IP:18.188.109.38

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Bát nháo 'chợ' Rapidshare
03/09/2009 08:09 AM

Thú sưu tầm phim ảnh, nhu cầu tải phần mềm, tìm kiếm ebook… khiến một số người hàng ngày tìm đến những trang web chia sẻ để tải về. RapidShare.com được biết đến như là một trong những kho chia sẻ dữ liệu khổng lồ và nhanh nhất, cung cấp đủ thứ nhằm thoả mãn nhu cầu của người dùng Internet hiện nay.

 

Với một tài khoản RapidShare trả phí (gọi là premium), bạn sẽ thoải mái tải về tới 5GB/ngày, băng thông không bị giới hạn, tải lên (để chia sẻ) và giữ lại các file này cho đến khi tài khoản đạt giới hạn 500GB mới bị xóa. Để có được tài khoản premium thì phải bỏ tiền ra mua hoặc đổi từ điểm thưởng (RapidPoints). Một tài khoản miễn phí vẫn được RapidShare cho phép tải lên/xuống các dữ liệu nhưng lại giới hạn dung lượng, tốc độ, bắt phải chờ đợi, không cho phép sử dụng chương trình tăng tốc nên tốc độ không những “rùa bò” mà còn không thể tải tiếp sau khi tạm dừng.

Chính vì những điểm hạn chế của tài khoản miễn phí, cùng với nhu cầu sử dụng mà không muốn tốn nhiều tiền, hay tốn công kiếm điểm thưởng của một bộ phận người dùng nên đã xuất hiện thị trường mua bán tài khoản trả phí RapidShare… giá mềm.

Rẻ là… OK!

Trên một số diễn đàn, thỉnh thoảng xuất hiện những lời rao bán tài khoản premium đổi từ điểm thưởng với mức giá hết sức hấp dẫn: 70.000đ cho tài khoản premium một tháng. Trong khi giá bán của công ty Trường An, đại lý chính thức RapidShare tại Việt Nam, là 239.000đ. Còn nếu mua trực tiếp từ RapidShare.com (bằng tài khoản Paypal hoặc thẻ tín dụng) cũng phải mất 6,99 EURO (khoảng hơn 180.000 đồng).

Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi tìm cách liên hệ với chủ nhân của những lời rao “ngọt ngào”. Lời rao đầu tiên khiến chúng tôi chú ý là của một thành viên có địa chỉ tại Q.1, TP.HCM. Khi gọi vào số ĐTDĐ thì tổng đài cho biết thuê bao hiện không liên lạc được. Gọi tiếp số thứ hai, cũng là ở TP.HCM, điện thoại đổ chuông nhưng không ai trả lời. May mắn là khi liên hệ tới người thứ ba, chúng tôi gặp đúng chủ nhân, tên T., và hai bên thống nhất hẹn gặp tại địa chỉ đã được đưa lên cùng lời rao.

Đúng hẹn, chúng tôi gặp T., một mảnh giấy nhỏ được chìa ra với hai dãy số ghi tên tài khoản và mật khẩu truy nhập. “Đây là tài khoản một tháng, giá 70.000 đồng, các anh cứ thế mà dùng”, T. nói gọn lỏn, và khẳng định nếu quá trình dùng có trục trặc cứ điện thoại hay nhắn tin là sẽ được giải quyết ngay. “Làm ăn có uy tín mà”, T. nói chắc nịch. Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi sao không đưa luôn code, dùng để mở khóa nhằm thay mật khẩu và địa chỉ email (mà thông qua đó RapidShare liên lạc với khách hàng), thì T. giải thích đây là tài khoản sáu tháng, coi như cho chúng tôi thuê, hết tháng sẽ đổi mật khẩu chấm dứt hợp đồng. Còn nếu mua đứt luôn tài khoản cho sáu tháng thì giá là 300.000đ. Hóa ra, quảng cáo một tháng cho hấp dẫn, chứ thực tế theo T. chỉ còn loại ba, sáu hay 12 tháng với lý do kiếm điểm thưởng bây giờ khó quá nên đổi ra tài khoản premium một tháng hầu như không có lời!

T. khẳng định: đảm bảo sẽ không có bất cứ ai khác dùng chung tài khoản này cùng chúng tôi trong thời gian cho thuê. Giải đáp thắc mắc làm sao biết được điều đó, T. tiết lộ “bí mật”: để phát hiện tài khoản có nhiều người dùng không là người vào sau sẽ thấy tốc độ download rất chậm. Chỉ có chủ tài khoản mới biết được chính xác điều đó vì RapidShare sẽ gửi về hộp thư đã đăng ký, cảnh báo xuất hiện tài khoản được login vào từ hai máy có hai địa chỉ IP khác nhau tại cùng một thời điểm. Theo T., RapidShare kiểm tra IP rất kỹ, sau ba lần phát hiện hiện tượng dùng chung sẽ khóa tài khoản. Trường hợp đó sẽ không được bảo hành. T. khuyên: “Nếu muốn nhiều người dùng chung một tài khoản thì nên chia giờ ra thay phiên nhau sử dụng”.

Nhận 70.000đ, T. cười: “Các anh cẩn thận quá, cứ chuyển tiền vào tài khoản thẻ ATM của em là các anh sẽ nhận được ngay tài khoản premium bằng tin nhắn”.

Tạm biệt T., chúng tôi tới địa chỉ tiếp theo như đã hẹn trước với chủ nhân tên Q. Chúng tôi được Q. cho biết chỉ có loại tài khoản ba tháng trở lên. Loại một tháng chủ yếu có xuất xứ từ việc đổi điểm thưởng mà theo Q. thì việc đổi bây giờ được qui định ngặt nghèo hơn trước. Ngoài 5.000 điểm thưởng (trước đây là 10.000 điểm – PV) còn cần có thêm ba điểm ReferrerPoints (là điểm nhận được mỗi lần giới thiệu thành công một người mua mới). Vì thế những ai thường tải phim lên để “hòng” nhận được điểm thưởng RapidPoints nhờ có người download cũng đành “bó tay” vì không có điểm ReferrerPoints. Tài khoản một tháng trở thành “hàng hiếm” là vì vậy.

“Hàng” của Q. rẻ bất ngờ: giá 150.000đ, 250.000đ và 450.000đ tương ứng với các tài khoản premium ba, sáu và 12 tháng. “Giá rẻ là vì "ạc" tự làm, chứ không phải mua đi bán lại như người ta”, Q. khẳng định và cho biết, thường xuyên có người hỏi mua vì… rẻ quá mà!

Rủi ro tiềm ẩn…

T. cho biết, việc mua tài khoản bây giờ quá dễ chứ không như trước kia. Khi đó, tài khoản premium còn là “hàng độc quyền” của một số ít thành viên các tỉnh phía Bắc. Bản thân T. cũng từng đi mua “ạc” để dùng và bị lừa. Tiền phải chuyển trước, trong khi không biết địa chỉ, nhà cửa, nhân thân của người bán. Sau khi nhận “ạc” dùng được mấy ngày thì “chết”, mật khẩu đã bị đổi. “Người bán thậm chí còn là Mod của một trang web có tiếng”, T. lắc đầu ngán ngẩm.

Còn theo Q. thì người bán thường rao tài khoản đổi từ điểm thưởng nên an toàn tuyệt đối, nhưng rủi ro không phải là không có. Bởi nếu điểm thưởng nhận được từ việc mua tài khoản premium bằng thẻ tín dụng “chùa” mà nếu bị phát hiện thì không những tài khoản chính bị đóng mà tài khoản đổi cũng “tiêu” luôn. Và dĩ nhiên thiệt hại thuộc về người dùng.

“Kinh nghiệm” của Q. là một tài khoản premium mới tạo ra nếu “qua” được một tuần cho tới nửa tháng là có thể yên tâm. Bởi theo Q. thì tài khoản bất hợp pháp nếu bị phát hiện thường là ngay sau khi mới tạo ra. Người có “uy tín” như Q. không bao giờ bán tài khoản ngay khi mới tạo ra mà để tới được thời gian an toàn mới bán cho khách hàng. “Dù sao mình vẫn phải bảo hành cơ mà”, Q. nhấn mạnh, như vậy chắc ăn mà đỡ mang tiếng là “hàng” không đảm bảo. “Mánh” của Q. là với mỗi thẻ tín dụng không nên tham mà mua nhiều tài khoản, bởi như thế rất dễ bị lộ (?).

Q. cho biết, có một số người mua rồi bán lại một tài khoản cho nhiều người khác nhau trong cùng một khoảng thời gian. Việc nhiều người dùng cùng một tài khoản rất dễ bị RapidShare phát hiện. Nhưng theo Q. thì do quá nhiều người dùng nên việc xử lý của hãng cũng chậm. Hơn nữa, rủi ro sẽ thuộc người dùng còn kẻ bán “bất lương” thì đã ôm tiền và… biến. Ít ra thì thiệt thòi của người mua dễ thấy trong trường hợp này là qui định tải về 5GB/ngày sẽ bị chia sẻ cho nhiều người.

Một chuyên gia từng “cày” để lấy tài khoản RapidShare, nay đã bỏ nghề, cho phóng viên e-CHÍP biết, những tài khoản được bán trên thị trường trôi nổi thực ra tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Kể cả khi người bán giao đầy đủ địa chỉ email cùng tài khoản và mật khẩu thì họ vẫn có thể liên hệ với RapidShare để lấy lại bất cứ lúc nào nếu trưng ra bằng chứng là những thông tin liên quan đến giao dịch khi mua như: Họ và tên người mua; Địa chỉ E-mail; Ngày giao dịch; ID chuyển tiền (PayPal)… Tất nhiên đó chỉ là lý thuyết, chứ thực tế đây không phải là điều đáng lo ngại đối với người mua. Bởi do giá trị nhỏ, người bán lại phải giữ uy tín làm ăn lâu dài, hơn nữa nếu là mua từ nguồn tài chính bất hợp pháp thì việc liên hệ với RapidShare như vậy khó có thể xảy ra.

Dù vậy, vì khả năng tài khoản có thể bị mất với những lý do như trên nên xuất hiện khái niệm bảo hành. Tức là người bán chịu trách nhiệm trước người mua tài khoản hoạt động “trơn tru” trong suốt thời gian qui định. Người mua thì vì ham rẻ nên bất cần biết nguồn gốc của tài khoản.

Theo Echip




CÁC TIN KHÁC

• Microsoft cho tải miễn phí Windows 7 Enterprise (03/09/2009)
• Ebay tuyên bố đã bán Skype (02/09/2009)
• Snow Leopard khó so tài với Windows 7 (01/09/2009)
• Điểm nổi bật của Windows 7 (01/09/2009)
• Symantec trượt sát hạch diệt mã độc (01/09/2009)
• 7 'tội lỗi' của Windows 7 (31/08/2009)
• Snow Leopard "khó chịu" với nhiều ứng dụng (31/08/2009)
• Tính mở của Wikipedia bị kiềm chế (31/08/2009)
• Facebook tăng cường bảo vệ thông tin người sử dụng (29/08/2009)
• SAP ra mắt các công cụ mạng xã hội mới cho cộng đồng (29/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd