Bóng đen bản quyền đầu tiên trong tháng 3 mở màn với việc hãng công nghệ Mỹ Apple đệ đơn lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) kiện hãng di động Đài Loan HTC “ăn cắp” 20 sáng chế của họ.
Kiện từ điện thoại đến ứng dụng văn phòng
Sự việc này được nhiều chuyên gia đánh giá là nhằm chĩa mũi nhọn vào Nexus One của Google do HTC sản xuất.
Các điều khoản mà Apple trình bày trong đơn kiện đều liên quan đến các bản quyền sáng chế mà họ đăng ký cho iPhone trước đây. Apple cho rằng, HTC đã sao chép các công nghệ của họ và áp dụng trên các dòng di động của mình.
Các chi tiết được nhắc đến bao gồm: vi kiến trúc, thiết kế phần cứng, giải mã âm thanh, giao diện màn hình cảm ứng, tác vụ cảm ứng đa điểm, thao tác duyệt web, cuộn trang...
Ngay sau vụ kiện của Apple với HTC, kháng cáo thất bại, Microsoft bị tòa án Mỹ phạt 240 triệu USD. Microsoft từng bị cấm bán Word 2007 và các bản Office có chứa Word 2007 kể từ tháng 1/2010, đồng thời bị phạt 200 triệu USD.
Microsoft sẽ phải ngừng bán các bản Word 2007 và Office có chứa Word 2007.
Microsoft đã bị công ty i4i kiện vì vi phạm một trong các bằng sáng chế của i4i với tính năng tùy chỉnh XML trong Word. Bản quyền sáng chế trong vụ án được cấp cho I4i vào tháng 7/1998.
Theo phán quyết của tòa án, công nghệ vi phạm bao gồm "tất cả các sản phẩm Microsoft Word có khả năng mở file XML, .DOCX hay .DOCM có chứa XML tùy chỉnh".
Microsoft sẽ phải ngừng bán các bản Word 2007 và Office có chứa Word 2007 trong vòng 6 tuần nữa. Microsoft vẫn còn có thể kháng cáo lên 1 tòa án khác nếu muốn.
Trong khi đó, theo Reuters và một số nguồn tin giấu tên, Nokia đòi Apple phải đền bù 1,8 tỷ USD Mỹ vì đã sử dụng công nghệ của họ không xin phép cho dù đến năm 2012, tòa án mới đưa ra phán quyết về những cáo buộc này.
Nokia đòi Apple phải đền bù 1,8 tỷ USD vì đã sử dụng công nghệ của họ không xin phép.
Cuối năm ngoái, Nokia kiện Apple xâm phạm 10 bản quyền sáng chế của họ để đưa vào trong iPhone. Con số này sau đó tăng lên 17, sau khi Nokia tiếp tục cáo buộc "Quả táo" sử dụng 7 bằng sáng chế của mình để thiết kế giao diện người dùng, camera, ăng ten và quản lý nguồn điện - những điểm được coi là công nghệ quan trọng, tạo nên thành công của Apple với chất lượng tốt, chi phí thấp, thiết kế gọn và pin khỏe.
Mặt trái của cây gậy bản quyền
Sự kiện bản quyền trong tháng 3 mở ra hai kịch bản cho thế giới công nghệ. Một là, các công ty đã cạn kiệt năng lực cạnh tranh bằng chính trí tuệ của mình và sử dụng đến cây gậy bản quyền nhằm hạ gục đối phương. Nếu như vậy, người dùng sẽ không được lợi gì vì chẳng có tiến bộ nào được đưa vào sản phẩm.
Còn nếu các vụ kiện là thực chất, thì thật may mắn, vì đây sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các hãng công nghệ đầu tư chất xám cho một cuộc cạnh tranh quyết liệt và sòng phẳng và các tiến bộ cứ theo đà đó đưa vào cuộc sống.
Thời gian qua, thế giới số chứng kiến nhiều cuộc bứt phá trên nhiều lĩnh vực: máy ảnh số, laptop, thiết bị giải trí, tivi, máy nghe nhạc... Điện thoại di động không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, những năm gần đây, Apple đang bị người tiêu dùng kêu là bần tiện vì lạm dụng sở hữu trí tuệ của công nghệ cảm ứng để "lộng hành".
Với thế mạnh nắm trong tay công nghệ cảm ứng đa chạm tốt nhất, hãng tìm cách đảm bảo vòng đời sản phẩm kéo dài từ một đến một năm rưỡi bằng cách "găm hàng" các công nghệ khác. Cụ thể, trong khi smartphone của các hãng khác đều sớm có chức năng copy - paste, thì mãi đến khi tung ra bản iPhone OS 3.0 cho iPhone 3G, 3Gs, hãng này mới có.
Trong khi hầu hết đối thủ khác đều đã tung ra sản phẩm đa nhiệm, theo tin đồn mới đây, iPhone thế hệ thứ 4 sẽ có khả năng này. Rất có thể, đến lúc đó, iPhone 3G sẽ bị chính Apple dìm chết bằng cách không trang bị đa nhiệm, giống như cách mà "Quả táo" đã làm với iPhone 2G, khi đặt phiên bản này ngoài vòng nâng cấp lên iPhone OS 3.0
Theo BaoDatViet