Song song với động thái trên, HP cũng tuyên bố sẽ thuê thêm 6.000 nhân viên mới cho bộ phận bán hàng và cung cấp dịch vụ. Đây không phải là lần đầu tiên HP sa thải một lượng lớn nhân công. Dưới thời Giám đốc điều hành Mark V. Hurd, HP từng nhiều lần thực hiện biện pháp “thắt lưng buộc bụng” bằng việc tống nhân viên của mình ra đường. Năm 2005, Hurd từng ra lệnh cắt giảm 15.300 nhân viên để củng cố bộ phận trung tâm dữ liệu.
Năm 2008, sau khi mua lại hãng Electronic Data Systems (EDS), HP cũng sa thải 7,5% nhân công - tương đương với 25.000 người, và giảm 20% lương một số bộ phận trong công ty. Tháng 5/2009, HP tuyên bố sẽ sa thải 6.420 người.
Hãng có truyền thống tuyển nhiều rồi sa thải nhiều này cũng tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 1 tỉ USD cho bộ phận kinh doanh dịch vụ doanh nghiệp. HP nói rằng cá trung tâm dữ liệu hiện đại sẽ giúp khách hàng của hãng này duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Gần đây, HP đã quy tụ EDS vào bộ phận dịch vụ doanh nghiệp chuyên duy trì hoạt động kinh doanh cho khách hàng.
Trong quý vừa qua (tính tới 30/4), doanh thu của bộ phận dịch vụ doanh nghiệp đạt 8,7 tỉ USD. Tuy doanh số này không như mong đợi nhưng HP vẫn quyết tâm đầu tư thêm tiền bạc vì tin rằng biên lợi nhuận của lĩnh vực này (15,9%) sẽ cao hơn rất nhiều so với bộ phận sản xuất PC (4,6%), vốn là ngành kinh doanh chính của hãng này.
Theo giới phân tích, việc HP sa thải một lượng lớn nhân công là điều “tất nhiên” sau khi mua lại EDS. “Trong 20 tháng qua, chúng tôi tập trung nguồn lực cho việc cơ cấu EDS và cải thiện lợi nhuận”, Tom Iannotti – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bộ phận dịch vụ doanh nghiệp, cho biết.
Vẫn theo HP, hãng sẽ mất khoảng 500 triệu USD trong quý 3 năm nay và một phần tương tương trong quý cuối của năm ngân sách 2013 cho kế hoạch sa thải khổng lồ trên. Đổi lại, HP sẽ tiết kiệm được 500 – 700 triệu USD/năm vì trả lương cho ít nhân viên hơn. Được biết hồi tháng 4 vừa qua, HP thông báo kế hoạch mua lại Palm, nhà sản xuất điện thoại thông minh Pre và Pixi với giá 1,2 tỉ USD.
Theo VnMedia