IP:3.138.61.88

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Thị phần tìm kiếm online ở Trung Quốc: Baidu bỏ xa Google
17/07/2010 02:34 PM

Thị phần của Baidu trên thị trường tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc giờ đã lên tới mức 64%, cao hơn hai lần so với Google. Những khó khăn mà Google đang phải đối mặt ở thị trường tìm kiếm lớn nhất thế giới càng củng cố thêm địa vị của Baidu.

 

Baidu bỏ xa Google về thị phần tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc.

Tờ Business Week cho biết, đầu tháng 7 này, giữa lúc Google còn đang ngóng được gia hạn giấy phép hoạt động tại Trung Quốc, thì Baidu đã cử một đoàn công tác sang Silicon Valley để tuyển người. Dẫn đầu bởi ông Wangchin, Phó chủ tịch kỹ thuật của Baidu, đoàn tuyển dụng đã gặp gỡ hàng loạt ứng viên quan tâm tới việc làm tại hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm này. Bản thân Wang cũng là người mới gia nhập vào Baidu sau gần 4 năm làm việc với Google.

Tháng 8 tới, Baidu sẽ kỷ niệm 5 năm ngày công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq ở Mỹ. Giá cổ phiếu của Baidu năm nay đã tăng 82%, trong khi cổ phiếu của Google mất giá gần 20%. Giới đầu tư đang hào hứng với vai trò thống lĩnh của Baidu trên thị trường tìm kiếm trực tuyến ở Trung Quốc.

“Baidu sẵn sàng làm bất kỳ điều gì mà Chính phủ Trung Quốc muốn. Baidu tuân thủ theo quy định và điều đó có lợi cho họ. Trong khi đó, Google lại làm theo những gì mà họ muốn, cho dù điều có ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động của họ”, ông Jason Helfstein, một nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Oppenheimer có trụ sở ở New York, phát biểu.

Theo giới chuyên môn, vị thế dẫn đầu của Baidu tại Trung Quốc được tăng cường, một phần nhờ vào những “đường vòng” kỹ thuật mà Google áp dụng để duy trì hoạt động tại Trung Quốc. Để tuân thủ luật pháp của Trung Quốc mà vẫn duy trì được cam kết không kiểm soát nội dung kết quả tìm kiếm, Google đã tạo ra một trang trung gian tại địa chỉ Google.cn. Người sử dụng khi vào trang này và nhấp chuột vào một điểm bất kỳ sẽ được đưa tới trang của Google ở Hồng Kông là Google.com.hk vốn không bị áp dụng chế độ kiểm duyệt.

Việc “đi vòng” như vậy quả thật không mấy tiện lợi đối với người sử dụng, và như thế, có thể sẽ thúc đẩy họ tìm đến với Baidu nhiều hơn. Mà người sử dụng công cụ tìm kiếm đi tới đâu thì các khách hàng quảng cáo cũng theo tới đó.

Theo bà Wendy Huang, một nhà phân tích thuộc ngân hàng RBS ở Hồng Kông, công cụ tìm kiếm của Google ở Trung Quốc “không hoạt động như một trang web bình thường”. “Chỉ cần Baidu duy trì hoạt động chủ chốt của họ là cung cấp dịch vụ tìm kiếm trực tuyến, các công ty sẽ tự khắc tìm đến với Baidu để đăng quảng cáo”, bà Huang nói. Chuyên gia này cho rằng, thậm chí, Baidu cũng chẳng cần phải nỗ lực nhiều.

Giám đốc điều hành (CEO) Robin Li của Baidu là một người có bằng Đại học New York, từng làm cho công cụ tìm kiếm Infoseek hồi cuối thập niên 1990 trước khi bắt tay xây dựng Baidu vào năm 2000. Chiến lược của Li là xây dựng Baidu lớn mạnh bằng công nghệ mới và những phương pháp thương mại cũ.

Đầu năm nay, Li cử người tới 100 thành phố của Trung Quốc để gặp gỡ với các khách hàng quảng cáo tiềm năng và trả lời các câu hỏi của họ về phương pháp quảng cáo theo từ khóa. Theo giới phân tích, cách tiếp cận khách hàng này của Baidu đã có hiệu quả khá tích cực trong việc tăng cường thương hiệu.

Ngân hàng Credit Suisse dự báo, lợi nhuận của Baidu năm nay sẽ đạt mức 493 triệu USD, cao hơn hai lần so với năm 2009, trên doanh thu 1,2 tỷ USD, tăng 84%. Hiện các nhân viên quảng cáo của Baidu đang thúc đẩy một hệ thống bán quảng cáo trực tuyến mới có tên là Phoenix Nest. Tại đây, các công ty có thể dễ dàng mua các từ khóa quảng cáo.

Bước tiếp theo, Li có thể phát triển thêm những mảng kinh doanh mới cho Baidu. Vị CEO này đã nỗ lực đưa Baidu đột phá vào lĩnh vực mạng xã hội. Ngoài ra, Baidu hợp tác với một công ty đầu tư cổ phần tư nhân của Mỹ Providence Equity Partners để xây dựng trang video trực tuyến mang tên Qiyi. Không chỉ có vậy, Baidu còn liên doanh với hãng bán lẻ Rakuten của Nhật Bản để giới thiệu một trang thử nghiệm có tên RakuBai vào tháng 6 vừa qua.

Không phải mảng kinh doanh nào của Baidu cũng mang lại kết quả như mong muốn. Nỗ lực đầu tiên của công ty này trong việc mở rộng thị trường ra bên ngoài Trung Quốc khi xây dựng một trang tìm kiếm ở Nhật Bản vẫn chưa có đóng góp nào đáng kể vào doanh thu.

Hồi đầu năm nay, Baidu đã vượt qua được một vụ kiện của các công ty ghi đĩa phương Tây cáo buộc trang này tạo điều kiện cho người sử dụng tải về các file nhạc MP3 bị sao chép trái phép. Tuy vậy, các cuộc chiến pháp lý vẫn còn đeo đẳng Baidu. Trong một tuyên bố mới đây, Phó chủ tịch Hiệp hội Ghi âm Mỹ Neil Turkewitz cho rằng, Baidu đang vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Baidu vẫn một mực phủ nhận.

Các đối thủ cũng không dễ dàng nhường thị trường cho Baidu. Tencent hiện đang là một trang trò chơi trực tuyến đông khách, đồng thời là nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin nhanh hàng đầu Trung Quốc. Về phần Google, dù gặp nhiều khó khăn ở Trung Quốc nhưng cũng không từ bỏ cuộc chơi. Hiện Google vẫn là trang mạnh nhất về tìm kiếm bằng tiếng Anh ở thị trường này.

Tuy vậy, Baidu có cơ sở để phát triển mạnh hơn. Hiện Baidu có 220.000 khách hàng quảng cáo, và đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong thị trường tiềm năng gồm 40 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc.

Theo VnEconomy




CÁC TIN KHÁC

• Apple “chữa cháy” cho iPhone 4 bằng việc tặng vỏ bảo vệ (17/07/2010)
• Microsoft phát hành bản beta các công cụ WP7 (17/07/2010)
• Google lãi ít hơn mong đợi (16/07/2010)
• McAfree, Symantec… bị kiện vi phạm bản quyền (16/07/2010)
• Microsoft chính thức phát hành nền tảng Azure (16/07/2010)
• “Bắt bệnh” Windows khó khởi động (16/07/2010)
• Adobe và IE dẫn đầu danh sách được hacker “quan tâm” (16/07/2010)
• Google "dính" kiện tại Trung Quốc (15/07/2010)
• Xuất hiện lừa đảo trực tuyến “mạo danh” Wikipedia (15/07/2010)
• Máy tính Windows mất an toàn vì “kẻ thứ 3” (15/07/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd