IP:18.225.117.89

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Những 'công nghệ' tạo giáo sư độc đáo
17/05/2010 07:43 AM

Để tiến đến phù hợp với thông lệ quốc tế, ngoài các tiêu chuẩn chung như thâm niên giảng dạy, hướng dẫn luận văn sau đại học,v.v...vấn đề then chốt và quan trọng nhất để trở thành GS/PGS là các ứng viên phải đạt các tiêu chuẩn về số điểm công trình, tính từ các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí có uy tín.

Để đủ điểm công trình xét chức danh GS/PGS theo qui định, người làm khoa học phải có năng lực thực sự với một tinh thần làm việc nghiêm túc. Nhưng trong thực tế đang có dấu hiệu của những "công nghệ" tạo GS/PGS độc đáo.

Công nghệ “góp gạo thổi cơm chung”

Tôi có học trò cũ hiện làm trưởng phòng của một viện nghiên cứu. Anh là nhà khoa học thực sự, đứng tên rất nhiều bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế. Nhưng khi đạt được PGS rồi thì mấy năm liền không thấy tên anh trên các tạp chí nữa.

Anh hồn nhiên chia sẻ: Trước khi được phong PGS, anh và các nghiên cứu viên cùng tham gia đề tài trọng điểm cấp nhà nước, cùng viết bài báo khoa học,nhưng chỉ anh đứng tên bài báo đó. Bây giờ được PGS rồi, tiếp theo sẽ là anh phó phòng, sau đó là các anh em trẻ khác đứng tên các bài báo khoa học. Ai không có khả năng nghiên cứu, nhưng muốn giữ biên chế và lên PGS thì cơ quan tạo điều kiện cho làm kinh tế, làm công việc kinh doanh bên ngoài kiếm tiền nộp cho những người làm nghiên cứu khoa học thực sự. Vấn đề quan trọng nhất là anh em trong cơ quan phải đoàn kết, thì ai cũng đến lượt lên PGS thôi.

Công nghệ “tìm điểm tựa của Acsimet”

“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng Trái Đất lên!", là câu nói của Acsimet, nhà cơ học thiên tài của thời cổ đại đã khám phá ra các định luật về đòn bẩy. Ông còn nói thêm rằng “giá mà có một Trái Đất khác nữa, tôi sẽ sang Trái Đất đó và đẩy bật Trái Đất của chúng ta đi chỗ khác”.

Trong công nghệ GS/PGS, điểm tựa đó chính là một chức vụ cao, quan trọng liên quan đến các vấn đề quản lý khoa học. Một ứng viên đang phấn đấu PGS đã thốt lên rằng “hãy cho tôi làm hiệu trưởng trường đại học này, tôi sẽ trở thành giáo sư”.

Trong thực tế, chỉ cần một chức vụ như trưởng khoa, trưởng phòng khoa học... cũng là điểm tựa làm PGS.

Khi duyệt cấp kinh phí (tiền) cho các đề tài, một số quan chức sẵn sàng từ chối nhận tiền “lại quả“ từ đề tài, thay vào đó lại muốn cấp dưới để tên mình khi công bố các bài báo khoa học. Càng duyệt nhiều đề tài, thì càng có nhiều điểm bài báo khoa học. Điều này giải thích vì sao một số giảng viên khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nghiên cứu viên ở viện không có nổi bài báo khoa học, nhưng khi có chức quyền, mặc dù bận tối ngày với các công việc sự vụ của trường, nhưng chỉ vài năm đã thừa điểm công trình, vượt xa tiêu chuẩn giáo sư.

Công nghệ dùng tiền làm khoa học

Có 2 câu chuyện được lưu truyền trong giới.

Câu chuyện thứ nhất: Ở lại làm luận án với tôi

Một người bạn tôi làm nghiên cứu sinh thời kỳ Liên Xô sụp đổ, đời sống của các giáo sư Nga rất khó khăn.

Anh không có học bổng, nên vừa nghiên cứu khoa học, vừa chạy chợ để có tiền nuôi sống bản thân và gửi biếu giúp giáo sư hướng dẫn. Sau một thời gian, mối quan hệ thầy trò đã trở nên thân thiết, anh toàn tâm làm kinh tế kiếm tiền, thầy chuyên tâm làm khoa học, viết bài báo đứng tên anh.

Ngày anh bảo vệ luận án Tiến sĩ chuẩn bị về nước, vị giáo sư Nga buồn bã nói rằng, hãy ở lại nghiên cứu tiếp và đi làm thêm để có thể giúp ông vượt qua khó khăn trong thời kỳ này. Để hoàn tất hồ sơ PGS, đầu năm 2009, anh viết thư sang nhờ thầy viết hộ thêm mấy bài để đủ điểm bài báo ở 3 năm cuối.

Câu chuyện thứ hai: “Đi ô tô trồng sắn“

Thời bao cấp, cán bộ khoa học cũng phải lao động tự túc lương thực. Một số viện nghiên cứu liên hệ mượn được ô tô cơ quan chở cán bộ đi lên đồi trồng sắn. Tố Hữu khi đó là Phó Thủ tướng, trong một lần đi cơ sở, cầm củ sắn lên và nói: ”Sắn mùi xăng quá”. Mọi người ngạc nhiên, còn ông giải thích :”Tiền bán sắn trồng được không bằng tiền xăng đưa cán bộ đi trồng sắn”.

Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các công trình khoa học tầm cỡ chỉ có thể thực hiện với các phương tiện nghiên cứu hiện đại và đồng bộ. Phòng thí nghiệm trọng điểm tương đương triệu USD, nhưng không phải viện nghiên cứu nào, trường đại học nào cũng được đầu tư.

Khi có phòng thí nghiệm trọng điểm, muốn có bài báo quốc tế, phải đầu tư thêm hàng nghìn USD. Tổng kết cuối năm, các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế được mang ra trưng bày, một nhà khoa học lão thành (trước đây đã từng đi ô tô trồng sắn) cầm quyển tạp chí lên và nói: ”Bài báo khoa học này mùi USD quá”.

Tâm tình của các GS/PGS theo công nghệ mới và thân phận của các giảng viên thường trong cuộc sống mưu sinh

Sau ngày tôn vinh GS/PGS, tôi có dịp được mời đi ăn mừng. “Rượu vào lời ra”, một tân PGS trong trạng thái “phê phê” hát vang “Anh GS, tôi GS, tất cả chúng ta là GS. Là lá la, là lá la ”. Một PGS khác tâm sự: ”Tôi sinh ra trong một gia đình mà ba đời là giảng viên đại học, ông nội và bố tôi đều là tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài về, nhưng chỉ đến đời tôi mới được phong PGS. Ông tôi mừng quá, vuốt râu bảo "con hơn cha là nhà có phúc".

Tình trạng bùng nổ các trường đại học, số sinh viên tăng vọt, các giảng viên không có chức vụ, muốn có tiền mưu sinh trong thời buổi giá cả tăng vọt, phải dạy tối ngày, về đến nhà là kiệt sức lấy đâu sức khỏe và thời gian để nghiên cứu khoa học? Đối với đối tượng này, các bài báo khoa học là xa xỉ, và chức danh GS/PGS đối với họ hết sức xa vời.

Công nghệ GS/PGS có tồn tại vĩnh cửu?

Việt Nam đang tồn tại 2 kiểu: GS/PGS suốt đời và GS/PGS có thời hạn.

Những người đã được phong, công nhận hoặc bổ nhiệm trước năm 2008 thì tiếp tục giữ chức danh GS/PGS. Nghĩa là GS/PGS xét trước 2007 không phải xin bổ nhiệm, cũng chẳng ai giao nhiệm vụ, nên dù không còn nghiên cứu khoa học nữa thì chức danh GS/PGS vẫn theo suốt đời.

Từ năm 2009, đối tượng được bổ nhiệm chức danh GS/PGS là nhà giáo đã được được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS không quá 2 năm. Định kỳ 3 năm 1 lần, Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tiến hành rà soát, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của các GS/PGS để xem xét việc giao nhiệm vụ tiếp theo.

Như vậy, GS/PGS sau 2009 cũng giống như văn bằng tốt nghiệp. Người có văn bằng này vẫn phải "đi xin việc" (xin bổ nhiệm). Nếu sau 2 năm không có nơi bổ nhiệm thì văn bằng sẽ không có hiệu lực.

Do đó muốn chức danh GS/PGS có giá trị lâu dài, các GS/PGS sau năm 2009 phải “chạy bổ nhiệm” và tiếp tục “chạy” công trình bài báo.

“Cuộc chiến” này sẽ không có hồi kết thúc và công nghệ GS/PGS vì thế vẫn còn đất sống cho cả những tân GS/PGS và các ứng viên muốn đạt PGS những năm tiếp sau.

Nhận biết công nghệ GS/PGS

Khi thi đại học, thí sinh phải có giấy báo thi dán ảnh mới được vào phòng thi, do đó rất khó đưa người thi hộ. Còn khi nộp bài báo khoa học, ban biên tập không bao giờ kiểm tra chính xác được tác giả bài viết là ai. Đây là cơ hội để người làm khoa học thực sự, trực tiếp viết bài báo nhưng người khác lại đứng tên mà không ai có thể phát hiện được.

Có thể áp dụng biện pháp phòng chống tham nhũng để nhận biết GS/PGS theo "công nghệ" này.

Ví dụ, quan chức là Thứ trưởng, lương một tháng 8 triệu, tổng cộng một năm thu nhập trên trăm triệu, công tác 20 năm liên tục không tiêu pha gì sẽ tiết kiệm khoảng 2 tỷ. Nhưng nếu ai lên Thứ trưởng vài năm mà có trong tay chục tỷ thì sẽ bị nghi ngờ là có tham nhũng.

Tương tự, xem lịch tuần, lịch tháng của quan chức làm công tác quản lý, của các hiệu trưởng đại học... với mật độ các cuộc họp dày đặc, các hội nghị phủ kín, nhiều người cả năm không có ngày phép. Thế nhưng nếu hàng năm vẫn đứng tên trên nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín thì chắc chắn là có vấn đề cần xem xét.

Số GS/PGS theo “công nghệ” chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn tận gốc, để “công nghệ” tồn tại mãi, thì "nồi canh" sẽ vơi bớt độ trong lành.

Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• Sinh viên “nội”, “ngoại” và cuộc chiến việc làm (12/05/2010)
• Ừ thì nhà tôi nghèo! (04/05/2010)
• Bố mẹ có bằng đại học, con cái xuất sắc hơn? (28/04/2010)
• Nhìn từ những lãnh đạo "nhí" (26/04/2010)
• Xác định chỗ đứng thích hợp với bản thân (21/04/2010)
• "Quái chiêu" kiếm tiền của học trò (13/04/2010)
• 'Tốt nghiệp sớm' mẫu giáo, lao vào lò luyện lên lớp 1 (09/04/2010)
• Thầy không ra thầy, thợ không ra thợ (07/04/2010)
• Nền tảng của thành công (05/04/2010)
• Quá đát và ắpđết (31/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd