IP:18.217.252.151

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Đề án “giả”, đại học thật
14/10/2009 09:22 AM

Lập danh sách khống, giả mạo chữ ký giảng viên, trường lớp chưa thành hình… Vậy mà Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận) vẫn ung dung được phép tuyển sinh và sắp khai giảng năm học đầu tiên với gần 750 sinh viên.



Ngôi nhà cổ duy nhất đã được kê bàn ghế làm phòng học - Ảnh: Đ.T.Duy

Trường ĐH Phan Thiết có quyết định thành lập ngày 25-3-2009. Để có được quyết định, trước đó hơn bốn tháng ban quản lý dự án xây dựng trường ĐH này đã trình Bộ GD-ĐT một bản “bổ sung đề án khả thi” về cơ sở vật chất ban đầu và đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường. Dấu hiệu bất thường xuất hiện ngay từ trang đầu của đề án. Trong đó, ban quản lý dự án thành lập Trường ĐH Phan Thiết nêu ra lý do khiến ai cũng phải nghi ngờ.

Đó là lý do “vì sơ suất nên chúng tôi đã đóng vào tập hồ sơ (gửi ngày 10-10-2008 - PV) thiếu phần nói về cơ sở ban đầu của trường ĐH cùng đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng”. Trong khi đó, ai cũng biết cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên có thể coi là những điều kiện tiên quyết trong việc thành lập trường ĐH.

Khai khống giảng viên

Lật tiếp từng trang đề án này, chúng tôi dần hiểu ra lý do của “sơ suất” trên. Có rất nhiều bản cam kết đồng ý tham gia giảng dạy cho Trường ĐH Phan Thiết được ký sau ngày nộp hồ sơ ban đầu. Trong tổng số 151 bản cam kết, số bản cam kết được ký từ ngày nộp hồ sơ trở đi lên đến 63 bản. Cụ thể ngày 10-10 có một bản, ngày 11-10 có sáu bản. Ngày 12-10 có bảy bản... Ngày 18-10 “bội thu” với 20 bản… Trong đó, chúng tôi nhận thấy một số giảng viên có đến hai bản cam kết được ký cùng ngày hoặc hai ngày khác nhau.

Ban quản lý dự án cho biết có 63 giảng viên cơ hữu và 47 giảng viên thỉnh giảng. Điều hết sức không bình thường là cũng trong bản này nhiều giảng viên được kê khai đến 2-3 lần với những dữ liệu về năm sinh, chuyên môn... hoàn toàn khác nhau.

Trong bản kê khai cũng không khó để phát hiện phần thông tin của giảng viên hết sức ngây ngô: tiến sĩ kinh tế đăng ký dạy môn cơ sở văn hóa VN hay những kiểu tiến sĩ chung chung như “tiến sĩ khoa học xã hội và nhân văn”, “tiến sĩ chuyên ngành tiếng Anh”… Theo một cán bộ phòng đào tạo của một trường ĐH lớn tại TP.HCM, với học vị tiến sĩ, tất cả phải có chuyên ngành nghiên cứu cụ thể, rõ ràng, không thể chung chung như trên.

Kinh ngạc hơn, dữ liệu về tên tuổi, đơn vị công tác, chuyên môn… và cả chữ ký giảng viên đa số là dữ liệu “ma”. Chẳng hạn, một phó phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) hết sức bất ngờ và vô cùng phẫn nộ khi được xem đề án khả thi thành lập Trường ĐH Phan Thiết. Bởi ông phát hiện hai bản cam kết ký tên mình được xác lập ngày 15 và 24-9-2008 với hai chữ ký... hoàn toàn khác nhau. Tất nhiên, cả hai chữ ký này đều không phải là chữ ký của ông.

Chưa hết, những thông tin về giảng viên này cũng sai hoàn toàn khi ông sinh năm 1954 bị sửa thành 1963. Chuyên ngành của giảng viên này là lịch sử thế giới bị sửa thành chuyên ngành chính trị. Giảng viên này trước nay chỉ giảng dạy các môn liên quan đến lịch sử thế giới thì bị sửa thành sẽ giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh tại Trường ĐH Phan Thiết.

Ngoài ra, trong Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn còn có một số giảng viên, thậm chí là trưởng - phó khoa, cũng “bị” điền tên vào đề án với những chữ ký lạ hoắc, năm sinh và chuyên môn sai lệch. Vị phó phòng đào tạo này khẳng định chưa bao giờ tiếp xúc với bất kỳ ai ở Trường ĐH Phan Thiết thì không thể có chuyện ký cam kết giảng dạy.

Tương tự, trong số tên của năm giảng viên được kê khai từ Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) thì có đến bốn người phòng đào tạo nhà trường không biết… từ đâu ra. Thạc sĩ N.T.T., giảng viên còn lại, cũng có đến hai bản cam kết với chữ ký giả. Thạc sĩ này khẳng định thậm chí còn chưa bao giờ nghe đến tên Trường ĐH Phan Thiết và yêu cầu được làm sáng tỏ mọi vấn đề.

Chữ ký của các giảng viên được đưa vào đề án do được ký giả nên rất giống nhau 
(từ trái qua):... Thanh, ... Thạch, ... Thường, ... Thúy, ... Thịnh. 
Các chữ ký này có chữ “T” giống nhau - Ảnh: Đ.T.Duy

Có 6 lu nướng!

Chúng tôi tìm đến cơ sở của trường hiện đóng tại 268 Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP Phan Thiết mới biết nơi đây thực chất là khu làng cổ Mũi Né do ông Bùi Văn Giáo làm chủ. Thế nên không có bất ngờ khi những “trang thiết bị” phục vụ thực tập của sinh viên cũng là những dụng cụ liên quan đến chức năng chính của khu làng cổ này: phục vụ du khách có nhu cầu ăn uống. Liệt kê từng chi tiết về cơ sở vật chất mà Trường ĐH Phan Thiết ghi trong đề án có thể khiến nhiều người cười ra nước mắt.

Cụ thể, trong phần trang thiết bị phục vụ sinh viên thực tập có những “trang thiết bị” sau: bảy lò bếp gas, sáu lu nướng, ba tủ đông, ba lò vi ba, 800 chén đĩa Bát Tràng, 1.000 chén đĩa nhựa, 1.500 đôi đũa, sáu nồi cơm điện lớn và xoong, nồi, dao, thớt, phòng giữ lạnh rau. Phòng pha chế (cũng để phục vụ thực tập) có ba tủ làm lạnh, bếp, 10 bình thủy, 200 bộ tách trà, 1.000 ly uống bia, dụng cụ pha cà phê, dụng cụ vắt cam, 10 thùng đá.

Ngoài ra còn có hồ nuôi cá nước mặn và nước ngọt có oxy, diện tích 50m2 và khu nhà cổ với bảy căn để “tham quan, thực tập hướng dẫn du lịch”. Đáng chú ý, trong năm ngành được phép tuyển không có ngành du lịch. Những trang thiết bị khác được liệt kê chi tiết gồm: 20 bàn làm việc, bàn vi tính, tủ hồ sơ, năm bộ salon, 200 bộ bàn ghế học sinh, tám dàn âm thanh và tám bảng phấn...

Trong khi đó, hiện khối văn phòng mới chỉ có văn phòng chính, phòng dành cho các khoa và phòng ban giám hiệu. Tất cả còn rất sơ sài. Thư viện (theo ông Giáo, sẽ được đặt trong một ngôi nhà cổ) chưa có gì. Chỉ có một nhà cổ được đặt bàn ghế, bảng phấn. Và vẫn chưa biết đến khi nào một trường ĐH thật sự mới ra đời.

Đã tuyển sinh xong

Ngày 9-10, chúng tôi tìm gặp ông Bùi Văn Giáo, người đứng tên trưởng ban quản lý dự án Trường ĐH Phan Thiết. Ông Giáo cho biết đề án thành lập Trường ĐH Phan Thiết đã được nhen nhóm từ ba năm trước. Ông nói bản thân ông đã “đi mòn lốp máy bay” để trường có được quyết định ra đời. Ngay sau đó, trường đã được phép tuyển sinh từ tháng 7-2009 với năm ngành cho bậc ĐH và ba ngành bậc CĐ. Tính đến nay, trường đã tổ chức tuyển sinh gần đủ chỉ tiêu cả hai bậc đào tạo trên (khoảng 750 chỉ tiêu).

Khi chúng tôi hỏi về xuất xứ của bản đề án, ông Giáo cho biết mặc dù đứng tên trưởng ban quản lý dự án nhưng ông chủ yếu chỉ lo phần xây dựng cơ sở vật chất. Phần tìm kiếm giảng viên và xây dựng chương trình học ông nhờ một nhóm giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thực hiện nên không biết về việc có đề án này (!?).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ban đầu có chuyện hứa hẹn về việc góp vốn trong xây dựng trường giữa ông Giáo với nhóm giảng viên trên. Tuy nhiên, sự việc bất thành khiến “không có giảng viên nào trong đề án sẽ giảng dạy tại ĐH Phan Thiết mà chúng tôi phải tuyển giảng viên khác” - ông Giáo khẳng định. Sau khi “đường ai nấy đi”, ông Giáo cho biết có xuất 40 triệu đồng trả thù lao cho nhóm viết đề án và một người trong số này đã nhận 30 triệu đồng.

 Theo TuoiTre




CÁC TIN KHÁC

• Trò hư là lỗi của thầy? (12/10/2009)
• Cậu ấm, cô chiêu đi học (12/10/2009)
• Thưa Bộ trưởng, có phải Bộ trưởng quy định thế này không? (12/10/2009)
• 75% thầy cô không có tác dụng 'định hướng tương lai' (10/10/2009)
• Ôi! Những người Việt Nam xấu xí... (08/10/2009)
• Chạy… để được làm thầy (07/10/2009)
• Người lớn cũng cần học kỹ năng sống? (06/10/2009)
• Khổ như… học sinh lớp 1! (05/10/2009)
• Sự tương đồng và sự khác biệt! (05/10/2009)
• Bằng cấp và năng lực (01/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd