IP:13.59.88.8

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Khái niệm "tiến sĩ" đã bị hiểu sai
21/09/2009 10:14 AM

Tiến sĩ được đào tạo chủ yếu để làm việc giảng dạy và nghiên cứu ở đại học, không phải để làm việc chính quyền. Một người dân thường có thể hiểu chưa đúng khái niệm tiến sĩ, nhưng những người hoạch định chính sách cán bộ không thể hiểu sai, hiểu lệch vì như vậy hệ lụy sẽ rất lớn.

 Ít ngày trước đây, nhiều người đã rất ngạc nhiên khi đọc bài báo “Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy ‘quản’ là tiến sĩ”.

Gần đây, nhiều người còn ngạc nhiên hơn khi đọc lời giải thích “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy” của tiến sĩ Lê Anh Sắc, chuyên viên cao cấp Sở Nội vụ Hà Nội, thành viên soạn thảo “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố”.

Trong bài phỏng vấn này, ông Sắc khẳng định: “Đề xuất ra cái mới, có khả năng tư duy đột phá phải là những người có bằng tiến sĩ”, và chiến lược cán bộ được nhắc lại, “theo đó, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu có 100% cán bộ diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ diện UBND thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học”.

 

 Cũng theo bài báo, chiến lược này được Sở Nội vụ thành phố hoàn thành trong 3 tháng, dựa trên kết quả của đề tài nghiên cứu của Sở “Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ cấu chức danh, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính thành phố Hà Nội”.

Nếu chỉ là ý kiến của một cá nhân thì cũng không có gì phải bàn, nhưng nếu đã thành chiến lược về cán bộ chính quyền của thành phố thì có những điều cần trao đổi. Điều quan trọng là có những khái niệm cơ bản lâu nay đã bị hiểu sai một cách phổ biến trong xã hội ta.

Một người dân thường có thể hiểu chưa đúng khái niệm tiến sĩ, nhưng những người hoạch định chính sách cán bộ không thể hiểu không đúng, vì việc họ hiểu sai sẽ ảnh hưởng đến các chính sách của nhà nước và mục tiêu phấn đấu của nhiều người. Yêu cầu những bằng cấp không đúng chỗ cũng liên quan đến chất lượng thấp của đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở ta.

Việc giáo dục và đào tạo của con người từ khi bắt đầu đến trường cho đến hết bậc thạc sĩ có bản chất là học, tức các quá trình qua đó từng cá nhân hoặc tập thể biến các hiểu biết của loài người thành hiểu biết của chính mình. Việc học được chia làm nhiều cấp học với những mục tiêu khác nhau.

Việc học ở các bậc phổ thông nhằm để có các hiểu biết cơ bản cần cho cuộc sống và hoạt động của mỗi người. Việc học ở các trường dạy nghề hay cao đẳng nhằm để người học có được kỹ năng và hiểu biết cụ thể để làm một nghề. Việc học ở bậc cử nhân nhằm để người học có các tri thức chung của loài người về một nghề (thí dụ nghề y, nghề luyện kim, nghề thủy sản, ...). Chương trình cử nhân do vậy thường phải gồm nhiều môn để trang bị cho người học toàn bộ kiến thức cơ bản của các ngành trong nghề.

Vì vậy người học xong bậc cử nhân thường chưa có kiến thức chuyên ngành, và cấp học thạc sĩ nhằm trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng của một ngành nào đấy trong nghề. Thí dụ như người kỹ sư tin học khi ra trường có được những kiến thức chung về nghề công nghệ thông tin, nhưng nếu sẽ chuyên làm việc về bảo mật thông tin thì có thể phải học thạc sĩ trong hai năm về ngành này để biết sâu những kiến thức của thiên hạ về bảo mật thông tin và được rèn tay nghề.

Khác với các việc học trên, việc đào tạo tiến sĩ có bản chất là nghiên cứu, tức quá trình các cá nhân và tập thể tìm và tạo ra các hiểu biết mới cho loài người. Tiến sĩ là người được đào tạo để có khả năng tư duy và kỹ năng nghiên cứu khoa học, không phải khả năng tư duy nói chung. Khắp nơi trên thế giới này, tiến sĩ được đào tạo chủ yếu để làm việc giảng dạy và nghiên cứu ở đại học, làm việc ở các viện nghiên cứu, hay ở các bộ phận nghiên cứu của các công ty, không phải để làm việc chính quyền. 

Tất nhiên, có một số người sau đào tạo tiến sĩ làm việc quản lý ở các cơ quan không liên quan đến nghiên cứu khoa học. Họ có thể phát huy được những gì đã được rèn luyện, nhưng những khả năng nghiên cứu khoa học không phải là khả năng và đòi hỏi tiên quyết của những người làm công việc chính quyền.

Việc đào tạo ra những người có bằng cấp loại nào là tùy thuộc vào nhu cầu công việc người đó làm. Tiến sĩ cũng không phải một cấp học cao hơn thạc sĩ, mà là một loại hình đào tạo những người làm nghiên cứu.

Ngoài khả năng nghiên cứu và hiểu biết sâu về lĩnh vực nghiên cứu hẹp của mình, người có bằng tiến sĩ không nhất thiết có gì hơn người có bằng đại học hay thạc sĩ về khả năng tư duy hay hiểu biết nói chung, vì rèn luyện khả năng tư duy chính là cốt lõi của việc học ở mọi cấp. Đặc biệt, không có gì đảm bảo sự khác biệt về khả năng đề xuất cái mới, khả năng đột phá tư duy của những người có bằng cấp đào tạo khác nhau này.

Người dân thường không biết những cán bộ do Thành ủy quản là ai, họ làm việc gì, nhưng đa số những người được Thành ủy quản lý chắc đều không làm việc ở đại học hay viện nghiên cứu, do vậy mong họ 100% là tiến sĩ là một mục tiêu quá khác xa với lẽ thường, tức một điều kỳ cục.

Những năm qua chúng ta đã nghe những đề xuất về xe máy chỉ được vào thành phố tùy ngày theo số chẵn số lẻ, về ngực lép cân nhẹ không được đi xe máy, ... Những đề xuất về chiến lược cán bộ chính quyền chắc chắn quan trọng hơn nhiều, và một khi những khái niệm cơ bản bị hiểu sai và dùng sai, hệ lụy sẽ rất lớn.

Theo Tuanvietnam




CÁC TIN KHÁC

• 'Điều thần kỳ' trong cải cách giáo dục ở Bulgaria (19/09/2009)
• Lớp trưởng... kiểu Đức (18/09/2009)
• Học ngoại ngữ để... thu nhập cao (18/09/2009)
• Giáo dục Đức: Cách ươm mầm cho tiến bộ xã hội (18/09/2009)
• Đồng tiền đi trước! (17/09/2009)
• Ở quốc gia không có khái niệm trường top (16/09/2009)
• Thờ ơ phân luồng, loay hoay giải pháp (15/09/2009)
• Đi học trên mạng xã hội (14/09/2009)
• Số liệu có từ thực tiễn và tính toán khoa học (13/09/2009)
• Hành trình con tôi vào lớp 1 (12/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd