quang cả tháng trời. Nên 2-3 ngày sau, nghĩ không còn bực với bố mẹ nữa, Quang lại lò mò về nhà.

"Đội nón ra đi, khi quay về cũng cảm thấy rất xấu hổ nên vội chui vào một góc kín trong phòng mình để tĩnh tâm trở lại, là mình đã ở nhà mình", Quang kể. Sau đó, làm một số hành động khéo léo như hắng giọng, chửi con chó hoặc đi vệ sinh giật nước thật mạnh để mọi người trong nhà cảm thấy sự hiện diện của mình. Cũng phải mất 3-4 bữa không ăn cơm cùng gia đình vì "xấu hổ".

Việc trở về của Việt Anh xem ra phức tạp hơn vì sau đó em còn tiếp tục bỏ đi vài lần nữa. Bỏ nhà là Việt Anh cũng bỏ học luôn và lang thang với nhóm bạn thân thiết để chơi điện tử. Lần đi lâu nhất của Việt Anh khoảng 10 ngày. Mẹ và dượng cũng đi khắp nơi tìm em nhưng không được nên vừa về đến nhà mẹ em đã tức giận, kích: "Giỏi sao mày không đi nữa đi".

Ấm ức kể lại, Việt Anh cho biết, lúc đó còn tiền thì quay ra đi tiếp ngay, nhưng hết tiền rồi nên đành "mặt mo" bước vào nhà.

Hối lỗi trong sự quan tâm

Trong 5 tháng qua, Dũng đã có sự tiến triển rất nhiều nhờ sự giúp đỡ của cô chủ nhiệm. Em đã chịu "động đậy" chân tay để chép bài và làm bài, đồng phục không sai, đi học đúng giờ. Những nỗi ấm ức dù đúng dù sai đều được em báo cáo với cô chủ nhiệm để nhờ "cứu viện", kể cả việc bị cô giáo bộ môn đuổi ra khỏi lớp vì tội chép bài không đầy đủ.

Lỗi của Dũng đều được cô giáo nhắc nhở khéo léo như hành động giơ ngón tay và ám chỉ cho em thấy đó là "tuýt còi lần 1" thì em vội vàng "rồi, rồi" để hứa lần sau không làm sai nữa. Bố mẹ cũng nhìn nhận lại, quan tâm đến con hơn nên việc học và tính tình của Dũng đã thay đổi tích cực.

Cô Ngọc cho rằng, suy nghĩ của học trò "ngắn" và dường như chúng cũng bắt sóng được bố mẹ nên không bằng lòng, vừa ý điều gì là bỏ nhà đi ngay. Từ đó, khi con về bố mẹ lại không dám quát mắng, sợ con lại đi.

Việt Anh đã rất khoái chí khi bố mẹ phải nháo nhào đi tìm mình. Em muốn làm một cái gì đấy để khẳng định "cái tôi".

"Nhớ lại, em thấy việc đó thật trẻ con. Giờ đây thì không dại gì mà bước ra khỏi mái ấm của mình", Quang chia sẻ.

"Tưởng không mắng con sẽ không bỏ đi nữa nhưng các con thấy thế lần sau lại đi", cô Ngọc nói. Do đó, dù chiều con nhưng các bậc làm cha mẹ cũng không nên chủ quan mà phải thật nghiêm khắc và lựa tính con để có biện pháp giáo dục đúng đắn. Không nên để việc con bỏ đi trở thành thói quen trước khi quá muộn.

Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• Khi sự tinh tế cắp nón ra đi... (29/03/2010)
• Học sinh nhí “kinh doanh” (26/03/2010)
• Sự lựa chọn (20/03/2010)
• Bạn sẽ trưởng thành hơn nhưng không chắc sẽ khôn ngoan hơn (19/03/2010)
• Không phải lúc nào cũng nên nói thật (18/03/2010)
• Tâm lý hám lợi, không làm mà hưởng (17/03/2010)
• Đua nhau cho con học chữ trước khi vào lớp 1: Ai làm khổ ai? (11/03/2010)
• Sống có mục tiêu (08/03/2010)
• Đừng tự khép chặt cánh cửa đời mình! (06/03/2010)
• 1 + 1 lớn hơn 2 (05/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd