Trong những tháng gần đây, một số lượng không nhỏ các nhà mạng viễn thông – những người trước kia đã tuyên bố ủng hộ WiMax giờ đây “lật kèo” và tuyên bố sẽ chuyển sang dùng công nghệ LTE trong quá trình nâng cấp mạng lưới của mình. Đây là một tin không mấy vui vẻ với Intel – “đại gia” công nghệ hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho WiMax và hơn nữa cũng vừa đầu tư tới 1,2 tỷ USD cho nhà mạng Clearwire triển khai mạng di động 4G trên công nghệ WiMax tại Mỹ.
Chưa hết, hồi tháng trước, ông Dan Hesse – Tổng giám đốc hãng viễn thông Sprint Nextel nhà mạng lớn thứ 3 của Mỹ đã tiết lộ trên tờ Thời báo Tài chính rằng hãng này đang xem xét việc sử dụng LTE trên mạng lưới của mình. Câu chuyện này sẽ không mấy ý nghĩa nếu như Sprint Nextel không phải là một trong những “tín đồ” lớn nhất của WiMax đồng thời là nhà đầu tư lớn nhất vào Clearwire trong việc triển khai mạng WiMax phủ sóng tới 120 triệu người dùng Mỹ cho đến cuối năm 2010.
Tại Ấn Độ, hầu hết các hãng viễn thông đã thắng thầu trong cuộc đấu giá băng tần 4G mới đây đều cho biết họ sẽ triển khai công nghệ LTE chứ không sử dụng WiMax. Trong số này có cả Reliance Industries, chủ sở hữu của mạng di động Infotel Broadband Services, hãng duy nhất thắng đấu giá băng tần 4G trên toàn lãnh thổ Ấn Độ.
Hồi tháng 6, nhà mạng WiMax của Anh là Freedom4 (thuộc tập đoàn Daisy) đã quyết định bán lại giấy phép kinh doanh của mình cho hãng đối thủ. Tại Nga, Yota – nhà mạng di động đã triển khai mạng WiMax phủ sóng cho khoảng 600.000 người dùng tại 5 thành phố của nước này, mới đây cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng mạng LTE trên địa bàn mà họ chuẩn bị mở rộng trong thời gian tới.
Trong bối cảnh này, “ông trùm WiMax” Intel cũng đã đóng cửa văn phòng WiMax của mình ở Đài Loan nhưng vẫn một mực khẳng định không “bỏ rơi” công nghệ này.
“Tôi nghĩ rằng vẫn còn rất nhiều nhà mạng tin tưởng vào WiMax và công nghệ này sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Tôi nhìn thấy viễn cảnh LTE và WiMax cùng tồn tại song song. Trong khoảng 10 năm tới, đó sẽ là thời kỳ lý tưởng cho cả 2 công nghệ này”, Julie Coppernoll, Giám đốc phụ trách mảng WiMax của Intel nói.
Theo dẫn giải của Intel, WiMax đã được triển khai trên khoảng 500 mạng lưới tại 147 quốc gia và công nghệ này cũng đang được “nhúng” trên một số lượng lớn thiết bị đầu cuối như laptop hay netbook. “Best Buy – nhà phân phối và bán lẻ sản phẩm điện tử lớn của Mỹ sẽ chính thức bán ra dòng sản phẩm notebook có khả năng kết nối WiMax vào cuối năm nay”, bà Coppernoll cho biết.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng thực tế thì Intel đang dần dần “nhãng ra” trong việc hỗ trợ công nghệ này. “Đã có thời Intel chỉ nhất nhất WiMax và WiMax nhưng giờ đây họ đang có một thái độ khá “nước đôi” và điều này có thể sẽ dẫn đến một sự hợp nhất 2 công nghệ”, Jim McGregor, nhà phân tích của hãng nghiên cứu In-Stat nói.
Cuộc chiến giữa 2 chuẩn công nghệ di động WiMax-LTE khiến nhiều người nhớ lại cuộc cạnh tranh giữa 2 chuẩn video VHS-Betamax trong thập niên 1970 và thập niên 1980. Đến nay, vẫn chưa có một nhà phân tích nào có thể khẳng định chắc chắn công nghệ nào tiên tiến hơn bởi chúng đều có khả năng cung cấp một tốc độ truyền dữ liệu lên tới 10 Mbps – nhanh hơn đường truyền Internet cố định của hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.
Trên lĩnh vực lịch sử, WiMax có “tuổi đời” cao hơn LTE và mức phí bản quyền sử dụng công nghệ này rẻ hơn LTE. Ngược lại, LTE lại được hầu hết các nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới hỗ trợ như Nokia Siemen Network, Sony Ericsson hay Alcatel-Lucent. Triển khai công nghệ LTE, các nhà mạng di động sẽ cảm thấy yên tâm hơn bởi họ có một danh mục thiết bị đầu cuối dành cho khách hàng rất phong phú.
“LTE có nhiều lợi thế hơn về quy mô kinh tế nhưng không vì thế mà WiMax sẽ biến mất hoàn toàn. Vẫn có một thị trường đủ để WiMax tồn tại”, Phil Kendall, nhà phân tích thị trường viễn thông của hãng nghiên cứu Strategy Analytics nhận định tương lai của WiMax.
Theo nhiều nhà phân tích khác, tại các thị trường mới nổi, WiMax sẽ hấp dẫn hơn bởi yếu tố chi phí thấp của mình bởi ở đó, hầu hết các nhà mạng đều là những hãng nhỏ, hạ tầng kém phát triển và đang rất “khát” một đường truyền không dây có tốc độ đủ nhanh để thay thế những đường truyền cố định ở những địa bàn khó khăn.
Theo ICTNews