IP:13.58.205.159

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Google và chiến lược tăng tốc lướt Web
26/12/2009 08:56 AM

2009 là năm “tăng tốc” của Google với việc ra mắt một loạt công cụ và sản phẩm nhằm thực hiện tiêu chí này. Các con bài chiến lược như trình duyệt Chrome, hệ điều hành Chrome OS và ngôn ngữ lập trình GO đều hướng tới một cái chung: cải thiện tốc độ lướt Web.

Những sáng kiến trên xét về quy mô và tính chất đều rất lớn. Chúng bao gồm các công cụ tối ưu cho webmaster để cải thiện hiệu suất của website; cải thiện tốc độ duyệt web nói chung; và cải tiến giao thức Internet đang trở nên già cỗi. Đồng thời, Google cũng đẩy mạnh tiến trình vận động hành lang để chính phủ các nước tiến hành nâng cấp hệ thống mạng băng rộng.

Tăng tốc lướt Web

Google tin rằng một mạng Internet nhanh hơn sẽ tốt hơn cho tất cả mọi người, giúp nâng cao tỉ lệ sử dụng mạng và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. “Điều này sẽ tốt cho tất cả chúng ta. Khi mạng Internet nhanh hơn, chúng tôi cũng được hưởng lợi bởi mọi người sử dụng mạng nhiều hơn, tìm kiếm nhiều hơn, và điều đó sẽ mang lại cho chúng tôi doanh thu cao hơn”, Urs Hölzle, Phó Chủ tịch bộ phận khai thác của Google, bày tỏ.

Thoạt nhìn, tất cả những vấn đề Google đưa ra đều rất hợp lý. Khó ai có thể từ chối những sáng kiến có ích, miễn phí, và có thể triển khai một cách dễ dàng. Thêm vào đó, tiềm năng của Web vẫn còn rất lớn, còn rất nhiều cơ hội, và Google có đủ nguồn lực, tài lực để vượt lên và có thể khắc phục được các trở ngại. “Google có thể phát triển tất cả những dự án này theo cách chúng có tầm quan trọng chiến lược. Google có những đặc điểm khác biệt mà những công ty khác không có. Họ đã và đang duy trì một mô hình kinh doanh thành công, và tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng Google có đủ khả năng thực hiện điều đó”, nhận định của Sheri McLeish, nhà phân tích chiến lược thuộc tổ chức Forrester Research.

Hiện tại, Google đang tập trung đẩy mạnh các sáng kiến cải thiện tốc độ lướt web; trực tiếp tăng cường nguồn lực và ảnh hưởng đối với cách thức dùng web của cá nhân và tổ chức. Chẳng hạn như đầu tháng 12 vừa rồi, Google đã triển khai một hệ thống mới để xử lý các truy vấn DNS (hệ thống tên miền). Google nói rằng sản phẩm của hãng này giúp cải thiện các thuật toán xử lý DNS hiện tại theo hướng nhanh hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn.

“Google đang đặt mình vào vị thế của kẻ dẫn đầu trong việc định hình tương lại phát triển của Web. Từ góc độ kinh doanh chiến lược thì đây là một hướng đi thông minh bởi rõ ràng chúng đều rất có ích cho quá trình cải tổ Internet hiện nay”, phân tích của chuyên gia Hadley Reynolds thuộc IDC.

Lo ngại độc quyền

Tuy nhiên, Hadley Reynolds cũng phản ánh sự lo ngại rằng khi tất cả những sáng kiến trên được thực hiện thành công thì vai trò độc quyền của Google sẽ càng trở nên sâu rộng hơn. Điều này cũng giống như vai trò của Microsoft trong thị trường hệ điều hành PC trước đây và hiện nay. Trong nhiều năm qua, Microsoft đã sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tạo nên một thị trường hệ điều hành PC gần như là độc quyền, cả với người dùng cá nhân và doanh nghiệp.

Lo ngại trên không phải là không có cơ sở bởi ở giai đoạn hiện tại, chưa có một chủ thể nào có nền tảng tương tự để cạnh tranh với Google trên môi trường Web. Trong khi đó, có lẽ ý thức được các lo ngại về quyền riêng tư nên trong một loạt các sản phẩm và sáng kiến mới, Google đã công khai rõ ràng và rành mạch chính sách thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu người dùng. Bởi lẽ, một khi người dùng không còn tin tưởng vào sản phẩm của mình, thì tất nhiên Google sẽ chẳng có lý do nào để tiếp tục duy trì những dịch vụ đó.

Chẳng hạn với hệ thống xử lý tên miền Public DNS, Google cam kết rằng chỉ lưu lại địa chỉ IP của người dùng cuối không quá 48 tiếng, và sẽ lưu dữ liệu ISP và địa điểm của người dùng không quá 2 tuần. Google cũng hứa sẽ không sử dụng dữ liệu Public DNS có được cho những dịch vụ khác của hãng này. Tất nhiên, đây chỉ là cam kết và người dùng hy vọng Google sẽ tuân thủ điều đó, đồng thời cũng hy vọng sẽ không có vụ mất mát và rò rỉ dữ liệu cá nhân nào liên quan tới các dịch vụ này của Google xảy ra.

Họ “Hứa”

Một lo ngại khác của đa số người dùng là Google thường kéo dài thời gian ra mắt sản phẩm chính thức sau khi đã công bố bản mẫu. Điều này tạo ra tâm lý chờ đợi quá lâu cho người dùng, khiến họ mất kiên nhẫn với sản phẩm của Google. Theo ước tính của Hölzle, Google có tới 25 dự án tăng tốc kiểu này với nhiều mức độ hoàn thành khác nhau. Túm lại, “kiểu” của Google là thường tuyên bố dự án từ rất sớm, rồi để cho người dùng chờ đợi chán chê, mỏi cổ rồi mới hoàn thiện sản phẩm.

Cũng theo Hölzle, Google coi những nỗ lực tăng tốc của mình động lực kinh doanh chính. Điều này không chỉ thể hiện trong chiến lược phát triển của hãng, mà còn được thể hiện qua những cam kết của chính lãnh đạo Google. Hãng này có riêng một nhóm làm việc chuyên tập trung cho các sản phẩm tăng tốc với thành viên thuộc nhiều nhóm sản phẩm khác.

Hölzle cũng chỉ ra rằng những dự án tăng tốc của Google trên thực tế không phải là mới. Trong nhiều năm qua, Google từng nhiều lần nhấn mạnh tới tầm ảnh hưởng của tốc độ, và trong năm nay đã ra mắt nhiều dự án tuy trên thực tế có khi chúng bắt nguồn từ năm trước hoặc nhiều năm trước đó.

Các dự án tham vọng

Một trong những sáng kiến tăng tốc đầy tham vọng của Google là SPDY (phát âm “speedy” – có nghĩ là “tốc độ”), với mục tiêu cải tiến giao thức http cho truyền tải nội dung Web. Mặc dù vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nhưng theo đánh giá với tình hình phát triển băng rộng nhanh như hiện nay, SPDY có thể là một giải pháp rất sáng giá.

Cũng trong lĩnh vực giao thức Internet, Google cũng hỗ trợ HTML 5.0 và đồng thời tin rằng những cải tiến sâu rộng sẽ giúp thu hẹp khoảng cách về hiệu suất giữa ứng dụng Web và ứng dụng PC. Thông thường những thay đổi trong lĩnh vực giao thức Internet và chuẩn công nghiệp đòi hỏi rất nhiều công sức, sự đồng thuận và quan hệ hợp tác, nhất là giữa các đối thủ cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, Hölzle tin rằng Google sẽ thành công với các đề xuất trên, đặc biệt là SPDY bởi tiềm năng của nó là rất lớn.

Trọng tâm lớn khác của Google là lĩnh vực thiết kế web. Google đã cố đưa ra những nguyên tăng thiết kế web cải tiến và ra mắt công cụ Page Speed dành cho webmaster. Công cụ này giúp phân tích thiết kế của site, và dựa trên nhiều tiêu chí nó sẽ đưa ra các đề xuất nhằm cải tiến trang web một cách tốt hơn.

Cuối cùng là một số sản phẩm “đinh” của Google có thể làm thay đổi bộ mặt phát triển chung của ngành công nghệ hiện nay, đó là trình duyệt Chrome, hệ điều hành Chrome OS và ngôn ngữ lập trình Go. Tất cả đều được giới thiệu trong năm nay, cũng với trọng tâm “tăng tốc”.

Theo VnMedia




CÁC TIN KHÁC

• Sai lầm có thể biến Google thành Coca-Cola thứ hai (26/12/2009)
• Amazon và hàng loạt website bị DDoS (26/12/2009)
• Năm 2009, CEO Apple lĩnh lương 1 USD (25/12/2009)
• Google dự định hạn chế truy cập tin tức miễn phí (24/12/2009)
• Microsoft bị cấm bán Word tích hợp công cụ hiệu chỉnh XML (24/12/2009)
• Microsoft bị cấm bán phần mềm văn phòng Word 2007 tại Mỹ (23/12/2009)
• “Danh sách loại bỏ” của Microsft hỗ trợ tin tặc? (23/12/2009)
• Microsoft muốn gì trong cuộc chiến với Google? (23/12/2009)
• Yahoo đóng cửa văn phòng trên toàn thế giới (23/12/2009)
• Firefox lập kỳ tích trở thành trình duyệt phổ biến nhất (23/12/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd