IP:18.220.217.228

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Những câu văn hài hước của thí sinh
23/07/2009 08:45 PM

"Đọc, đọc nữa, đọc mãi, đọc sách không bao giờ làm cho người ta cảm thấy nhàm chán, nhất là sách kiếm hiệp"; "Cha mẹ Mỵ đã đặt Mỵ vào làm dâu nhà Thống Lý Pá Tra nhưng tình yêu tự do lên tiếng... Ngày nay, các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ không nên ép duyên con như thế".

Không phải phổ biến, nhưng những câu văn ngô nghê sai kiến thức, nhầm lẫn của thí sinh trong bài thi môn Văn tốt nghiệp THPT năm nay không khỏi làm cho giáo viên chấm thi của Nghệ An và TP HCM "cười ra nước mắt".

Nói về sức sống mãnh liệt của nhân vật Mỵ trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" một thí sinh khác bình luận. "Ông Tô Hoài đã giết chết Mỵ, nhưng vì Mỵ có sức sống tiềm tàng nên cho Mỵ sống lại, để tiếp tục chung sống với Pá Tra".

Có những thí sinh lại viết văn viết theo kiểu "râu ông nọ cắm cằm bà kia", nhân vật trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài đã gặp nhân vật trong tác phẩm "Vợ Nhặt" của nhà văn Kim Lân. "Sau khi thoát khỏi nhà Thống Lý Pá Tra, Mỵ xuống đồng bằng rồi gặp Tràng, nên vợ chồng sinh con đẻ cái, sống rất hạnh phúc", thí sinh này viết.


Văn luôn là môn thi khiến nhiều thí sinh lo lắng. Ảnh: Hải Duyên



Văn luôn là môn thi khiến nhiều thí sinh lo lắng. Ảnh: Hải Duyên

Một thí sinh còn lẫn lộn tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" với "Chí Phèo" của Nam Cao. "Mỵ sinh ra vốn nghèo đói xấu xí vì không có ai lấy làm vợ nên Mỵ theo Thống Lý Pá Tra tình nguyện về làm nô lệ. Ánh sáng tình yêu soi đường khiến Mỵ tỉnh ngộ, trong đêm tối vùng dậy cùng với A Phủ chạy thoát khỏi nhà Thống Lý nhưng chạy mãi vẫn thấy trước mắt một chiếc lò gạch cũ... Chao ôi thật xót xa", thí sinh bày tỏ cảm xúc với nhân vật Mỵ.

Có học sinh đã khéo liên hệ câu chuyện của Mỵ với "tự do tình yêu" khi viết: "Ngày xưa, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ Mỵ đã đặt Mỵ vào làm dâu nhà Thống Lý Pá Tra nhưng tình yêu tự do lên tiếng, Mỵ đã tìm mọi cách để chạy trốn khỏi cuộc sống khốn khổ ấy, tìm đến tình yêu đích thực với A Phủ. Ngày nay, các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ cũng không nên ép duyên con như thế"...

Trong hội đồng thi khác, một học sinh lại đưa Lỗ Tấn - nhà văn Trung Quốc vào danh sách những nhà văn Việt Nam. "Trên diễn đàn văn học hiện đại Việt Nam thì Lỗ Tấn được xem là nhà văn nổi tiếng, có nét cá tính riêng nhất cùng với những nhà văn, nhà thơ khác như Tô Hoài, Nguyễn Tuân..."

Bi hài hơn có thí sinh đã đưa tác phẩm "Thuốc" từ tạp chí "Tân thanh niên" số 5 - 1919 của Trung Quốc sang báo Thanh niên của Việt Nam. "Thuốc là một tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn được đăng trên báo Thanh niên số đặc biệt năm 1999", thí sinh viết.

Phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách trong bài thi, một thí sinh không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình: "Đọc, đọc nữa, đọc mãi, đọc sách không bao giờ làm cho người ta cảm thấy nhàm chán, nhất là sách kiếm hiệp". "Trong tất cả các loại sách, em thích nhất là sách truyện tranh trên mạng. Nó có sức thu hút với em nhất, những cuốn sách này vừa có tính minh họa, vừa dễ đọc lại vừa không mất tiền mua", thí sinh này tiếp tục phát biểu cảm nghĩ.

Sau thời gian chấm thi tốt nghiệp, thầy Bùi Đặng Hiếu, TP HCM chia sẻ thêm về những câu văn hài hước của học sinh. "Hạ Du bị quân Nhật xử bắn tại pháp trường Cổ Hiên Đình Khẩu ở Bắc Kinh", "Vợ chồng A Phủ là một bài thơ tình nổi tiếng của Tô Hoài", "Cha con Thống Lý Pá Tra đối xử với Ánh Nguyệt rất tàn nhẫn". Đặc biệt hơn, có những em còn hồn nhiên so sánh "Sông Hương đã được Nguyễn Tuân so sánh với sông Hàn ở Seoul, con sông được coi là biểu tượng của Hàn Quốc".

Theo cô Hoàng Lan, nữ giáo viên môn văn trường Chu Văn An, quận 5, TP HCM đây là lỗi của cách hành văn máy móc sáo rỗng và học không đến nơi đến chốn của một số em. "Thực tế hiện nay khả năng làm văn của nhiều học sinh ngày càng giảm. Điều này rất phổ biến, ngay cả trong những bài kiểm tra trên lớp, tôi cũng bắt gặp những câu văn rất ngô nghê. Tuy nhiên, cũng không đến mức sai cơ bản về mặt kiến thức đến như vậy. Có thể tâm lý trong phòng thi không tốt cũng ảnh hưởng một phần đến cách viết của các em", cô Lan lý giải.

Đánh giá chung về chất lượng môn Văn của kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Phó giám đốc Sở GD&ĐT, Chủ tịch hội đồng chấm thi tại TP HCM - ông Nguyễn Hoài Chương cho biết, đề thi môn Văn năm nay cũng khá dài. Trong đó, câu phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách là một dạng đề mở nhưng đáp án của Bộ lại là đáp án đóng.

"Qua kết quả chấm thi cho thấy các em còn rất nhiều lỗi chính tả, chưa biết phân tích yêu cầu của đề, kiến thức còn non", ông Chương nhận xét sau khi công bố điểm thi.

Thực tế, điểm Văn của một số tỉnh đồng bằng năm nay cũng rất thấp chỉ đạt 20% trên điểm trung bình (Kiên Giang) và trung bình điểm Văn của các tỉnh được TP HCM chấm thi năm nay cũng rất thấp chỉ đạt mức bình quân 27%.

Theo Trường Long - Hải Duyên (VnExpress)




CÁC TIN KHÁC





BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd