IP:52.14.135.68

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Đằng sau việc các đại gia di động ào ạt 'trảm tướng'
21/09/2010 07:41 AM

Thị trường thiết bị di động là một thị trường năng động và cũng vì lý do đó, cuộc chơi kinh doanh chứa đựng đầy sự khốc liệt với biết bao màn "xung trận trảm tướng" từ các đại gia Nokia, Apple, LG...

Điểm mặt những màn "trảm tướng"

Cái tên đầu tiên của làng di động chính là liên danh Sony Ericsson với màn "khai đao" đầu tiên vào cuối năm 2009. Sau hàng năm trời lỗ chồng chất rồi thêm đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hãng điện thoại Á-Âu đã không chịu nổi "nhiệt" và giọt nước tràn đầy ly là ngày 15/10 năm 2009, đơn vị này đã đưa ông Bert Nordberg lên vị trí Chủ tịch thay thế cho ông Hideki “Dick” Komiyama.

Motorola là thương hiệu thứ 2 tiếp bước màn "trảm tướng" này với việc người điều hành của công ty Ed Zander ra đi sau gần 2 năm gắn bó. Gương mặt mới của Motorola là Sanjay Jha, một cái tên quen thuộc bởi ông đã nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất chipset di động cùng thương hiệu Qualcomm.

 

Motorola được vực dậy bằng những sản phẩm chiến lược.

 Trải qua một Quý I bình ổn với nhiều tia sáng le lói sau suy thoái, nhưng dường như lời nguyền thay tướng vẫn chưa hết đối với các đại gia di động và Apple lại là một thương hiệu "tiếp nối truyền thống" mặc dù báo cáo tài chính đều đạt mức tăng trưởng gần 100%. Chiếc iPhone 4 tưởng chừng như một mũi nhọn mới giúp "Táo cắn" tận thu trên nền iOS cuối cùng lại trở thành một thảm họa với vụ tai tiếng mất sóng. Lẽ dĩ nhiên, Phó giám đốc cao cấp phụ trách mảng di động Mark Papermaster lại khăn gói ra đi sau những màn mệt nhoài chữa lửa với giới truyền thông của Apple.

Cơn bão thay máu trải dài khắp châu Mỹ và giờ đây đã lan sang cả châu Âu với việc trong một tuyên bố mới đây, Nokia tuyên bố sẽ thay thế CEO Olli-Pekka Kallasvu từ ngày 21/9 tới. Nhãn tiền có thể thấy, với kết quả kinh doanh Quý II khá thấp như thời gian qua, Nokia cần một sự thay đổi mang tính chiến lược mới có thể vực dậy một đế chế đang trong cơn khủng hoảng. CEO mới của hãng sẽ là cựu thành viên của Microsoft, ông Stephen Elop với kinh nghiệm từng lãnh đạo bộ phận kinh doanh của hãng phần mềm khổng lồ.

Tiếp đến là thương hiệu LG cũng chỉ trung tuần qua đã thông báo thay quản lý mảng thiết bị di động. Lý do đưa ra vẫn là vấn đề quản lý yếu kém cũng như việc để mất thị phần vào tay các hãng khác một cách vô lý, doanh thu sụt giảm. Ông Koo Bon-joon, một thành viên thuộc gia đình sáng lập nên thương hiệu LG đã về thay giám đốc Yong Nam. Có lẽ ngoài tiền lệ điều hành kiểu công ty gia đình của LG, việc ông Koo Bon-joon từng làm tốt nhiệm vụ giám đốc thương mại của tập đoàn LG International cũng là một lý do hãng bổ nhiệm ông vào vị trí mới này.

Lợi hại bất cập hại

Thử nhìn lại việc thay thế ở các công ty trong 1 năm trở lại đây, ta có thể thấy đó như một bức tranh với nhiều mảng sáng tối.

Về phía Sony Ericsson, từ khi có lãnh đạo mới, rõ ràng thị phần cũng như doanh thu của hãng điện thoại này đã có những thay đổi và 2 Quý vừa qua đã bắt đầu có lãi sau 2 năm thua lỗ. Tuy nhiên "đường dài mới biết ngựa hay", chặng đường phía trước còn khá gian nan, nhất là thời điểm cuối năm là khoảng thời gian quyết định việc thắng thua của một năm tài khóa và Sony Ericsson vẫn phải đối mặt với nhiều đối thủ đa mưu túc kế.

Có lẽ việc thay tướng đem lại những thay đổi tích cực nhất phải kể đến tấm gương Motorola. Như có phép màu, hãng điện thoại danh tiếng đã tìm lại được hào quang của mình với hàng loạt sản phẩm mới mang tính tiên phong và chiếm lĩnh vị trí trên thị trường. Thậm chí, sản phẩm Motorola Droid X có nhiều khả năng vượt mặt iPhone ngay trên đất Mỹ. Với chiến lược mới hướng tới thị phần smartphone cùng các sản phẩm cao cấp, rõ ràng vị thế Motorola ngày càng được khẳng định bằng những nước cờ thông minh, thay vì ỷ lại vào những dòng sản phẩm thời trang, nhạc số trong các năm trước đó.

 

Từng là công thần của Nokia với N-series, giờ đây CEO Olli-Pekka Kallasvu lặng lẽ ra đi.

 Tuy nhiên, nói gì thì nói việc Apple thay giám đốc lại để lại khá nhiều điều tiếng. Rõ ràng lỗi ăng-ten trong thiết bị không phải là một lỗi trầm trọng cũng như không phải do sự cẩu thả của một cá nhân như Phó giám đốc Mark Papermaster. Đó là một sai lầm mang tính hệ thống và nếu có quy trách nhiệm thì toàn bộ bộ phận di động của Apple phải giải quyết chứ không thể truy cứu một cá nhân như vậy. Nhiều phân tích đã chỉ ra rằng, thiết kế của iPhone 4 có vấn đề nhưng tại sao không có một bản báo cáo chi tiết và đầy đủ suốt thời gian thử nghiệm? Câu trả lời có lẽ phải để CEO Steve Jobs lên tiếng và Mark Papermaster có lẽ là một chú "tốt thí" trong canh bạc của ông lớn này mà thôi.

Lý do mà Nokia và LG khi thay quản lý là hoàn toàn chính xác. Trong 9 tháng trở lại đây, thương hiệu Nokia gắn liền với sự trì trệ và bảo thủ cả trong tính năng lẫn thiết kế. Những siêu phẩm N-series, E-series của ngài Olli-Pekka Kallasvu đã đến lúc già nua cần sự chuyển biến. Thế nhưng, không một chiến lược mới mà vẫn tập trung quanh quẩn các dòng sản phẩm cũ đã khiến điện thoại Nokia dần mất điểm trong mắt người dùng.

Còn LG, nếu năm 2006, sản phẩm LG Chocolate KG800 được ví như một thanh kẹo tăng lực cho hãng điện thoại này thì giờ đây, series Chocolate 2010 không đủ tạo nên một làn sóng mới kích cầu thị trường. Ý tưởng của LG đã mòn, chức năng nhàm chán và sự bảo thủ trong chiến lược kinh doanh đã kìm hãm khiến những chiếc điện thoại xứ Kim chi khó tìm được chỗ đứng. Nếu như người anh em Samsung đã tìm được vị thế cùng nền tảng Android thì LG lại đang là một thương hiệu đa mang. Từ Symbian cho tới Windows Phone, Android... mảng nào hãng cũng có sản phẩm. Tuy nhiên đó lại không phải những sản phẩm mạnh đủ sức ganh đua cùng các đại gia khác và lẽ dĩ nhiên chúng nhanh chóng bị "bật bãi" ra khỏi thị trường thiết bị đầu cuối khốc liệt.

Tất nhiên, việc thay thế để tìm ra một lãnh đạo ưu tú hơn là một điều đáng làm đúng như triết lý "Nước chảy là nước trong". Nhưng xét một cách toàn diện, trong một vài trường hợp, việc "xung trận trảm tướng" dễ gây ra những hiệu ứng tiêu cực, khiến tê liệt cả một bộ phận hoặc nghiêm trọng hơn là phải thay đổi toàn bộ đượng lối kinh doanh.

Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• Trình diễn sức mạnh bộ xử lý đồ họa (20/09/2010)
• Tại sao Nokia thất bại ở thị trường Mỹ? (20/09/2010)
• Những tính năng được Microsoft kỳ vọng ở IE9 (20/09/2010)
• Yahoo vẫn ảo tưởng về chính mình? (18/09/2010)
• Lợi nhuận của Oracle tăng mạnh lên 1,35 tỷ USD (18/09/2010)
• Có thể hack Internet qua ... vệ tinh (18/09/2010)
• Microsoft sửa lỗi zero-day nguy hiểm trong Windows (18/09/2010)
• Lỗ hổng cũ tấn công Internet Explorer (17/09/2010)
• Microsoft vá lỗi Windows mới bị sâu Stuxnet khai thác (17/09/2010)
• Cuộc chiến trình duyệt web đã trở lại (17/09/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd