IP:13.59.35.116

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Chạy đua xin tăng điểm ưu tiên
21/08/2009 09:01 AM

Vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh, được nới rộng khoảng cách điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, đang là cái “phao” được nhiều trường ĐH, CĐ trông chờ để có thể bấu víu nhằm cải thiện tình hình tuyển sinh.


Năm 2009, Trường ĐH Bình Dương đã thông báo điểm chênh lệch ưu tiên khu vực là 1 điểm. 
Trong ảnh: nhiều thí sinh, phụ huynh đến trường chất vấn cán bộ tuyển sinh vì trúng tuyển 
nhưng không được nhập học trong mùa tuyển sinh 2008 do quá chỉ tiêu- Ảnh: ANH THOA

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố mức điểm sàn, các trường ĐH, CĐ - chủ yếu là trường ngoài công lập - đua nhau gửi công văn đề nghị về bộ. Nếu được chấp thuận vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh, mức điểm trúng tuyển của các trường đối với HSPT-KV3 không thay đổi nhưng đối với tất cả các khu vực hoặc đối tượng còn lại - tùy thuộc vào phạm vi được phép vận dụng - sẽ thấp hơn từ 1-1,5 điểm so với mức điểm sàn chung.

“Lách” sao cho có lợi nhất

Từ năm 2008, trước làn sóng đua nhau vận dụng điều 33, trong đó nhiều trường ngoài công lập vận dụng tối đa đồng thời đối với cả mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng, Bộ GD-ĐT đã có một bước siết chặt hơn điều 33 của quy chế. Nhưng quy định chặt đến mấy, các trường cũng đều tìm cách “lách” sao cho có lợi nhất.

Năm nay, hầu hết các trường đề nghị được vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh đều chọn phương án nới rộng điểm ưu tiên khu vực. Với phương án này, mức điểm có thể hạ so với chuẩn và sàn chung nhiều hơn: chênh lệch giữa mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp tăng từ 0,5 lên 1 điểm, tổng cộng mức chênh sẽ là 1,5 điểm so với nếu xin nới rộng điểm ưu tiên đối tượng, sẽ chỉ được tăng thêm 1 điểm. Hơn nữa, chọn phương án nới rộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng thí sinh được hưởng lợi mà nhà trường có thể thu hút rộng hơn nhiều. 

Mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa các đối tượng áp dụng đại trà là 1 điểm và mức ưu tiên chênh lệch đại trà giữa các khu vực là 0,5 điểm. Nhưng theo quy chế tuyển sinh, điều 33 quy định:

* Đối với những trường đóng ở vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỉ lệ cần thiết.

* Đối với các trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

 ĐH Tây Nguyên là một trong những trường đầu tiên được bộ chấp thuận cho vận dụng điều 33 với lý do hằng năm trường có số lượng thí sinh là người dân tộc thiểu số đăng ký dự thi với số lượng khá lớn nhưng do kết quả thi thấp nên số lượng được tuyển vào học các ngành đào tạo của trường không thể đủ chỉ tiêu.

Vì vậy, để tăng số lượng sinh viên là người dân tộc thiểu số vào học, năm nay ĐH Tây Nguyên đề nghị bộ cho phép áp dụng điều 33 đối với điểm ưu tiên đối tượng. Ông Nguyễn Văn Hòa, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết trường áp mức mức chênh lệch tối đa giữa các đối tượng ưu tiên kế tiếp là 1,5 điểm ngay đối với xét tuyển NV1. Nhờ vậy, trường cải thiện nguồn tuyển thêm được khoảng 10%.

Chỉ trừ Trường ĐH Tây Nguyên, mấy trường đầu tiên được bộ duyệt cho áp dụng điều 33 năm nay đều đề nghị được nới rộng khoảng cách điểm ưu tiên khu vực. Trường ĐH dân lập Lạc Hồng (Đồng Nai) cũng nằm trong số đó.

Ông Lâm Thành Hiển, phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết trường đã nhận được văn bản trả lời của bộ ngày 19-8. “Nhà trường đề nghị bộ cho áp dụng điều 33 đối với mức điểm ưu tiên khu vực để phù hợp với đối tượng tuyển sinh của trường. Nếu không được vận dụng điều 33, chúng tôi sẽ gặp khó khăn về nguồn tuyển, phải kéo dài quy trình tuyển sinh mà vẫn thiếu chỉ tiêu. Chúng tôi sẽ áp dụng mức điểm chênh lệch ưu tiên giữa các khu vực là 1 điểm đối với điểm chuẩn xét tuyển tất cả các nguyện vọng” - ông Lâm Thành Hiển cho hay.

Ông Hiển cho biết thêm với mức điểm ưu tiên như vậy sẽ đỡ thiệt thòi cho những thí sinh ở vùng sâu vùng xa có điều kiện giáo dục không tốt bằng các vùng đô thị. Ví dụ như ở Đồng Nai, học sinh ở huyện Định Quán rõ ràng là thiệt thòi hơn nhiều, nếu được ưu tiên khu vực cao hơn, các em có thêm cơ hội trúng tuyển.

Đua nhau… vận dụng!

Bộ GD-ĐT vừa chấp thuận cho vài trường ĐH đầu tiên trong mùa tuyển sinh năm 2009 được vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh. Nhưng đó mới chỉ là đợt mở màn, số trường đã có văn bản đề nghị được nới rộng khoảng cách điểm ưu tiên đối tượng, khu vực đã lên tới vài chục trường. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, chỉ riêng những trường đã được Vụ Giáo dục đại học xem xét và trình lên, đang xếp hàng chờ Thứ trưởng Phạm Vũ Luận phê duyệt cũng lên tới hơn chục trường ĐH, CĐ nữa.

Năm nay với lý do kết quả thi thấp, khó khăn về nguồn tuyển, hàng loạt trường đã xin Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh theo điều 33 quy chế tuyển sinh để có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Có thể kể đến các trường: ĐH Tây Đô, ĐH Yersin (Đà Lạt), ĐH dân lập Cửu Long, ĐH Quảng Bình, ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), CĐ Đức Trí (Đà Nẵng), ĐH dân lập Bình Dương, ĐH Kinh tế công nghiệp Long An, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu…

Bên cạnh một số trường đề nghị thuộc diện “đúng đối tượng”, cũng có không ít trường không hề thuộc phạm vi được vận dụng điều 33: đóng trên địa bàn thuận lợi, thậm chí là TP.HCM, không đào tạo nguồn nhân lực ở những ngành ưu tiên, khó tuyển, không đào tạo theo địa chỉ phục vụ nhu cầu nhân lực của các địa phương khó khăn… nhưng cũng cứ đề nghị. Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định là một ví dụ. Trường có công văn đề nghị bộ được nâng mức điểm ưu tiên khu vực lên 1 điểm mặc dù trường đóng trên địa bàn Q.10 của TP.HCM.

Theo lý giải của ông Trần Đình Tướng - trưởng phòng đào tạo nhà trường, trường xin vận dụng điều 33 “vì trường đào tạo nhân lực phục vụ cho các đô thị, khu công nghiệp lân cận… TP.HCM?!”. Nhưng điều đáng nói là năm 2008, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đã từng được Bộ GD-ĐT cho phép vận dụng điều 33 trong tình huống tương tự, mặc dù trường không thực hiện đào tạo theo địa chỉ hay theo đơn đặt hàng phục vụ nhu cầu nhân lực cụ thể của địa phương nào.

Điều 33 được bổ sung vào quy chế tuyển sinh sau khi Bộ GD-ĐT áp dụng quy định mức điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ, nhằm tạo thêm cơ hội cho những trường khó khăn về nguồn tuyển. Bởi vì có những trường ĐH, CĐ, bao gồm cả một số trường công lập có các ngành khó tuyển, nếu áp dụng theo đúng mức điểm sàn ĐH, CĐ chung của bộ thì sẽ luôn trong tình trạng tuyển thiếu chỉ tiêu. Nhưng việc vận dụng điều này trên thực tế, từ cả phía trường và phía Bộ GD-ĐT, đã quá “linh hoạt” dẫn đến có không ít trường hợp không đúng với quy định về đối tượng được áp dụng.

Bên cạnh đó, việc xem xét, phê duyệt cho phép các trường được vận dụng điều 33 những năm qua cũng bị nhiều ý kiến đánh giá là nặng về cơ chế xin - cho, khái niệm “đào tạo nhân lực phục vụ cho địa phương” quá chung chung, vận dụng sao cũng được…

Theo Tuoitre online




CÁC TIN KHÁC

• Hơn 500 học sinh bị… cấm đi học (20/08/2009)
• 127 sinh viên “ngã ngửa” vì không được tốt nghiệp (20/08/2009)
• Không thu gộp các khoản vào đầu năm học (18/08/2009)
• Hà Nội “phập phồng” ngày tựu trường (17/08/2009)
• Tiếp cận CNTT trong giáo dục: Giải pháp nào? (15/08/2009)
• Sửa Luật Giáo dục chưa chạm đến bức xúc lớn nhất (15/08/2009)
• Sinh viên quá yếu về kỹ năng (15/08/2009)
• Những ngành học "rớt giá" (14/08/2009)
• Xây dựng chuẩn đối với hiệu trưởng (14/08/2009)
• Tuổi teen “hành xác” (13/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd