Viện sĩ Oleg Kiselev, Giám đốc Viện nghiên cứu cúm thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho biết các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm loại vắcxin này trên chuột.
Quá trình thử nghiệm vắcxin trên người được thực hiện qua hai giai đoạn. Đầu tiên, bản thân các nhà khoa học của Viện nghiên cứu cúm sẽ được tiêm vắcxin, rồi mới thử cho những người tình nguyện.
Theo kế hoạch, đến ngày 1/10 tới, lô vắcxin đầu tiên dành cho nhóm người có nguy cơ nhiễm cúm A/H1N1 cao sẽ được đưa vào sử dụng.
Viện sĩ Oleg Kiselev nhấn mạnh điều quan trọng là phải tiến hành sản xuất hàng loạt vắcxin trong tháng 11/2009, tức là trước khi bắt đầu giai đoạn bệnh cúm lan truyền thành dịch ở Nga. Bên cạnh đó, cần phải có thời gian để có thể sản xuất đủ lượng vắcxin cần thiết, vì nhu cầu đòi hỏi phải bào chế được hàng triệu liều một tháng.
Viện sĩ Kiselev cũng cho rằng vắcxin của Nga sẽ khác những loại do Mỹ sản xuất. Trước hết, sản phẩm của Nga rẻ hơn, hoàn toàn không độc hại và có tính đề kháng cao. Ngoài ra, vắcxin do Nga sản xuất sẽ không đòi hỏi phải dùng liều cao, nên hầu như ít có tác dụng phụ.
Theo Viện sĩ Kiselev, trên thực tế, việc sàng lọc hành khách trên các phương tiện giao thông để phát hiện những ca nhiễm cúm A/H1N1 không mang lại hiệu quả cao như mong muốn, vì nhiều khi không thể phát hiện bệnh nhân trong thời kì đang ủ bệnh.
Ông nêu rõ virus cúm A/H1N1 rất dễ lây từ người sang người, bởi loại virus này xâm nhập vào tế bào cơ thể người và sinh sôi với tốc độ nhanh khủng khiếp. Sau mỗi chu kì 6 giờ đồng hồ, số lượng virus sẽ tăng gấp 100 lần, và sau 2 ngày đêm thì người bị nhiễm sẽ xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.
Các nhà khoa học Nga cũng cho biết theo nghiên cứu hiện nay, tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 gây ra cao hơn so với cúm theo mùa thông thường. Hơn nữa, đây là chủng virus mới và chưa có các vắcxin hiệu quả chống lại chúng
Theo TTXVN
CÁC TIN KHÁC
|