Giá cổ phiếu của Yahoo đã giảm 18% so với đầu năm 2010.(Ảnh minh họa)
Có lẽ đã lâu lắm rồi người ta chưa được nghe thấy Yahoo công bố “một thứ gì đó ra hồn” ngoại trừ một khoảng thời gian khiến thế giới xôn xao quanh thương vụ với Microsoft và cuối cùng là bản hợp đồng “bán mình” với cái giá rẻ hơn nhiều hồi năm 2009.
Nếu tính về góc độ kinh tế, Yahoo giờ đây vẫn là một tên tuổi lớn trong danh sách Fortune 500 (Top 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ) và vẫn có trị giá “một đống tiền” (theo lời của bà tổng giám đốc Carol Bartz). Trên Internet, vẫn có một lượng độc giả khổng lồ hàng ngày truy cập vào Yahoo Finance (trang tin tức về tài chính), vẫn có hàng trăm triệu người dùng Yahoo Mail hay một lượng độc giả tương tự đối với trang Yahoo Sport. Nhưng thời của Yahoo trong những năm 1990 đã qua và việc trở thành một cổng thông tin trực tuyến không còn đủ sức đưa Yahoo trở thành những người dẫn đầu và càng không thể mang đến cho họ một nguồn tài chính hùng mạnh cũng như sự “đáng ngưỡng mộ” về công nghệ.
Trong khi đó, những đối thủ của Yahoo như Google, Facebook, Apple… lại vẫn “phăm phăm” sáng tạo và tiến nhanh trên lĩnh vực tìm kiếm, dịch vụ mạng xã hội hay dịch vụ di động. Khi tất cả đang tiến lên, một mình bạn đứng lại, điều đó còn tồi tệ hơn cả sự tụt hậu và đó cũng chính là lý do vì sao nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ coi Yahoo giờ đây chỉ là một phiên bản khác của AOL – một đại gia công nghệ từng làm mưa làm gió nhưng đột ngột gục ngã bởi sự sai lầm về chiến lược phát triển.
Và đó cũng là lý do vì sao giá cổ phiếu của Yahoo tiếp tục lao dốc. Tính đến thời điểm này, giá cổ phiếu của Yahoo đã mất 18% so với hồi đầu năm 2010. “Chỉ còn một điều tồi tệ nhất mà Yahoo chưa sa chân vào là tình trạng 'chẳng ai buồn nhắc đến' nữa mà thôi”, Eric Jackson, thành viên hội đồng quản trị của quỹ đầu tư mạo hiểm Ironfire Capital nói.
Đây là một lời bình luận có phần khá “cay nghiệt” của một người đã từng theo dõi rất sát sao mọi hoạt động của Yahoo. Ironfire đã từng sở hữu một ghế tại hội đồng cổ đông của Yahoo từ vài năm trước và cũng chính là một trong những “lực lượng hậu trường” thúc ép Yahoo phải sa thải cựu tổng giám đốc Terry Semel hồi cuối năm 2006. Jackson cũng chính là một trong những người lớn tiếng đề nghị Yahoo nên nhận lời đề nghị của Microsoft hồi tháng 2/2008 nhưng sau khi Yahoo cương quyết cự tuyệt bất chấp giá trị bản hợp đồng đó cao hơn giá trị thực của Yahoo tới 61,1%, Ironfire đã bán lại cổ phần của mình tại Yahoo vài tháng sau đó.
Bà Carol Bartz chỉ phù hợp với vai trò đưa Yahoo "bình tâm" trở lại và giờ đây Yahoo cần có một CEO mới.
Khi được hỏi về việc Yahoo cần phải làm gì để lấy lại những vinh quang của ngày xưa, ông Jackson đã tỏ ra khá “ngao ngán” khi thấy giờ đây Yahoo gần như chẳng có chiến lược gì cụ thể. “Suốt 12 tháng qua, tôi rất ít được nghe thấy người ta nói về Yahoo và càng không thấy bóng dáng của công ty này trong những sự chuyển động của thế giới, đặc biệt trong những lĩnh vực đang được mọi người quan tâm như di động hay truyền thông xã hội. Dường như Yahoo đang phiêu dạt ở đâu đó”, Jackson phát biểu.
Về phần mình, Yahoo cũng đã làm được một số việc kể từ khi bà Bartz chính thức trở thành tổng giám đốc của hãng (tháng 1/2009) như tinh giản bộ máy để đưa lợi nhuận tăng trở lại. Năm 2009, thu nhập ròng của Yahoo đã tăng 40% mặc dù tổng doanh thu sụt giảm so với năm trước. Nói một cách hình tượng thì Yahoo đang cố gắng trở thành “đại gia” bằng cách “nhịn ăn, nhịn tiêu”.
Và họ đã phải trả một cái giá cho chiến lược cắt giảm chi phí của mình. Theo Jackson, cái thiếu nhất của Yahoo hiện nay là một tầm nhìn chiến lược. “Bà Bartz là một người phù hợp để đưa Yahoo bình ổn trở lại nhưng vai trò của bà chỉ nên dừng lại ở đó trong một thời gian ngắn. Một CEO mới là điều cần thiết để đưa cỗ máy Yahoo khởi động trở lại và bẻ hướng, tăng tốc”, ông Jackson kết luận.
Có vẻ như ông Jackson đã đúng. Tổng doanh số của Yahoo trong năm nay sẽ chỉ tương đương mức của năm ngoái và các nhà phân tích đang dự báo doanh thu của hãng sẽ chỉ tăng khoảng 4% trong năm 2011. Đó là một con số quá khiêm tốn với một “công ty truyền thông” kiểu như Yahoo.
Thứ tốt nhất mà giới công nghệ nhìn thấy ở Yahoo trong những tháng vừa qua có lẽ là một số sự hợp tác với các công ty khác, ví dụ như với Facebook và Yahoo để đưa link của những dịch vụ này hiển thị trên trang chủ của Yahoo hay việc bắt đầu “tiếp sức” cho Bing trong cuộc chiến tìm kiếm với Google. Nhưng với từng đó, Yahoo sẽ chẳng đi được đến đâu và các nhà đầu tư của phố Wall sẽ chỉ thực sự chú ý đến họ khi nào Yahoo có được một giải pháp của riêng mình và tăng được doanh thu.
“Phần cốt lõi của Yahoo đang ngày càng tiều tụy. Một cú sốc khác là điều rất cần thiết vào lúc này để họ có thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn u mê và tập trung vào những sản phẩm mới”, ông Jackson nói.
Theo ICTNews