Virus cúm A H1N1
Virus cúm A H1N1 được coi là mới bởi vì đó là một sự pha trộn chưa từng có giữa những thông tin di truyền xuất phát từ cúm lợn, gia cầm và người.
Đặt tên cho nó là A bởi vì nó thuộc vào loại nguy hiểm nhất về mặt y học, đứng trước các virus cúm B hay cúm C.
Chữ H để chỉ hemagglutinine và N để chỉ neuraminidase, hoặc hai protein nằm ở bề mặt của virus. Hemagglutinine cho phép virus thâm nhập vào trong các tế bào đích; neuraminidase cho phép phóng thích virus để nó có thể gây nhiễm các tế bào khác. Có nhiều loại hemagglutinine và neuraminidase khác nhau. Do đó có nhiều dạng kết hợp, chẳng hạn như virus cúm Tây Ban nha, cũng thuộc loại H1N1, hay virus của cúm gia cầm H5N1…
Đại dịch
Vào ngày 11/6/2009, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã chính thức gọi cúm A H1N1 là đại dịch (pandemic). Khi một căn bệnh lan tràn rất nhanh chóng trong một vùng bao gồm nhiều nước, khi đó người ta chuyển qua giai đoạn đại dịch. Chính sự lan rộng của căn bệnh, chứ không phải mức độ nghiêm trọng của nó, là lý do cho việc nâng cấp đại dịch này. Theo các dữ kiện có được khi đó, trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân chỉ có những triệu chứng làn tính và họ thường khỏi bệnh mà không cần một điều trị nào.
Tỉ lệ tấn công
Đó là tỉ lệ người bị nhiễm bệnh bởi virus. Với virus A/H1N1, điều đó có khả năng liên quan đến đại chúng, mà phần lớn không có phòng vệ miễn dịch chống lại virus mới này. Trong thực tế, sự quan sát các dịch bệnh trước đó cho thấy rằng chỉ một nửa số người là thật sự bị nhiễm bởi virus cúm mới. Hơn nữa, do nhiều người bị nhiễm mà không có một triệu chứng nào, nên tỉ lệ tấn công chỉ có thể xác nhận được bởi các bác sĩ, khoảng 35% đối với virus này.
Tỉ lệ lây nhiễm
Đó cũng như là thang độ Richter của các nhà virus học. Tỉ lệ này biểu hiện số người bị lây nhiễm bởi một người bệnh duy nhất ở một nơi xác định nào đó. Chẳng hạn, người ta biết rằng trong một chiếc máy bay, một hành khách bị cúm cổ điển làm lây nhiễm trung bình hai người. Đối với cúm A H1N1, tỉ lệ này đang còn được xác định, mặc dù chúng ta biết rằng bình thường nó ít thay đổi từ virus cúm này qua virus cúm khác. Tuy nhiên, tỉ lệ có thể dao động, ví dụ tỉ lệ cao hơn ở trẻ em, bởi vì nhà trẻ và các trường học là những nơi tiếp xúc được lặp đi lặp lại.
Làn sóng thứ hai
Từ này minh họa một thực tế vẫn chưa được chứng minh rõ: việc gần như biến mất được tiếp theo sau bởi một sự tái xuất hiện đột ngột của các đại dịch cúm. Ví dụ, cúm Tây Ban Nha đã gây ra 3 làn sóng nối tiếp nhau. Nhưng ở mỗi đại dịch có một kịch bản riêng của nó.
Đối với cúm A H1N1, những mô hình của những chuyên gia cũng dự đoán 3 làn sóng dịch. Làn sóng đầu tiên diễn ra vào mùa hè này (tháng 7&8) ở Nam bán cầu; làn sóng thứ hai vào mùa Thu này ở Bắc bán cầu, có khả năng lớn nhất bởi vì có liên quan đến phần lớn dân số thế giới; cuối cùng, làn sóng thứ ba lại xuất hiện ở Nam bán cầu vào tháng 7 và tháng 8 năm 2010.
Tính độc lực
Tính độc lực được đo lường tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh gây ra bởi một vi khuẩn. Đối với cúm, chỉ có sự đo tỉ lệ tử vong (số người chết trong các trường hợp được khai báo) mới cho phép giải thích tính độc lực. Tuy nhiên, đây là một tiêu chuẩn gián tiếp, bởi vì nói chung không phải virus cúm gây tử vong, mà là các nhiễm trùng khác đã có sẵn hay lợi dụng virus để tấn công cơ thể.
Trong lịch sử của các trận dịch cúm, có một tỉ lệ tử vong trung bình: khoảng 1/1.000 người bị nhiễm. Nếu virus A H1N1 có thể gây chết nhiều hơn virus cúm mùa, không phải vì nó độc lực hơn, mà bởi vì nó là virus mới và tấn công những người không có phòng vệ miễn dịch thật sự chống lại nó.
Vắc-xin
Vắcxin chống virus cúm mùa gồm có một virus H1N1 nhưng thuộc một loại khác với virus A/H1N1. Theo các dữ kiện được công bố vào tháng 5 của CDC (Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ), thì 33% những người trên 60 tuổi được bảo vệ một phần bởi vì họ đã được tiếp xúc với những dạng H1N1 khác nhau, xuất hiện trong những năm 1950, vào lúc được tiêm phòng trước đây hay đã bị một lây nhiễm. Đây được gọi là “bảo vệ chéo”, mà khoảng 6-9% nhừng người từ 18-64 tuổi cùng được thừa hưởng. Ngược lại, những trẻ từ 0-10 tuổi lại dễ bị thương tổn nhất bởi vì đã không bao giờ gặp những dạng virus này. Đó là lý do tại sao việc tạo ra một vắcxin đặc hiệu chống lại cúm A H1N1 được thực hiện bắt đầu từ mùa hè này.
Tái phối hợp di truyền
Virus cúm có một tính chất đặc biệt: đó là hai virus khác nhau có thể trao đổi một phần vật liệu di truyền của chúng (ARN) khi chúng gây nhiễm cùng lúc trên cùng một vật chủ. Liệu virus cúm A H1N1 có thể biến đổi hay không? Chắc chắn, bởi vì nó còn có thể tái phối hợp với một loại virus khác, chẳng hạn với virus cúm mùa vào mùa Đông này.
Điều này có thể gây khó khăn, bởi vì virus cúm mùa tồn tại hiện nay đã kháng với một trong những thuốc kháng virus chính (Tamifu) và có thể truyền sự đề kháng này cho virus cúm A H1N1.
Theo Dantri
CÁC TIN KHÁC
|