IP:52.15.254.112

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Đào tạo liên kết: Quản lý chưa đuổi kịp quy mô
10/09/2009 07:03 AM

Ngày 10-9 là hạn cuối cùng để thí sinh (TS) nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng 2 vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Với nhiều TS trong số đó, khi việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ kết thúc, cơ hội để chiến thắng trong cuộc đua này sẽ không còn.

Thế nhưng, không phải tất cả cánh cửa đều khép lại: loại hình đào tạo liên kết mở ra một con đường khác, dẫu là đường vòng. Vừa làm vừa học, học từ xa hay đăng ký theo chương trình liên thông là lựa chọn của không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, sau một năm ban hành Quy định liên kết đào tạo, loại hình đào tạo này vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục.

Dạy cuốn chiếu, tốc độ chóng mặt

Theo Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Chiến, hiện nay hầu hết các trường ĐH đều có hoạt động liên kết đào tạo, trong đó, một số trường có quy mô liên kết đào tạo lớn (Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ...). Các đơn vị phối hợp đào tạo đều tổ chức liên kết với ít nhất từ 5 đơn vị trở lên, cho hàng nghìn người học, riêng Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ liên kết với 14 đơn vị và hiện đang đào tạo gần 10.000 học viên.

Quy mô đào tạo lớn như vậy có thể khiến người ta ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Lấy đâu ra nguồn giảng viên để đáp ứng nhu cầu này trong khi ngay cả hệ thống đào tạo chính quy cũng đang phải đối mặt với vấn đề quá tải? "Giải pháp" mà Thanh tra bộ thấy ở hầu hết các lớp liên kết là: tổ chức học cuốn chiếu từng môn với cường độ cao, có những nơi lên lớp từ 12 đến 15 tiết/ngày, điều có thể dẫn tới việc rút bớt số tiết quy định của môn học. SV phải học 1 môn duy nhất trong vài ngày ngắn ngủi, giảng viên dạy một mạch cho xong, rồi vội vàng tổ chức thi luôn... Lớp ĐH Mầm non 1 của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh liên kết với Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang có môn Triết học 60 tiết được dạy trong 5 ngày; lớp Kế toán do Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh chủ trì có môn Mác - Lê-nin 60 tiết, môn Tin học 60 tiết đều được dạy trong vỏn vẹn 3 ngày rưỡi, môn Toán xác suất thống kê dạy 45 tiết trong 3 ngày... Các lớp liên kết của Trường ĐH Đà Lạt, ĐH Ngoại thương chủ yếu cho học viên lên lớp vào buổi tối, từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày nhưng tính thành 5 tiết/ngày - khoảng thời gian đó chỉ đủ cho 4 tiết học không nghỉ giữa giờ... Đa số lớp liên kết bố trí học thứ bảy, chủ nhật và buổi tối, hoặc học tập trung 10 ngày/tháng, nhưng thời gian học toàn khóa đều ngắn hơn so với thời gian học chính quy tại trường.

Bên cạnh đó, một số trường triển khai liên kết đào tạo quy mô lớn cả với ngành mới được phép đào tạo (ngành kế toán của Trường ĐH Nha Trang), dẫn tới thực tế là đơn vị không đủ điều kiện đáp ứng, phải mời giảng viên quá nhiều. Cơ sở vật chất của nhiều đơn vị phối hợp chưa bảo đảm điều kiện mở lớp liên kết. Nhiều nơi không có phòng tập, phòng thực hành, thư viện... Đặc biệt, Trung tâm GDTX tỉnh Long An có quy mô đào tạo 34 lớp, hơn 3.800 SV nhưng chỉ có 2 phòng học cấp 4 và 6 giảng đường có tổng sức chứa chưa tới 900 người cùng với... 10 máy tính.

Quản lý đào tạo lỏng lẻo

Năng lực còn hạn chế song việc dạy - học cuốn chiếu với tốc độ chóng mặt vẫn giúp một số trường "ung dung" tuyển vượt chỉ tiêu. Trường ĐH Kinh tế quốc dân liên kết với Trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật và tại chức Ninh Bình tuyển 205 học viên cho lớp Cử nhân tài chính kế toán trong khi chỉ tiêu chỉ có 80. ĐH Nha Trang liên kết với Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ tuyển 264/150 chỉ tiêu tuyển sinh...

Có một thực tế là các cơ sở đào tạo phần lớn đóng ở trung tâm lớn, đi lại thuận tiện, thí sinh đông, khả năng thu học phí cao, chỉ tập trung vào một số ngành như Kinh tế, Khoa học xã hội và Nhân văn, Ngoại ngữ chứ chưa chú ý đến sự phát triển cân đối ngành nghề và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Đặc biệt, công tác quản lý đào tạo ở nhiều nơi quá lỏng lẻo. Nhiều trường không lập hoặc không lưu giữ sổ theo dõi lên lớp (Trường ĐH Công đoàn, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Văn hóa, ĐH Ngoại thương, ĐH Nông nghiệp Hà Nội...). Có trường do thiếu giáo viên nên đã giao cho đơn vị phối hợp tự mời giảng viên. Một số trường cho miễn thi tuyển sinh không đúng đối tượng, không ra quyết định công nhận trúng tuyển, bổ sung người học nhưng không có quyết định trúng tuyển bổ sung, chuyển địa điểm học cho SV nhưng không có quyết định. Đánh giá của Vụ Đại học và Sau đại học tại hội nghị tổng kết năm học vừa qua cũng khẳng định: các cơ sở đào tạo còn buông lỏng quản lý hoạt động liên kết đào tạo; giao phó việc quản lý, theo dõi, mời giảng viên, tổ chức lớp học cho các đơn vị phối hợp đào tạo.

Qua kiểm tra, thanh tra, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu chấn chỉnh sai phạm, yếu kém. Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Chiến cho biết, đối với những trường hợp sai phạm nghiêm trọng, không bảo đảm điều kiện về đội ngũ giảng viên hoặc buông lỏng quản lý đào tạo (Trường ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương), Bộ đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu dừng tuyển sinh với một số ngành nghề để củng cố. Một số trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, đã kiên quyết chấm dứt liên kết đào tạo với các đối tác không đủ điều kiện, tổ chức hội nghị về liên kết đào tạo để rút kinh nghiệm phối hợp quản lý chặt chẽ hơn. Nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế. Để hoạt động liên kết đào tạo vừa đáp ứng nhu cầu học tập của người học, vừa đáp ứng yêu cầu về nhân lực của địa phương và bảo đảm chất lượng đào tạo, giải pháp cơ bản là tách khâu dạy và kiểm tra đánh giá, với quy chế thi, kiểm tra được siết chặt. Sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo là lời giải để nâng cao chất lượng đào tạo liên kết.

Theo 24h




CÁC TIN KHÁC

• Người lớn thiếu giáo dục để làm cha, làm mẹ (08/09/2009)
• Cách dạy trẻ của người Mỹ (08/09/2009)
• Chấm dứt đưa ra chỉ tiêu thi đua không có cơ sở (05/09/2009)
• Teen và mạng xã hội đang tạo ra nhiều từ mới (04/09/2009)
• Bộ trưởng Giáo dục: 'Hai năm tới chấm dứt việc đọc-chép' (03/09/2009)
• Giáo viên 2 năm liền không đạt yêu cầu sẽ bị loại khỏi ngành (03/09/2009)
• Đổ xô đi học ''đuổi chữ'' (01/09/2009)
• Đào tạo theo tín chỉ: Vừa làm vừa băn khoăn (31/08/2009)
• Triệt tiêu phương pháp dạy học “đọc - chép” (28/08/2009)
• Nâng cao chất lượng giáo dục: Bắt đầu từ chính sách với đội ngũ giáo viên (27/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd