Những cuộc chiến tranh của loài người trong tương lai
đang chuyển dần lên mạng Internet. Ảnh minh họa.
Mối nguy có thực
Estonia là một quốc gia khá “có tiếng” trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ và Internet vào các hoạt động của chính phủ. Sự phát triển của “chính phủ điện tử”, một hệ thống quản lý hành chính không giấy tờ của đất nước này thậm chí còn khiến nhiều quốc gia thuộc hàng “cường quốc” về công nghệ phải ghen tị. Nhưng năm 2007, một loạt các website của các cơ quan chính phủ và các tổ chức tài chính của Estonia đã bị tấn công và trở nên tê liệt trong nhiều ngày liền.
Ngày 4/7/2009, các website chính phủ và ngân hàng của cả Mỹ và Hàn Quốc cũng gặp một “chiến dịch” tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) ồ ạt đến mức cả website của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã tê liệt. Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhà Trắng cũng đã trở thành mục tiêu.
Những cuộc tấn công này thường được “gán tội” cho các quốc gia vốn không mấy thân thiện với Estonia, Hàn Quốc hay Mỹ bất chấp mọi nỗ lực điều tra vẫn đang bế tắc. Tuy chưa biết thủ phạm là ai nhưng chí ít những vụ tấn công đó cũng đã là “điển hình” của mối nguy nổ ra các cuộc chiến tranh ảo giữa các quốc gia.
Chiến trường số
Thay vì gửi ra mặt trận những đạo quân hùng dũng, kẻ tấn công giờ đây chỉ cần nhập vào bàn phím một dòng lệnh và có thể khiến cho toàn bộ hệ thống mạng máy tính của đối phương tê liệt dẫn đến hàng loạt các hoạt động khác cũng tê liệt theo.
Một chuyên gia về an ninh mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận: “Kẻ tấn công hoàn toàn có thể khiến mọi hoạt động cả một quốc gia bị đình trệ và rơi vào tình trạng hỗn loạn, không thể kiểm soát nổi. Và chúng ta đã được chứng kiến viễn cảnh đó ở một phạm vi nhỏ hơn nên mỗi nguy cơ vẫn là rất lớn”.
Từ những nhóm tội phạm có tổ chức đang nhăm nhe đánh cắp tiền trong tài khoản của kẻ khác, từ những tổ chức tình báo đang rình rập đánh cắp bí mật của đối phương… các cuộc chiến tranh ảo đang ngày càng định hình một cách rõ nét.
Theo giáo sư Peter Sommer của trường Đại học kinh tế London, hầu hết các quốc gia hiện nay đều coi chiến tranh ảo trên mạng Internet là một phần của các cuộc chiến tranh hiện đại.
Trên thực tế, các cuộc tấn công đã xảy ra vừa qua không phải là những trường hợp cá biệt. Hàng ngày, website của các chính phủ và các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới vẫn phải lo chống đỡ trước hàng ngàn cuộc tấn công từ bên ngoài.
Từ nhiều năm qua, chính phủ của các quốc gia phương Tây và NATO đã ráo riết chuẩn bị phong thủ quốc gia trước các cuộc tấn công mạng nhưng có vẻ như sự đầu tư của họ chưa mấy hiệu quả.
Chẩn đoán sai
Theo hầu hết các chuyên gia an ninh mạng trên thế giới, bảo vệ các cơ sở của chính phủ trước các cuộc tấn công mạng đã khó, việc xác định đầu mối, theo dõi ngược và nhận định nguồn gốc của các cuộc tấn công còn khó hơn gấp bội. Trong hầu hết các trường hợp, đó là những “nhiệm vụ bất khả thi”.
Trong vụ tấn công vào các website chính phủ Estonia, ban đầu giới truyền thông phương Tây thường đổ tội cho phía Nga nhưng đến nay, mới chỉ có một sinh viên người thiểu số gốc Nga sống tại Estonia bị tuyên án với tư cách là thủ phạm gây ra các cuộc tấn công từ năm 2007.
“Chuẩn đoán sai là việc thường xuyên. Hầu hết mọi người đều tỏ ra rất vội vàng và chủ quan trong việc xác định nguồn gốc các cuộc tấn công”, giáo sư Sommer phát biểu.
Ông Sommer còn dẫn ra ví dụ từ các cuộc tấn công vào website của chính phủ Hàn Quốc hồi tháng trước. Ngay khi các vụ tấn công xảy ra, giới truyền thông và có cả không ít những quan chức thường cho rằng thủ phạm là Triều Tiên nhưng kết quả điều tra sau đó cho thấy chúng được xuất phát từ một máy chủ ở một nơi khác và không hề liên quan gì đến Triều Tiên.
Theo ICTnews/ BBC
CÁC TIN KHÁC
|