IP:3.239.57.87

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Áp lực học và thi: Ép quá, hóa hỏng!
04/06/2010 08:14 AM

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học đang đến gần, vì nhiều lí do, không ít cha mẹ đã ép con cái căng sức học thật nhiều, không cần biết khả năng của các em. Bên cạnh đó, do áp lực từ thi cử, nhiều em đã gạt bỏ mọi nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi chỉ nhằm mục đích đó là… đỗ tốt nghiệp và Đại học để vừa lòng cha mẹ.

Tuy nhiên, chính sự căng sức này đã tạo ra tình trạng căng thẳng kéo dài khiến học sinh dễ bị rối loạn tâm lý thậm chí bị tâm thần và chịu những hậu quả đáng tiếc.

 

 Nhận giấy báo đỗ ĐH, rồi vào viện

Trao đổi với phóng viên, các bác sĩ tại Viện Sức khỏe Tâm thần (VSKTT)-Bệnh viện (BV) Bạch Mai không khỏi ngậm ngùi khi kể lại câu chuyện của em BĐN. ở Quỳnh Phụ-Thái Bình. Qua lời kể của các bác sĩ, bố em N. cho biết: Nhà nghèo, nhưng N. rất ham học, luôn là một học sinh đứng đầu trong lớp chọn của Trường THPT Quỳnh Côi (Thái Bình). Ba môn học mà N. giỏi nhất chính là toán, lý, hóa, em cũng đã từng là thành viên đội tuyển tỉnh thi học sinh giỏi môn toán và được giải khuyến khích. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, N. gây ấn tượng với bạn bè và thầy cô với 10 điểm toán, 10 điểm vật lý và 9,5 điểm sinh học. 18 tuổi, N. trở thành tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với một số điểm rất cao: 28 điểm.

Tuy nhiên, tương lai phơi phới của chàng tân sinh viên bỗng dưng chớm tắt vì ngay sau ngày làm thủ tục nhập học, N. đã phải làm một thủ tục nhập viện vì bị rối loạn tâm thần. Người bố dường như không tin nổi chuyện con mình bỗng dưng bị tâm thần, vì 18 năm qua em không hề có một triệu chứng nào về bệnh thần kinh, mà trái lại luôn là một học sinh giỏi, một đứa con ngoan của gia đình. Vừa gom góp, vay mượn bà con chòm xóm được hơn 2 triệu đồng cho N. đóng học phí, nhập học, giờ gia đình lại phải căng mình lo chi phí chữa bệnh cho con. Điều trị tại VSKTT, N. lúc tỉnh lúc mê. Có khi đang ngủ thì em gào khóc, tay chân cứ vung loạng xạ cả lên, có hôm bỗng dưng em tỉnh hẳn, nằng nặc bảo bố đưa em ra viện để em đến ở ký túc xá. Chiều con, bố em đưa con đi, nhưng chỉ mới ra ngang cổng thì em khuỵu xuống, lại phải đưa trở về phòng điều trị. 

 Không nên ép học quá nhiều

Theo các chuyên gia về tâm lí, hiện tượng nhiều học sinh bị áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học không phải là hiếm. Các em thường có biểu hiện như: lo lắng, căng thẳng, rối loạn tư duy, cảm xúc, thậm chí có trường hợp rơi vào trạng thái hoảng loạn, trầm cảm, không kiểm soát được hành vi… Ngoài khối lượng kiến thức lớn, chính sức ép gia đình cũng là nguyên nhân không nhỏ khiến các em căng thẳng. Trường hợp các phụ huynh ra điều kiện “nếu thi đỗ tốt nghiệp, cha mẹ sẽ cho con thi vào bất kì trường nào con thích”, hoặc “thi tốt nghiệp là chuyện nhỏ, hãy chú tâm vào kỳ thi đại học…”,… không phải là hiếm. Thậm chí có nhiều gia đình còn có tư tưởng “con mình nhất định phải thi đỗ đại học” hoặc “trong nhà anh chị đều có bằng đại học thì nhất định con cũng phải có”, “cả nhà phải phổ cập đại học”,… cũng là những gánh nặng lên các bạn trẻ. Trao đổi với phóng viên, BSCK II-Nguyễn Văn Dũng – trưởng phòng điều trị bệnh nhân tâm thần nam (PĐTBNTTN) – Viện Sức khỏe tâm thần – BV Bạch Mai cho biết, số lượng các cháu phải nhập viện điều trị do bị mắc những bệnh về rối loạn tâm thần ngày một tăng nhất là thời điểm trước và sau những kỳ thi.

Tính trung bình, trong những người phải vào PĐTBNTTN, đối tượng là các em học sinh-sinh viên chiếm khoảng 0,4%. Hiện tại, phòng đang điều trị cho một cháu (7 tuổi), quê ở Nghệ An. Do gia đình tạo “ánh hào quang” cho cháu quá sớm, bố mẹ cháu cho rằng trong nhà các anh chị đã phải nghỉ học để lấy tiền tập trung cho cháu ăn học nên cháu phải học thật giỏi để không phụ lòng tin của gia đình. Trong một lần cháu không làm được bài toán, gia đình có những lời lẽ không hay. Từ đây cháu sợ không muốn đến lớp học, ghét tất cả mọi người và khi đến điều trị thì đã bị rối loạn tâm thần. Theo BS. Dũng, nguyên nhân chủ yếu đó là do sức ép từ gia đình cũng như khối lượng học tập quá lớn đã khiến các cháu không có thời gian nghỉ, chểnh mảng trong học tập, mất ngủ, không muốn tiếp xúc với mọi người. Đáng lo ngại, một số gia đình cho rằng những biểu hiện như vậy chỉ là do tâm lí, không biết được rằng cháu đã bị những triệu chứng của rối loạn tâm thần trong thời gian dài, điều này dẫn tới việc khi các cháu được đưa đến cơ sở y tế thì đã là muộn, điều trị sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, một số bậc cha mẹ, khi thấy con có những biểu hiện như mất ngủ, mệt mỏi, lại cho rằng con cái căng thẳng, suy nhược nên đã cho con uống sâm, thuốc bổ, các chất kích thích thần kinh mà không hiểu được rằng cơ thể các cháu đang có sự chuyển hóa mất cân bằng. Khi không hết bệnh thì lại chuyển qua cúng bái, mê tín, thậm chí cho các cháu uống thuốc ngủ liều cao. Đây là một việc rất không nên làm, khi các cháu có những biểu hiện trên nên tìm ngay đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị ngay. BS. Dũng cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên lập cho con cái kế hoạch học tập phù hợp với khả năng và tâm sinh lí. Nên có sự khích lệ, động viên nhẹ nhàng, không nên tạo “ánh hào quang” quá sớm cho các cháu.

Thực tế, trước và sau các mùa thi đại học, cao đẳng, đã có nhiều học sinh-sinh viên vì không chịu nổi những sức ép tâm lý đã dẫn đến những hành vi bất thường: nhẹ thì bị rối loạn thần kinh, phải nghỉ học, nghỉ thi. Nặng thì có những hành động tuyệt vọng tìm đến cái chết. Các bậc cha mẹ nên có những hiểu biết cần thiết về tâm sinh lí cũng như có những kế hoạch phù hợp cho con trẻ, tránh những trường hợp quá muộn để rồi phải nhận lấy những hậu quả đáng tiếc.

Theo SKĐS




CÁC TIN KHÁC

• Thuốc lá gây bệnh từ đầu tới chân (01/06/2010)
• Tiêm vắcxin đậu mùa phòng tránh bệnh AIDS? (25/05/2010)
• Những dấu hiệu của bệnh tim (17/05/2010)
• Nghe nhạc Mozart không làm trẻ thông minh (15/05/2010)
• Làm thêm giờ có thể mắc bệnh tim mạch (14/05/2010)
• Đau lưng, coi chừng thoát vị đĩa đệm (04/05/2010)
• Triệu chứng lâm sàng của viêm phổi mắc phải ở cộng đồng (27/04/2010)
• Y khoa trên trời! (19/04/2010)
• Ngày càng nhiều người trẻ phải chạy thận nhân tạo (08/04/2010)
• Thức ăn vặt cũng có thể gây nghiện như ma túy (31/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd