Sự thất bại trước đó của Windows Vista, không chỉ bị hàng loạt chuyên gia phàn nàn mà còn được nhắc đến trong nhiều quảng cáo của Apple, chỉ để củng cố cho dự đoán ở trên. Dựa vào một số nguồn tin chúng ta có thể cho rằng các cá nhân và tổ chức đang ruồng bỏ Microsoft để chuyển sang sử dụng hệ điều hành khác. Kết quả kinh doanh ấn tượng của của dòng máy EeePC nguyên thủy và các dòng máy netbook nền tảng Linux khác đã khiến cho dự đoán trên có cơ sở hơn bao giờ hết. Khi đó, các nhà cung cấp đã bắt đầu sản xuất dòng netbook sử dụng Windows XP, kết quả cho thấy những dòng máy netbook sử dụng Linux bán chạy hơn gấp 4 lần so với những dòng netbook cạnh tranh sử dụng Windows XP.
Vào tháng 10 năm nay, theo Net Applications, Windows vẫn nắm giữ hơn 92% tổng số thị phần hệ điều hành và hệ điều hành Windows 7 chỉ đóng góp 4%. Tuy nhiên, Windows 7 dành được con số đó chỉ trong vòng hai tuần kể từ khi được phát hành, Windows Vista đã phải mất 7 tháng để đạt được con số này. Trong khi đó con số 4% vẫn là trong mơ với Linux khi hiện chỉ có được 1%, và Mac có chút “khấm khá” hơn khi đang nắm giữ trong tay 5.27% thị phần.
Do đó, chúng ta có thể khẳng định Windows 7 là hệ điều hành đang được ưa chuộng nhất hiện nay, và trong tương lai nó sẽ đoạt được vị thế thống trị thị trường hệ điều hành dành cho desktop hiện nay của Windows XP. Dưới đây là 10 lí do khiến chúng ta có thể tin tưởng.
1. Người dùng đã sẵn sàng thay thế XP
Theo Net Applications, hiện nay Windows XP vẫn nắm giữ hơn 70% thị phần hệ điều hành. Tuy nhiên, tính đến nay hệ điều hành này đã sắp được 9 tuổi (phát hành từ năm 2001), và dù ba bản Service Pack đã lần lượt được tung ra với nhiều tính năng mới bổ sung cũng như các bản vá thì XP cũng đã trở nên lạc hậu và thiếu những tính năng mới được tích hợp trong Windows Vista và Windows 7.
Quan trọng nhất, đặc biệt với công việc, XP không được tích hợp nhiều cơ chế bảo mật như Windows Vista và Windows 7, như UAC, chế độ bảo vệ Internet Explorer, công cụ mã hóa BitLocker (trong một số phiên bản), các dịch vụ hệ thống được cách lý và vận hành với ít đặc quyền hơn, ngăn xếp TCP/IP mới với tính năng mã hóa và thẩm định quyền tốt hơn, khả năng tùy chọn bố cục vùng địa chỉ, …
Thậm chí nhiều người tôn sùng XP đang mong mỏi một hệ điều hành hoàn toàn mới, và nhiều tổ chức muốn tận dụng các công nghệ doanh nghiệp, như DirectAccess và AppLocker sẽ thực hiện nâng cấp lên hệ điều hành mới nhất này.
2. Có thể nâng cấp từ Vista
Với những người dùng đang sử dụng Windows Vista SP1 hoặc cao hơn có thể dễ dàng nâng cấp trực tiếp lên Windows 7 trên hầu hết các hệ thống. Khi đó, người dùng chỉ cần căn cứ vào phần cứng và phiên bản Windows Vista đang sử dụng để nâng cấp lên phiên bản Windows 7 phù hợp.
Xem hướng dẫn nâng cấp từ Vista lên Windows 7 tại đây.
3. Thay đổi nhưng vẫn giữ được nét truyền thống
Trước khi chuyển sang sử dụng một hệ điều hành mới thì việc đầu tiên mà chúng ta nên làm là tìm hiểu về hệ điều hành đó. Một số người dùng thích khám phá những tính năng mới và phương pháp mới để làm việc với nó, trong khi đó, những số khác không muốn thay đổi cho dù sự thay đổi đó là tích cực. Nói chung, người dùng máy tính chỉ muốn mọi cong việc được thuận lợi, và hầu hết người dùng đã quen thuộc với phương pháp làm việc của Windows vì vậy những nét truyền thống của hệ điều hành này vẫn được giữ lại trên Windows 7. Khi thay đổi một nền tảng hoàn toàn khác, giống như Linux hay Mac đã từng làm, sẽ khiến người dùng tiêu tốn nhiều thời gian vào việc làm quen với hệ điều hành.
Không thể phủ nhận rằng giao diện người dùng của Linux ngày càng được cải thiện, nhưng người dùng Windows vẫn sẽ gặp phải những khó khăn nhất định với nó, chẳng hạn như sự khác biệt trong thuật ngữ sử dụng (tài khoản quản trị Administrator được thay bằng tài khoản gốc Root); địa chỉ file hệ thống (các thiết bị ngoại vi như chuột, bàn phím, màn hình nằm trong thư mục /dev, các file nhị phân hay thực thi nằm trong thư mục /bin, và file văn bản cấu hình được lưu trữ trong thư mục /etc, …); các file của một ứng dụng nằm rải rác trong nhiều thư mục trên ổ cứng thay vì nằm trong cùng một thư mục như trong Windows; trong một số tường hợp khi cài đặt chương trình người dùng sẽ phải viết mã nguồn hay tạo gói cài đặt riêng; ngoài ra, việc làm quen với một hệ điều hành mới đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải làm quen với những ứng dụng mới vì nhiều ứng dụng chỉ có phiên bản dành cho Windows.
Hệ điều hành Mac OS trực quan hơn so với Linux, nhưng nếu từ bỏ Windows để chuyển sang hệ điều hành này thì có thể bạn sẽ cảm thấy rơi vào một thế giới xa lạ. Dù không gặp phải những vấn đề cài đặt có thể phát sinh như trong Linux vì OS X chỉ vận hành trên Apple, nhưng mọi thứ lại hoàn toàn khác biệt so với Windows. Ví dụ, các menu chương trình xuất hiện ở phái trên màn hình thay vì trên cửa sổ của chương trình đó như trong Windows. Ngoài ra nhiều ứng dụng vận hành trên Windows sẽ không làm việc trên Mac, do đó chúng ta sẽ phải cần đến những ứng dụng mới, không giống như Linux, hầu hết các ứng dụng dành cho Mac không miễn phí.
Windows 7 có một giao diện mới rất bắt mắt cộng với nhiều tính năng mới, nhưng vẫn giữ lại được những nét đặc trưng của hệ điều hành Windows. Nói chung, khi “kết thân” với Windows 7, người dùng XP không phải mật nhiều thời gian để “tìm hiểu”.
4. Yêu cầu phần cứng phù hợp
Nhiều người dùng tỏ ra chán nản với những yêu cầu phần cứng quá cao của Windows Vista. Những người dùng Windows XP luôn có cảm giác Windows Vista không phải là hệ điều hành dành cho họ, do đó một số người đã chuyển sang Linux với những yêu cầu vừa phải.
Gầnn hư tất cả người dùng đều thấy rằng Windows 7 vận hành tốt hơn rất nhiều trên những máy tính cũ hay dòng máy giá rẻ so với Vista. Nhiều người dùng có thể cài đặt và vận hành Windows 7 trên những máy tính không đáp ứng yêu cầu của Vista. Càng ít người dùng buộc phải mua phần cứng mới để nâng cấp lên Windows 7 đồng nghĩa với việc càng ít người chuyển sang Linux để có thể sử dụng một hệ điều hành mới mà không phải nâng cấp phần cứng.
Tất nhiên, chúng ta không thể cài đặt hệ điều hành Mac OS trên những phần cứng không phải do Apple cung cấp, do đó từ bỏ XP hay Vista để sử dụng Mac nghĩa là người dùng sẽ từ bỏ luôn máy tính đã gắn bó bấy lâu.
5. Phần đa người dùng máy tính không phải người dùng chuyên nghiệp
Những người dùng chuyên nghiệp luôn thấy hứng thú với việc làm cho phần cứng và phần mềm hoạt động, và họ không ngại bỏ ra nhiều thời gian để thử nghiệm những cài đặt cấu hình hay thay thể các card đang sử dụng, do đó Linux là hệ điều hành mà họ luôn hướng tới. Tuy nhiên phần đa người dùng không phải là “dân IT”, do đó họ thường quan tâm tới nhu cầu bản thân hơn là công nghệ, chẳng hạn họ chỉ muốn hoàn thành công việc, hay giải trí mà không quan tâm tới việc tìm kiếm những driver phù hợp hay tự viết mã.
Cho dù các bản phân phối Linux ngyaf càng dễ sử dụng, nhưng cũng không thể sánh được với Windows.
6. “Độc đáo” không phải là ưu tiên hàng đầu của người dùng
Một số người dùng có thể dễ dàng chấp nhận mọi thứ miễn là độc đáo. Và đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Apple khi họ liên tục tung ra những sản phẩm độc đáo, như dòngm áy Macbook Air siêu mỏng tới những dòng máy Mini thanh lịch và những chiếc iPhone “khêu gợi”. Tuy nhiên đây chỉ là một điểm thứ yếu vì hầu hết người dùng vẫn quan niệm “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” và không có ý định sử dụng máy tính để trang trí.
7. Windows 7 có kho ứng dụng phong phú
Cho dù những máy tính Mac có đẹp thế nào đi nữa thì chúng cũng không thể vận hành mọi ứng dụng mà người dùng cần. Và Apple đã khẳng định rằng một trong những lý do người dùng lựa chọn dòng máy iPhone là do nó có kho ứng dụng phong phú hơn so với các hệ điều hành di động khác. Thật không máy cho Apple, điều này cũng đúng với hệ điều hành máy tính. Windows có vô số ứng dụng, đặc biệt, có rất nhiều ứng dụng hoạt động như chuẩn thực cho một mục đích cụ thể (như ứng dụng Office) dành riêng cho Windows. Mặc dù Mac cũng có ứng dụng Office, nhưng nó không tích hợp nhiều tính năng và chức năng như ứng dụng Office của Windows.
Trong Linux cũng có bản Open Office hay GIMP nhưng cũng yếu hơn rất nhiều so với Microsoft Office và Photoshop. Mặc dù những giải pháp thay thế này là miễn phí, nhưng người dùng sẽ quan tâm tới mức độ thực hiện công việc hơn là giá cả.
Người dùng Mac và Linux sẽ tranh luận rằng có thể sử dụng Parallels hay Wine để vận hành những ứng dụng Windows trong một môi trường ảo hóa, tuy nhiên, trong thực tế những công cụ đó chỉ để minh chứng rằng Windows có những ứng dụng tốt nhất.
8. Tăng tính năng, giảm dư thừa
Windows 7 cung cấp cho người dùng nhiều tính năng mới cho dù là một hệ điều hành nhẹ và tiết kiệm. Chúng ta không phải cài đặt ứng dụng nhóm ba để thực hiện những chức năng nhỏ nhưng rất hữu dụng như Sticky Notes, đồng thời hệ điều hành này còn bổ sung nhiều cải tiến giao diện, như hỗ trợ đa cảm ứng. Người dùng có thể sử dụng nhiều bàn phím tắt để tăng tốc tiến trình nhập dữ liệu cũng như khả năng mã hóa ổ di động với BitLocker to Go, hỗ trợ tốt hơn cho ổ SSD (Solid State Drive) và đĩa cứng ảo VHD. Windows 7 còn tích hợp hỗ trợ sinh trắc, và Windows Media Center giờ đây đã được đưa vào bản Pro (có thể chặn bằng Group Policy). Những ứng dụng chuẩn tích hợp như Paint, Wordpad và Calculator đã được bổ sung thêm nhiều tính năng để có thể thực hiện nhiều tác vụ hơn nữa.
Cho dù mọi thành phần bổ sung không biến Windows 7 trở thành hệ điều hành “tất cả trong một”, nhưng Microsoft đã loại bỏ nhiều ứng dụng được tích hợp trong những hệ điều hành trước đó mà người dùng không sử dụng đến. Máy trạm Mail (Windows Mail), công cụ hiệu chỉnh ảnh Photo Editor tinh vi hơn (Windows Photo Gallery), Contacts và Calendar đã được loại bỏ khỏi Windows 7. Nếu muốn sử dụng những công cụ này, người dùng có thể tải về tại trang Web Microsoft Windows Live.
9. Giá thành hợp lý
Chắc chắc có không ít phàn nàn rằng Windows 7 có giá quá cao. Tuy nhiên, Microsoft đã giảm giá bản Home Premium ngang bằng với bản Home Premium của Vista, và các phiên bản còn lại vẫn được giữ giá. Bảng giá cho phiên bản Windows 7 Professional đầy đủ ngang bằng với Windows XP, 299.99 USD.
Mặc dù giá thành của phiên bản đầy đủ thoạt nghe có thể khá cao (199.99 USD cho bản Home Premium, 299.99 USD cho bản Pro và 319.99 USD cho bản Ultimate), nhưng người dùng sẽ nhận được một hệ điều hành chất lượng từ Microsoft. Ngoài ra, người dùng sẽ phải trả một mức phí để nâng cấp lên các phiên bản của Windows 7 (119.99 USD với bản Home Premium, 199.99 USD cho bản Pro và 219.99 USD cho bản Ultimate) hoặc lựa chọn mua một máy tính mới được cài đặt sẵn Windows 7.
Một số chương trình giảm giá được Microsoft áp dụng cho các đối tượng, như sinh viên (chỉ phải trả 29.99 USD cho bản Home Premium hay Pro) và giảm giá cho nhóm gia đình (ba giấy phép nâng cấp lên bản Home Premium với giá 149.99 USD).
10. Doanh nghiệp chú trọng tới tổng thể
Giá cả là một trong những khía cạnh được doanh nghiệp tính đến. Thông thường, nhiều công ty sẽ quan tâm tới chi phí triển khai mà không quan tâm tới giá của phần mềm. Những chi phí phát sinh này bao gồm chi phí hỗ trợ, phần cứng, đào tạo và khả năng tác động tới sự hoạt động của công ty. Trong thực tế, sau khi thực hiện phân tích, các doanh nghiệp thường lựa chọn sử dụng Windows.
Theo QuanTriMang
CÁC TIN KHÁC
|