IP:18.191.189.119

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Đào tạo theo tín chỉ: Vừa làm vừa băn khoăn
31/08/2009 10:22 AM

Cách đây hơn 10 năm, đào tạo theo tín chỉ (ĐTTC) được nhắc đến tại một hội nghị giáo dục ở phía Nam và, từ đó, ĐTTC vẫn được coi như là một cứu cánh của giáo dục đại học (ĐH).

Tuy nhiên, từ đó đến nay hầu như chỉ có các trường ĐH phía Nam đi tiên phong, không mấy trường phía Bắc mặn mà.

Theo quyết định của Bộ GĐ&ĐT, tất cả các trường phải chuyển sang ĐTTC từ năm học 2008-2009, chậm nhất là năm 2011. Các trường phía Bắc rục rịch bắt tay vào làm, song còn khá nhiều băn khoăn. 

 
Theo quyết định của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2008 - 2009, 
tất cả các trường phải chuyển sang ĐTTC - Ảnh: Phạm Yên

Tăng cường mạnh cơ sở vật chất

ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) từ nhiều tháng nay bắt tay vào sửa chữa, bổ sung gần 500 phòng học trên bảy giảng đường với chi phí 800 - 900 triệu đồng. Ngoài ra, trường còn phải chuẩn bị một lượng giáo trình khổng lồ để phục vụ nhu cầu tự học của sinh viên (SV) theo quy trình đào tạo mới. 

GS TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Hiệu trưởng ĐH Luật miêu tả không khí học tập theo tín chỉ như sau: SV phải chủ động chuẩn bị bài, tận dụng thời gian tối đa trong thư viện, hoặc trong đọc sách, đọc tài liệu trong học suốt quá trình đào tạo vì trước kia SV đi học theo buổi, nay học theo thời gian đăng ký môn học.

Nhiều trường ĐH nỗ lực đầu tư cho ĐTTC: ĐH Luật cho biết ĐTTC làm cho sức căng của giảng đường tăng hơn và trường này đã phải dành toàn bộ tầng 1 của tòa nhà D làm thư viện cho sinh viên tự học, điều đòi hỏi cơ bản ở ĐTTC. ĐHSP HN mới hoàn thành một tòa nhà KHCN 11 tầng để đưa vào sử dụng năm học mới; một số phòng lab, trung tâm tin học, một nhà mới tám tầng ...

Tất cả đang tạo nên một không khí mới như đi vào chiến dịch. Điều này có thể thấy những trường không đủ mạnh về cơ sở vật chất (số trường như thế này không phải ít) sẽ khó thực hiện được cuộc cách mạng mới này.

Gian nan ĐTTC

ĐH Luật, ĐH Giao thông, ĐHKH Tự nhiên, ĐHSP Hà Nội, ĐH Bách khoa... đều hăm hở bắt tay vào ĐTTC. Đơn giản là vì, theo ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng ĐH Giao thông, ĐTTC mở ra một cánh cửa mới cho các trường đổi mới chương trình đào tạo, thay máu đội ngũ, cải tiến phương pháp, ... và một thiên đường học tập cho SV: có điều kiện học vượt chương trình để kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài thời gian học tập tùy theo năng lực của mình, không gò ép. Điều này có thể, rút ngắn thời gian đào tạo của một số ngành từ năm năm xuống còn bốn năm hoặc 4,5 năm. 

Thầy Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐHBK, cảnh báo: ĐTTC là chấm dứt tư tưởng vào được ĐH là tốt nghiệp được.

Trong suốt quá trình học tập, đặc biệt đối với ĐTTC, SV phải phấn đấu bền bỉ và học khổ hơn cả ôn thi ĐH mới mong ra trường được.

 Tuy nhiên, ĐTTC để lại không ít băn khoăn. Có trường ĐH chưa thực hiện ĐTTC vì không muốn làm một cách hình thức và chiếu lệ. Nguồn tin này cho hay: ĐTTC là hình thức đào tạo có nhiều ngành chuyên sâu SV có thể lựa chọn và học trúng chuyên môn để sau này có thể vào đời một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, nguồn tin này nhấn mạnh, các trường nếu cứ cố ĐTTC cho đúng trào lưu thì việc này trở nên hình thức và chiếu lệ, còn nguy hiểm hơn.

Chẳng hạn, vì chưa kịp chuyển mình, chưa có các điều kiện đi kèm như chương trình mới, giáo trình, tài liệu, phòng ốc, đặc biệt là giảng viên nên các trường cho ra các môn học đặc thù có thể chỉ na ná, không khác nhau nhiều lắm; thay vào việc các SV có thể có kế hoạch học tập riêng nhiều môn thì nhà trường có thể cho học ghép...; chưa hình dung định hình được SV cần những kiến thức gì để chọn học đúng trong khi đội ngũ giáo viên tư vấn lại không đủ trình độ...

Một ví dụ: đội ngũ tư vấn chọn môn học phải hiểu rất rõ kế toán bệnh viện có đặc thù khác kế toán doanh nghiệp thế nào và khác kế toán trường học thế nào để tư vấn chọn môn học cho sinh viên. Nhưng nếu không giỏi, các trường, vì tiết kiệm có thể dạy na ná, đội ngũ tư vấn có thể mách nước sai, SV có thể chọn thiếu môn học thì sẽ thiếu kỹ năng khi làm việc...

ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN (ĐHKD&CN HN) là một trong những trường sẽ chậm lại tiến trình ĐTTC. Ông Lê Văn Toàn, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định: trường này năm nay cũng sẽ bắt đầu như lộ trình nhưng sẽ còn... dài dài.

Không phải chỉ là chuyện nhanh chậm mà trường ông muốn đào tạo chuyên sâu thực sự, có nhiều môn học tự chọn thực sự để người học có thể lựa chọn và ra đời làm được việc.

Ông cũng cho biết: Trường này tuy có nhiều GS, PGS nhưng đào tạo chuyên sâu không phải là chuyện thực hiện được sau một đêm mơ. Cần phải có một quá trình chuẩn bị.

Ngoài ra, ĐTTC là một hình thức đào tạo mà hầu như không quản lý được SV vì các SV sẽ theo học ở các đơn vị lớp khác nhau tùy theo từng môn học. Có thể nói, học bao nhiêu môn thì sinh viên sẽ ở ngần ấy lớp và việc quản lý SV sẽ gặp khó khăn hơn.

Theo Tienphong




CÁC TIN KHÁC

• Triệt tiêu phương pháp dạy học “đọc - chép” (28/08/2009)
• Nâng cao chất lượng giáo dục: Bắt đầu từ chính sách với đội ngũ giáo viên (27/08/2009)
• Dừng tuyển sinh nhiều ngành liên kết đào tạo sai phạm (27/08/2009)
• Tuyển sinh 'chui': Đặc cách cấp bằng tốt nghiệp lần nữa (26/08/2009)
• Thủ tướng đề nghị ngành giáo dục làm rõ nguyên nhân yếu kém (26/08/2009)
• Những ngành “hot,” học phí sẽ tăng kịch trần (25/08/2009)
• Dự thảo đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học: Khả quan (25/08/2009)
• Xây trường 3 tỷ cho... 20 học sinh đến học (24/08/2009)
• “Muốn thuê nhà tôi thì ra gặp bà… hàng nước” (24/08/2009)
• Những điểm mới trong năm học mới (22/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd