IP:3.145.43.92

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Chiếc iPhone bị mất và cuộc chiến Apple - Gizmodo
26/04/2010 08:32 AM

Cơ quan cảnh sát hạt Santa Clara (bang California – Mỹ) cho biết họ đã chính thức mở cuộc điều tra và sẽ xác định việc blog Gizmodo mua lại mẫu thử chiếc iPhone 4 có phạm luật hay không.

 

Gizmodo gặp rắc rối to?

Theo tiết lộ của một quan chức cảnh sát, hãng công nghệ Apple đã báo cáo về vụ một mẫu thử sản phẩm iPhone của hãng bị thất lạc và được một blog công nghệ mua lại từ một nhân vật được cho là đã phạm tội đánh cắp chiếc iPhone đó. Ngay sau khi nhận được trình báo của Apple, phòng cảnh sát điều tra tội phạm máy tính thuộc Sở cảnh sát hạt Santa Clara đã chính thức vào cuộc.

Theo công bố của những biên tập viên blog công nghệ Gizmodo.com (thành viên của mạng blog Gawker Media), họ đã bỏ ra 5.000 USD để mua lại chiếc điện thoại được cho là mẫu thử của dòng sản phẩm iPhone 4 từ một người đã nhặt được nó tại một quán bar ở Redwood City (bang California) hôm 24/3/2010.

Mục đích chính của cuộc điều tra này là để xác định các bằng chứng có đủ để kết tội Gizmodo đã vi phạm luật bảo vệ bí quyết kinh doanh và bí mật công nghệ hay không.

Trên thực tế, câu chuyện chiếc iPhone bị đánh mất có thể rất bình thường nhưng với một hãng công nghệ có truyền thống cực kỳ khắt khe trong việc giữ bí mật tất cả những thông tin liên quan đến sản phẩm của hãng trước khi chính thức công bố thì đây là một “thảm họa”. Trong một thông cáo mới đây của mình, Apple đã tuyên bố việc rò rỉ những thông tin liên quan đến sản phẩm chưa ra mắt đã khiến họ bị tổn thất nặng nề: “Nếu những bí mật thương mại này bị tiết lộ, các đối thủ cạnh tranh có thể gây ra những tổn hại đối với chiến lược kinh doanh của Apple và Apple sẽ đánh mất sự kiểm soát về tiến độ và thời điểm ra mắt sản phẩm mới”.

Theo bộ luật được ban hành từ năm 1872 của bang California, một người nhặt được tài sản bị thất lạc mà biết rõ chủ nhân của nó là ai nhưng không trả lại mà có ý định giữ lại để làm tài sản của cá nhân mình sẽ bị quy vào tội đánh cắp. Nếu tài sản bị thất lạc đó có giá trị trên 400 USD, khung hình phạt sẽ được tăng nặng. Một điều luật khác còn quy định, bất kỳ ai biết được rằng tài sản mà họ nhận được từ người khác có nguồn gốc (đã bị chiếm đoạt) bất hợp pháp có thể bị phạt tù tới 1 năm. Theo một thành viên trong Ban Pháp chế của Apple, họ có thể kiện Gizmodo vì những lý do sau.

1.Ngày 18/3, một người nào đó (nhân viên của Apple) đã bỏ quên chiếc iPhone đang được thử nghiệm của Apple ở quán bar.

2. Một ai đó đã đánh cắp thiết bị này. Theo luật, hành vi nhặt được tài sản của người khác để quên tại nơi công cộng mà không hoàn trả cho chủ nhân hoặc bàn giao cho các nhà chức trách sẽ bị quy vào hành vi đánh cắp.

3. Gizmodo có được chiếc iPhone bị đánh cắp đó bằng việc trả tiền cho người đánh cắp và giữ nó lại (theo tiết lộ của Jason Chen tại Gizmodo thì họ đã giữ chiếc iPhone trong 7 ngày), sau đó công bố những thông tin liên quan đến sản phẩm ra công chúng.

4. Những thông tin này gần như chắc chắn sẽ lọt vào tay của những đối thủ cạnh tranh với Apple.

5. Người nhặt được chiếc iPhone (người đánh cắp) đã thu lợi từ việc bán nó cho Gizmodo, tiếp sau đó, Gizmodo cũng thu lợi từ chiếc iPhone bởi lượng truy cập vào website của họ tăng lên rất nhanh và sản sinh ra một lượng giá trị nhất định.

Với giả định, chiếc iPhone bị thất lạc kia là sản phẩm thực thì Apple đã có lý khi cáo buộc Gizmodo cố tình đánh cắp bí mật công nghệ của họ và chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh để thu lợi bất chính.

 

Một mẫu thử của chiếc iPhone 4G

  Blog hay Báo chí?

Tuy nhiên, trên thực tế việc truy tố Gizmodo lại không hề đơn giản bởi theo quy định của luật pháp liên bang về việc bảo hộ quyền tự do báo chí và phán quyết mà Tòa án tối cao liên bang đã công bố hồi năm 2001 đã công nhận: Những thông tin mật nhưng đã bị rò rỉ đến tay các tổ chức, cơ quan truyền thông thì các cơ quan này có quyền công bố rộng rãi ra công chúng mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vấn đề mấu chốt cuối cùng ở đây là các nhà chức trách sẽ phải xác định Gizmodo có phải là một cơ quan truyền thông hay không? Trên thực tế, khởi điểm của blog là một dạng trang tin cá nhân (nhật ký) được lưu trữ trên Internet nhưng trong những năm gần đây, blog đã “biến tướng” rất nhiều và đang trở thành một dạng truyền thông có sức mạnh rất lớn đối với dư luận quần chúng. Vậy hiện tại, blog nên được coi là gì và họ có được quyền bảo hộ như một cơ quan truyền thông, báo chí hay không?

Câu hỏi này đã được giới truyền thông và kinh doanh Internet đặt ra từ nhiều năm nay nhưng cả thế giới vẫn chưa thể có câu trả lời thỏa đáng.

Gizmodo là một thành viên trong “họ nhà weblog” Gawker – một dạng web truyền tải thông tin rất thành công trong những năm gần đây. Trong hồ sơ của mình trên mạng xã hội Twitter, Nick Denton, ông chủ của Gawker đã tự nhận mình là: Nhà buôn chuyện phiếm, tin đồn (Gossip merchant). Trong thông báo gửi đến các nhân viên của mình, mới đây Denton còn viết: "Báo chí “lá cải” (yellow journalism) kiểu cũ thường đưa tin theo kiểu: Sex và tội phạm. đã bị thay thế bằng báo chí “lá cải kiểu mới”: Sex và tội phạm “sốc hơn nữa. Trong thông báo này, Denton còn “vẽ” cho nhân viên của mình 8 “chiêu” để tăng lượng pageview, trong đó đáng chú ý là có những chiêu như: "Bán scandal"; "Thông tin độc quyền giả”; hay “Nhái”…

Theo ICTNews




CÁC TIN KHÁC

• Microsoft thắng đậm nhờ Windows 7 (26/04/2010)
• 1,5 triệu tài khoản Facebook rao bán giá “bèo” (26/04/2010)
• Nhiều quốc gia yêu cầu Google “tiết lộ” thông tin (26/04/2010)
• Người dùng Apple - Đích ngắm béo bở của tội phạm mạng (26/04/2010)
• Hàng triệu máy tính Windows XP “chết” vì McAfee (22/04/2010)
• Skype đã phục vụ 250 tỷ phút gọi (22/04/2010)
• 10 nước kêu gọi Google tăng bảo mật thông tin (22/04/2010)
• Cứ 4 nước thì có 1 nước chặn dịch vụ của Google (21/04/2010)
• iPad bị “hắt hủi” ngay tại Mỹ ngay (21/04/2010)
• Hacker Trung Quốc đánh cắp “kho báu” của Google (21/04/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd