IP:18.119.253.198

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Tốt gỗ hay tốt nước sơn?
09/02/2010 08:37 AM

Xã hội bây giờ xem trọng hình thức. Nhà đẹp, xe đẹp, điện thoại đẹp, quần áo đẹp thì được xun xoe, săn đón và ngược lại. . Tôi đã đọc được một bài báo rất hay của doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Thái Hà books nói về vấn đề gỗ và nước sơn đối với con người và xã hội hiện nay. Sở dĩ tôi có thể nhớ chi tiết về tác giả thế là vì bản thân tôi đã từng đọc khá nhiều bài của tác giả - doanh nhân này. Cá nhân tôi cho rằng đây là một bài báo hay.

 

Một câu nói nổi tiếng mà ai cũng vẫn nghe "Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tuy nhiên lại có những người khác thêm vào “Chẳng thầy tu nào không mặc áo lễ". Tôi cho rằng thầy tu chính là nội dung, còn áo lễ chỉ là hình thức.

Các cụ vẫn dạy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Tôi cứ nghĩ mãi, không biết câu nói này có bị lạc hậu đi như chiếc nón lá hay bị biến mất đi như chiếc cối xay lúa và mái rạ của những ngôi nhà vùng quên yên bình. Tôi cứ vẩn vơ về sự tương quan giữa hình thức và nội dung trong thời đại công nghiệp thế kỷ 21 ngày nay sẽ ra sao.

Tôi hay lái xe chở các đồng nghiệp đi ăn trưa, có bữa thì đi liên hoan. Tôi lái xe. Ghế bên cạnh là đồng nghiệp. Tôi ăn mặc bình thường: áo sơ-mi, quần kaki. Có hôm mặc áo phông, quần bò. Đồng nghiệp của tôi ăn mặc tươm tất hơn. Nhiều khi là complet, cravat. Đến quán ăn tôi lễ phép hỏi anh bảo vệ “Anh cho biết chỗ đỗ xe”, hoặc “Anh ơi, đậu xe đâu ạ”. Đa phần là tôi được đối đãi tử tế - cho khách xuống và được hướng dẫn chỗ đỗ xe. Tuy nhiên đã không dưới 10 lần tôi bị các anh bảo vệ quát. Đại loại là: “Ông cứ cho các sếp xuống đi đã. Chúng tôi sẽ bố trí chỗ để xe sau”. Nhiều lần bị mắng rằng tôi là lái xe không tốt… Các đồng nghiệp ngồi bên cạnh và phía sau cuống cuồng lo: “Thôi chết. Anh ơi, đây mới là sếp của chúng em”. Câu chuyện này rất phổ biến của những năm trước đây.

Cách đây không xa, tôi và một vài người, cả quen và không quen đứng trên hè phố Thái Hà. Có mấy người hỏi tôi về Tổng giám đốc Tập đoàn FPT. Tôi chỉ tay về phía có mấy người đang đứng nói chuyện phía gần cổng ra vào “Anh ấy đứng và đang nói chuyện kia kìa”. Đúng lúc này có một người đàn ông to béo, phốp pháp lấy thuốc lá ra hút. Một người khác nhỏ hơn lấy bật lửa ra châm thuốc cho người đàn ông kia. Ngay sau đó, người bạn này nói với tôi rằng cậu ta đã biết ai là anh tổng giám đốc rồi, anh ấy đang hút thuốc, còn anh châm thuốc là cấp dưới. Bạn này đã nhầm hoàn toàn. Thật ra người hút thuốc khi đó là giám đốc một công ty thành viên của FPT, còn người châm thuốc chính là anh tổng giám đốc. Bạn thanh niên này há hốc miệng ra và ngạc nhiên “Hả! Anh ấy phải đi châm thuốc ư”. Tôi vẫn nhớ rất rõ khuôn mặt của người bạn trẻ khi đó.

Có lần, tôi vào một quán phở bên đường. Tôi vào trong 3 lần với 3 cách ăn mặc khác nhau. Lần thứ nhất tôi mặc complet, đeo cravat, đi xe hơi của mình (vì vừa đi hội thảo về). Tôi được mời vào rất trịnh trọng. Người ta lau bàn sạch sẽ, mang thực đơn ra ngay và hỏi niềm nở xem ăn gì. Tôi được phục vụ rất chu đáo. Đúng là thượng đế. Lần thứ 2 tôi mặc quần kaki, áo phông đồng phục của công ty và đi xe máy. Tôi được đối xử bình thường. Không vồn vã. Không quan tâm. Không lau bàn. Không mang ngay thực đơn. Không có những con mắt đổ dồn về mình từ phía các nhân viên trong quán. Lần thứ 3 tôi quyết định mặc quần soóc cũ, áo phông hơi sờn và đi dép lê. Tôi đi bộ. Không ai để ý đến tôi. Bàn bẩn mặc kệ. Mãi mới có người mặt nặng như chì ra hỏi một câu: “Ăn gì”. Tôi có cảm giác mình là đi xin ăn chứ không phải đi mua bữa ăn.

Cũng vẫn là tôi. Vẫn con người ấy. Vẫn da thịt ấy. Điểm khác duy nhất là bộ quần áo trên người và phương tiện đi lại. Tôi vẫn trả tiền cho 3 bát phở của 3 lần bằng nhau. Không hơn, không kém một xu.

Một lần khác, tôi mặc quần bò, áo phông, đeo ba lô đạp xe đến showroom trưng bày sách kiêm phòng đọc miễn phí của công ty phố Tô Hiệu. Đang chuẩn bị bước vào để bắt đầu ngày làm việc thì có một bạn trẻ (chắc là sinh viên) xông đến “Chú cho cháu gặp thầy Hùng được không ạ". Tôi tươi cười: “Mình là Hùng đây mà”. Cậu sinh viên kia lắc đầu: "Dạ không, thầy Hùng là giám đốc Thái Hà Books và trước là phó giám đốc FPT cơ ạ”. Tôi vẫn kiên nhẫn: “Mình là Hùng đây mà bạn, chính mình đây mà”. Cậu thanh niên vẫn không tin: “Chú cứ đùa cháu. Thầy Hùng chuyên giảng về lãnh đạo và quản trị kinh doanh, đã đi học ở nhiều nước ngoài và có xe ôtô cơ ạ”.

Tôi vẫn kiên nhẫn nói rằng mình là Hùng và là người cậu cần gặp. Thế nhưng cậu sinh viên nhất quyết không chịu mà rằng: “Dạ, dạ không cháu muốn gặp thầy Hùng, thầy Hùng khác cơ ạ". “Trời đất, mình chính là Hùng đây, bạn có muốn gặp thì ta vào bên trong nói chuyện. Nếu không mình đi đây”, tôi nói. Còn cậu thanh niên thì trả lời: “Dạ không. Chú thì cháu không muốn gặp, cháu chỉ muốn gặp thầy Hùng thôi ạ”. Tôi mỉm cười, cưỡi xe đạp phóng đi. Vừa đi vừa nghĩ: Lạ thật, cậu sinh viên này cứ nghĩ ông giám đốc, ông tiến sĩ, ông tỷ phú là phải thế nào cơ chứ. Chẳng nhẽ những người như vậy họ không được quyền ăn mặc bình thường và sống giản dị hay sao.

Hình thức và nội dung là 2 vấn đề trong triết học và cuộc sống tôi đã được học và suy ngẫm trong nhiều năm qua, ngay từ khi còn là sinh viên những năm đầu giảng đường đại học bên Nga. Thường thì người ta đánh giá cao nội dung. Nội dung mới là quan trọng. Nội dung là bản chất của vấn đề. Hình thức bên ngoài không phải là thước đo giá trị bên trong của bất cứ ai.

Thường thì khi có nội dung tốt người ta sẽ tìm cách biến chuyển sang hình thức. Một câu nói nổi tiếng mà ai cũng vẫn nghe "Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Tuy nhiên lại có những người khác thêm vào “Chẳng thầy tu nào không mặc áo lễ". Thầy tu mới chính là nội dung, còn áo lễ chỉ là hình thức.

Tuy nhiên trong một số ngành nghề, ở một số người thì dường như lại tập trung vào hình thức. Tôi đã từng đến thăm cháu một người bạn. Đến thăm khi cháu bị bệnh. Có đến nơi mới biết cháu thuê nhà quá khổ sở, học hành không đến nơi đến chốn, ăn nói thiếu văn mình. Tuy nhiên cháu vay tiền mua bằng được xe Attila, dùng đồ xịn, mỹ phẩm cao cấp. Có đến nơi mới biết cháu đang nợ như chúa chổm. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Và cũng từ đó tôi mới biết rằng trong xã hội có một nhóm người rất quan tâm đến hình thức bên ngoài. Tôi cứ vẩn vơ nghĩ: Hình thức mà không có nội dung sẽ thành cái gì nhỉ?

Nội dung liệu có thể thoát ly hình thức? Và ngược lại hình thức có thể tách khỏi nội dung. Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổi lửa xung quanh vấn đề này: Cái nào quan trọng hơn? Nội dung hay hình thức?

Một người bạn tôi hiện nay là tổng giám đốc của một tập đoàn lớn. Dù có chức vụ cao và rất rất giàu có nhưng anh vẫn rất không thích mặc complet, không thích đi xe hơi. Anh luôn thích mặc áo phông, quần bò, đi dép quai hậu, đeo ba lô. Anh luôn cảm thấy thoải mái khi không bị mặc những bộ vest. Anh vẫn là ngôi sao sáng trong cả tập thể hàng chục nghìn người và tất cả những ai biết anh.

Các cụ ngày xưa đã nói “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Ai cũng biết. Tuy nhiên xã hội ngày nay đã thay đổi. Một bạn đồng nghiệp trẻ của tôi nói với tôi rằng, chúng tôi đã lạc hậu mất rồi. Ngày hôm nay hoặc là phải đổi lại thành “Nước sơn quan trọng hơn gỗ”. Bạn nói tiếp rằng câu hay nhất của thế kỷ XXI này phải là “Tốt gỗ, tốt cả nước sơn”.

Chắc bạn ấy đúng nhưng đối với tôi, gỗ vẫn là quan trọng. Có gỗ thật sự tốt rồi, sơn đâu có quan trọng đến vậy. Hay là tôi thuộc nhóm không bình thường?

Theo Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Thái Hà Books (Afamily)




CÁC TIN KHÁC

• Chữ Lễ xưa và nay (08/02/2010)
• Thế nào là nên người? (05/02/2010)
• Con người biến đổi (25/01/2010)
• Điểm 9 - 10 nhưng kiến thức vẫn rỗng (23/01/2010)
• Kinh doanh giáo dục (20/01/2010)
• “Tiên học lễ” thời nay (18/01/2010)
• "Mẹ không muốn con là học sinh giỏi" (16/01/2010)
• Phỏng vấn xin việc: Bản lĩnh hay những màn “khua môi múa mép”? (11/01/2010)
• Người thành công phản ứng với thất bại thế nào? (23/12/2009)
• Biết mình muốn gì (19/12/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd