IP:3.145.89.181

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Trẻ biết cãi mới... ngoan?
26/10/2009 07:26 AM

Cụm từ “gọi dạ bảo vâng” chỉ nên phát huy tác dụng trong những cư xử nói năng hàng ngày. Còn trong giáo dục, cần có những thay đổi mang tính căn bản và quyết liệt từ gia đình đến nhà trường để tạo ra những thế hệ học trò không chỉ biết nghe lời.

Khi còn nhỏ, tôi luôn được bố mẹ dặn đi dặn lại là nếu người lớn gọi phải lễ phép thưa “dạ”, người lớn nói gì phải lễ phép xin “vâng”.

Nghe lời người lớn là một bài học quan trọng đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, sau này trưởng thành lên, khi đã được coi là “người lớn”, đôi lúc tôi cảm thấy điều mình nói cho bọn trẻ “vâng” chưa chắc đã thật hay, mà ngược lại, câu chuyện của chúng nhiều khi cho tôi hiểu một điều gì sâu xa lắm.

 

"Chúng ta sẽ lại có thêm những thế hệ giỏi ghi chép và bắt chước, 
nhưng thiếu một cách trầm trọng cá tính riêng và đầu óc sáng tạo" -
Ảnh minh họa

Từ câu chuyện “gọi dạ bảo vâng”

“Gọi dạ bảo vâng”, hay nói khác đi, là dạy cách ứng xử lễ phép với người lớn, chúng ta có cả một hệ thống khuôn thước từ gia đình đến nhà trường mà đứa trẻ nào không tuân theo chắc chắn sẽ bị coi là hư.

Trên thực tế, trẻ con biết lễ độ là một điều tốt. Hơn nữa, chúng hẳn cũng sẽ dễ dạy bảo hơn, và người lớn cũng dễ hài lòng khi họ có nhiều quyền hành hơn, như các cụ thường hay bảo “muốn hay làm cha mà nói”.

Tôi cũng quen biết nhiều gia đình được coi là gia giáo rất thành công trong việc dạy bảo con cái họ biết nghe lời, ở nhà nghe lời cha mẹ, đến trường nghe lời thầy cô. Người ta gọi đó là những đứa trẻ ngoan. Ngược lại, hay cãi người lớn là biểu hiện của một đứa trẻ không tốt.

Tuy vậy, trong suốt quãng đời đi học của mình, không hiểu sao, tôi luôn có ấn tượng tốt với những bạn bè “hay cãi”, dám đứng lên tranh luận để bảo vệ ý kiến riêng, dù là tranh luận với bạn bè hay thầy cô, hơn là những người giỏi nghe, chép, học thuộc và thường đạt điểm cao hơn trong các bài kiếm tra, đơn giản vì họ nói lại đúng ý các thầy cô nói trên lớp, đôi khi đúng từng từ, từng chữ.

Tôi nhớ lần đầu tiên đi học xa nhà, bố tôi dặn đừng sống lập dị kẻo sẽ bị mọi người ghét. Thấy người ta như thế nào thì mình như thế, không nên tỏ ra khác biệt.

Sau này, tôi hiểu đó là tinh thần tập thể. Cũng vì nghĩ đến tinh thần tập thể, tôi quyết định tham gia hoạt động tình nguyện do nhà trường tổ chức. Và tôi thực sự bối rối không biết giống mọi người là như thế nào khi làm việc giữa một nhóm các bạn sinh viên tình nguyện quốc tế, mỗi người một khác, chẳng ai giống ai, và có thể tranh luận với nhau rất thoải mái.

Tôi cũng nhớ khi bắt đầu đọc các sách về viết luận tiếng Anh, tôi rất ngạc nhiên về cách người ta dạy học sinh lập luận và bảo vệ ý kiến của mình.

Các câu hỏi được đưa ra rất phong phú, từ những chuyện gần gũi như người viết thích đi ô tô hay tàu hỏa đến những chuyện lớn hơn như chính phủ nên dùng tiền để đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay phúc lợi xã hội, hoặc khoa học xã hội nhân văn hay khoa học tự nhiên quan trọng hơn…

Người ta không quan tâm học sinh lựa chọn cách nào, không có đúng hay sai, mà vấn đề là cách chúng đưa ra chính kiến và lý do để bảo vệ chính kiến đó.

Đến tư duy phản biện

Ngày nay, người ta nói nhiều về phản biện xã hội. Các nhà trường cũng khuyến khích học sinh, sinh viên phản biện nhiều hơn. Nhưng nhắc đến chuyện này, tôi lại nhớ tới lớp tôi thời đại học.

Lớp rất thích các giờ tranh luận vì một vài nói rất nhiều để các bạn khác có thời gian tranh thủ ngủ. Có đôi khi, nếu tôi nhớ không nhầm, lớp chúng tôi còn thích nghe thầy cô mắng, vì như thế chúng tôi sẽ chỉ việc ngồi nghe, gật gù, nhưng không phải học.

Nhìn chung, tôi luôn cảm thấy một sự khác biệt rất rõ rệt giữa hình thức và hiệu quả thực sự trong các nhà trường của chúng ta.

Chúng ta kêu gọi nhau phản biện, nhưng luôn dạy con trẻ răm rắp nghe lời, thậm chí áp đặt chúng những bài học rập khuôn, thiếu tính sáng tạo.

Chúng ta bao bọc con trẻ, dạy chúng điều hay lẽ phải, nhưng không hề chuẩn bị cho chúng một lối tư duy độc lập, không hề chú trọng phát triển cá nhân để chúng đủ sức đương đầu với những thử thách của cuộc sống trong tương lai.

Trong cách cư xử hàng ngày, “gọi dạ bảo vâng” là một cách để con trẻ bày tỏ sự kính trọng, lễ độ trước người lớn. Đó là một bài học cần thiết. Nhưng nếu áp dụng bài học này sâu hơn, theo kiểu “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, dạy trẻ luôn luôn nghe lời cha mẹ, thầy cô để trở thành những “con ngoan trò giỏi” mà không cần có suy nghĩ, quan điểm riêng, không dám suy nghĩ, hành động khác với những thế hệ trước lại là một câu chuyện khác.

Rồi chúng ta sẽ lại có thêm những thế hệ giỏi ghi chép và bắt chước, nhưng thiếu một cách trầm trọng cá tính riêng và đầu óc sáng tạo.

Người Nhật có một bộ truyện tranh cho trẻ em nổi tiếng thế giới là Doremon. Tôi mê bộ truyện ấy từ nhỏ và cho đến tận bây giờ. Là vì những câu chuyện của trẻ nhỏ đôi lúc rất đáng để người ta ngẫm nghĩ.

Tôi nhớ một mẩu chuyện trong một tuyển tập Doremon tôi đã đọc rất lâu về những cái nắp chai.

Một lần, nhân vật chính là Nobita rất ấm ức vì cậu không có nhiều đồ chơi đẹp và đắt tiền để được bạn bè ngưỡng mộ nên đã nhờ chú mèo thần kỳ Doremon biến cả thế giới thành yêu thích nắp chai, thứ mà cậu có rất nhiều.

Thế là bỗng dưng cậu trở nên nổi tiếng và quan trọng hơn, nắp chai bỗng dưng trở thành một thú chơi thời thượng mà người ta đua nhau chạy theo.

Hóa ra, tất cả nằm ở cách chúng ta quan niệm và đánh giá. Trong cuộc sống, chẳng cần đến sự thần kỳ nào, mà chính quan niệm của chúng ta làm thay đổi mọi thứ. Chúng ta nghĩ nắp chai quý giá thì nó trở nên quý giá, rất đơn giản.

Cho nên, biết đâu đấy, có một lúc nào đó chúng ta sẽ nhìn nhận những đứa trẻ biết cách “cãi” lại mới là những đứa trẻ ngoan?

Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• Khó đòi hỏi đủ chuẩn mới đào tạo(!?) (24/10/2009)
• Trường khen 'heo' béo, lớp khen bé ngoan! (23/10/2009)
• ĐH kém chất lượng: Con hư tại mẹ! (22/10/2009)
• Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém của giáo dục ĐH (21/10/2009)
• Mở trường dễ dãi: Bộ thanh tra trường, ai thanh tra Bộ? (20/10/2009)
• Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng (19/10/2009)
• Bằng cấp có thể hiện năng lực? (17/10/2009)
• Ngành học nào đang hot? (17/10/2009)
• Thầy giáo - Thầy thuốc (17/10/2009)
• Thi cao đẳng: Không cần thiết (16/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd