IP:18.227.21.101

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Gặp người chữa rắn cắn bằng... 'ngọc rắn'
21/12/2009 08:23 AM

Suốt 29 năm qua (1980-2009), ông Hồ Văn Cận ở bản Ba De (xã Linh Thượng, Gio Linh, Quảng Trị) đã cứu sống hàng trăm người chẳng may bị rắn độc cắn. Dụng cụ chữa rắn cắn là viên đá màu đen mà ông bảo rằng đó là viên ngọc rắn cùng nhiều loại lá mà ông lặn lội cả tuần trong rừng mới kiếm được.

 
Với viên ngọc rắn kết hợp với lá rừng, 
ông Cận đã chữa cho hàng chục nạn nhân bị rắn độc cắn - Ảnh: Trần Phong

Huyền thoại “Ngọc rắn”

“Chú hỏi ông Cận cả bản Ba De không ai biết đâu. Cận là tên trong giấy khai sinh thôi. Còn tên mà dân bản thường gọi là thầy Thăng chữa rắn cắn.

Dân bản Ba De nhiều người bị rắn cắn nếu không có thầy Thăng cứu chữa kịp thời thì khó mà thoát chết. Thầy có viên “ngọc rắn” linh nghiệm lắm”- bà cụ bán tạp hóa đầu bản cho biết như vậy khi tôi loanh quanh hỏi đường vào nhà ông Cận.

Thấy khách đường đột tới thăm, ông Cận vồn vã hỏi han xởi lởi rồi ôn tồn: Anh trai tôi (đã mất) truyền lại cho tôi. Quanh viên ngọc rắn này, cũng có nhiều chuyện hoang đường.

Dân bản Ba De bảo, anh tôi lấy được viên ngọc rắn từ con rắn lớn như cột nhà, sống hàng trăm năm trong hang động mãi tận rừng Lào.

Hồi anh tôi còn sống, nhiều lần tôi tò mò hỏi thì anh bảo ngọc rắn thì có còn chuyện bắt được rắn rồi lấy ngọc rắn chỉ là dân bản thêu dệt thêm.

Viên ngọc rắn mà anh tôi có được là do người bạn tặng. Đầu năm 1980, anh tôi lâm bệnh nặng, thều thào gọi tôi đến bên giường rồi lấy từ ngực áo ra gói giấy, bảo tôi cầm lấy sau này, rủi có bị rắn cắn thì tự cứu lấy tính mạng.

Tôi mở ra xem thì thấy viên đá màu đen to bằng ngón chân cái. Anh tôi nói đó là viên ngọc rắn có thể mài để uống hoặc chườm lên vết rắn cắn sau đó đắp vết thương bằng các loại lá rừng có công dụng chữa rắn cắn.

Phải hai năm sau ngày anh tôi mất, tôi mới tự tay cứu chữa ca bị rắn cắn đầu tiên. Đó là trường hợp một chị ở trong bản ra đồi chăn trâu vô tình dẫm lên con rắn hổ phì bị nó đớp vào chân phải. Người nhà nghe tiếng chị kêu cứu lên đồi cõng chị về thì chị đã bắt đầu có dấu hiệu tê cứng lưỡi, quai hàm…

Biết chuyện, tôi vội đến nói với người nhà nạn nhân là để tôi thử cứu chữa cho chị chứ mang chị đi bệnh viện vào lúc đó, đằng nào chị ấy cũng chết. Tôi vừa làm, vừa run. Cố trấn tĩnh, tôi lấy viên ngọc rắn liên tục chườm lên vết thương của chị, sau đó đắp thuốc lên vết thương.

Cứ chườm rồi đắp lá liên tục chín ngày, chín đêm thì chị ấy phục hồi. Từ đó, dân bản Ba De rồi nhiều thôn, bản khác cứ bị rắn cắn là tìm đến tôi nhờ cứu giúp.

Ông vào buồng mang ra viên đá rồi nhẹ nhàng đặt xuống mảnh giấy trắng được trải trên mặt chiếu cói. “Người mới bị rắn cắn mà biết buộc ga rô vết thương lại thì khi mang đến, tôi chỉ cần chườm viên ngọc rắn này lên mấy lần sau đó đắp lá kín vết thương là có thể về nhà” - Ông Cận nói.

“Còn người nào bị rắn cắn mà nọc độc của rắn, nhất là nọc độc các loại rắn như cạp nong, cạp nia, hổ mang, rắn ráo, hổ phì đã đi vào máu thì phải chườm ngọc rắn kết hợp đắp lá liên tục.

Từ ngày cứu chữa ca bị rắn cắn đầu tiên đến nay, tôi đã chữa cho hàng chục người, hàng trăm con trâu, bò bị rắn cắn bằng viên ngọc rắn này.

Cứu trước cửa tử

Trong nhiều ca bị rắn độc cắn do chính mình cứu chữa, thầy Thăng chỉ nhớ tên của một vài người. Đó là trường hợp anh Toản ở Gio Sơn (Gio Linh) đi rừng bị rắn hổ mang bành tấn công tím tái hết người.

Giống hổ mang cắn không ra máu, chỉ hơi nhoi nhói như cái gai cây xấu hổ đâm nên khó phát hiện. Nạn nhân không uống rượu, không ngâm bùn thì phải vài giờ sau mới phát.

Người nhà mang anh Toản đến khi nọc độc bắt đầu thâm nhập vào máu. Lập tức, ông Cận dùng viên ngọc rắn chườm lên vết thương rồi tức tốc vào rừng tìm lá về đắp vết thương.

Rồi trường hợp anh Minh ở xã Vĩnh Kim (Vĩnh Linh) bị rắn hổ phì cắn khi đang làm ruộng. Về đến nhà, anh Minh nằm vật ra rồi như lịm dần đi. Người nhà hỏi, anh mới khó nhọc cho biết là bị rắn cắn.

Người nhà anh Minh biết đến tài chữa rắn cắn của ông nên tức tốc chạy xe máy lên mời ông về. Bây giờ, anh Minh cũng như thân nhân mỗi khi gặp ông cứ cảm ơn ông vì đã cứu mạng.

Ông Cận cảnh báo: “Nguy hiểm nhất trong các loài rắn độc là rắn cạp nia. Giống cạp nia cắn không thấy đau nên nạn nhân thường chủ quan vì nọc độc của nó phải vài giờ sau mới phát.

Nam giới bị cạp nia đớp mà lại làm thêm vài chén rượu vào thì nọc độc bị kích thích, phát nhanh lắm. Nhiều người bị cạp nia cắn khi đã phát là đau cứng họng, tê lưỡi, đau nhừ hết mình mẩy và buồn ngủ, dần dần đồng tử mắt dãn ra... là coi như chết.

Tôi hỏi chuyện tiền nong, công xá mỗi lần chữa bệnh cho người bị rắn độc cắn, ông Hồ Văn Cận cười: “Nếu vì tiền, tôi không phải sống trong căn nhà sàn nhỏ như thế này”.

Theo TienPhong




CÁC TIN KHÁC

• Có thể bại liệt vì đau thắt lưng (17/12/2009)
• Thuốc trị cúm H1N1, H5N1 “made in” Việt Nam (16/12/2009)
• Đông y chữa teo thần kinh thị giác (10/12/2009)
• Bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ em (05/12/2009)
• Quan niệm sai lầm về bệnh loét dạ dày (30/11/2009)
• Người trẻ dễ mắc ung thư xương (27/11/2009)
• Chữa viêm gan bằng Đông y (17/11/2009)
• Thoái hóa đốt sống cổ (11/11/2009)
• Đau cứng khớp vai (05/11/2009)
• Thủ phạm thực sự của các bệnh mãn tính (03/11/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd