Trụ sở Google tại Trung Quốc - Ảnh minh họa: Internet
Người khổng lồ lùi bước
Google đã chính thức dừng việc chuyển hướng công cụ tìm kiếm trực tuyến của họ tại đại lục đến các máy chủ tại đặc khu Hồng Kông, trong một động thái được giới quan sát nhận định nhằm xoa dịu cơn giận dữ đến từ chính quyền Trung Quốc.
Hồi tháng 5-2010, Google tuyên bố đóng cửa tên miền Google.cn, vốn chịu sự kiểm duyệt nội dung dựa theo các điều luật của chính phủ Trung Quốc, đồng thời chuyển mọi truy cập đến hệ thống máy chủ đặt tại đặc khu Hồng Kông, vốn không chịu ảnh hưởng của những quy định về kiểm duyệt. Khi đó, phía công ty cũng công nhận đó là một hành động nhạy cảm và họ cũng đã tính đến chuyện hướng truy cập đến đặc khu có thể bị phía chính quyền chặn bất cứ lúc nào.
Điều đó đã không xảy ra, nhưng rõ ràng đây là một bước đi không làm hài lòng giới cầm cân nảy mực tại Bắc Kinh.
“Có thể thấy rõ từ những cuộc tiếp xúc của chúng tôi với chính quyền Trung Quốc, rằng quyết định chuyển hướng trang web là không thể chấp nhận đối với họ -- và nếu chúng tôi cứ tiếp tục thực hiện chính sách này thì việc xin gia hạn giấy phép cung cấp thông tin trực tuyến (Internet Content Provider - ICP) sẽ là bất khả thi” - ông David Drummond, chuyên viên pháp lý của Google, phát biểu trên trang blog chính thức của công ty. Giấy phép ICP của Google chính thức hết hạn vào thứ Tư 30-6.
“Không có giấy phép ICP thì chúng tôi không thể duy trì một trang web thương mại như Google.cn - và nếu điều đó xảy ra mọi thứ sẽ gần như là dấu chấm hết cho tương lai của Google tại Trung Hoa” - ông nói thêm.
Trong nỗ lực làm lành với "chủ nhà", Google sẽ chấm dứt chuyển vùng từ Google.cn sang Google.com.hk. Thay vào đó, trang web Google.cn giờ đây xuất hiện một thông báo mang nội dung “Chúng tôi đã chuyển đến Google.com.hk. Xin mời ghé thăm trang web mới của chúng tôi”. Việc chuyển hướng chỉ được thực hiện khi người dùng quyết định nhấp chuột vào logo Google hoặc dòng thông báo.
“Lộ trình mới sẽ giúp chúng tôi giữ vững cam kết về việc đảm bảo nội dung mà vẫn không phá vỡ các quy định của nước sở tại. Chúng tôi rất hy vọng sẽ gia hạn được giấy phép để tiếp tục cung cấp dịch vụ của mình thông qua Google.cn” - ông David Drummond viết.
Phân tích của giới quan sát
Chuyên gia phân tích Rob Enderle của trang web Enderle Group nói rằng vụ việc đã cho thấy những lãnh đạo của Google thật sự không còn lựa chọn nào khác nếu muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Vấn đề của Google là đã giành lấy một vị trí mà bản thân họ không duy trì nổi. Nếu muốn làm ăn thì bạn không được chống lại chính quyền, trong việc này Google chỉ có một con đường: Đầu hàng hoặc ra đi. Họ đã chọn giải pháp thứ nhất".
Biên tập viên Sam Diaz của trang công nghệ ZDNet tỏ ra bi quan hơn khi cho rằng ngay cả khi Google đã cố gắng cứu vãn tình thế bằng hành vi thiện chí của mình, thì vẫn không có gì đảm bảo chính quyền sở tại sẽ đồng ý gia hạn cho giấy phép kinh doanh của công ty này.
Lộ trình mới cho Google
Cần nhắc lại rằng trang web tìm kiếm trực tuyến Google.cn mới chính là tâm điểm chính của toàn bộ vụ căng thẳng giữa tập đoàn tư nhân Hoa Kỳ với chính quyền Trung Quốc. Những dịch vụ khác của Google, vốn không đòi hỏi sàng lọc nội dung như bản đồ trực tuyến, bộ dịch ngôn ngữ hay công cụ tải nhạc mp3, vẫn hoạt động bình thường.
Bên cạnh đó Google vẫn phải đối mặt với sự không chắc chắn liên quan đến các quy định của chính quyền sở tại bởi sự tăng trưởng quá mạnh của dịch vụ bản đồ trực tuyến do chính công ty này cung cấp. Theo một quy định mới ban hành tháng Năm vừa qua, các doanh nghiệp cần phải có một giấy phép cấp bởi Cục thống kê và đo lường Trung Quốc nếu muốn tiếp tục được cung cấp dịch vụ định vị bản đồ trên mạng. Và nỗ lực của Google trong việc tìm kiếm “tờ giấy” này đã đi đến đâu thì người ra vẫn chưa rõ.
Thiện chí trong việc ngừng thay đổi việc chuyển hướng dịch vụ của Google có vẻ như vẫn chưa đến được tai giới cầm quyền Trung Quốc. Phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương, phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 29-6 rằng ông chưa được thông báo về chính sách mới của Google, vì thế ông không thể bình luận một cách trực tiếp về chuyện này.
“Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, rằng chính phủ Trung Quốc luôn chào đón và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư (tại Trung Quốc), miễn là họ chấp hành đầy đủ luật pháp. Việc cung cấp các dịch vụ trực tuyến cũng không ngoại lệ, chúng tôi có những quy định và chính sách để kiểm soát lĩnh vực này” - ông Cương nói.
Theo như số liệu từ Analysys International, thị phần của Google tại đại lục đã giảm từ 35.6% trong ba tháng cuối năm 2009 xuống còn 31% trong quý một của năm 2010. Người hưởng lợi nhiều nhất trong chuyện này chính là Baidu, đối thủ chủ yếu của Google tại Trung Quốc.
Tìm kiếm sự cân bằng giữa quyền tự do trong việc tiếp cận các nguồn thông tin với việc tuân thủ luật lệ địa phương luôn là thử thách gây đau đầu cho nhiều công ty về Internet tại nhiều quốc gia. Lấy ví dụ tại Thái Lan và Ấn Độ, Google và nhiều doanh nghiệp khác bị buộc phải gỡ bỏ các nội dung được chính quyền sở tại cho là vi phạm luật hoặc không phù hợp. Tại Thái Lan, dịch vụ video trực tuyến Youtube, thuộc sở hữu của Google, đã xóa bỏ những clip có nội dung được xem là xúc phạm đến nhà vua. Tại một số quốc gia châu Âu nơi hình ảnh liên quan đến Đức quốc xã là bất hợp pháp, Google cũng phải chặn những thông tin mang nội dung tương tự.
Nhưng để làm vừa lòng Bắc Kinh cũng như những đòi hỏi về kiểm duyệt nội dung thông tin của họ luôn tạo ra áp lực đặc biệt đối với Google. Vào tháng 1-2010, các máy chủ của Google tại Trung Quốc đã hứng chịu một đợt tấn công có quy mô lớn chưa từng có, mà theo công ty là nhằm theo dõi các tài khoản e-mail của những nhân vật chống đối chế độ, đây chính là nguồn cơn chủ yếu chính dẫn đến việc chuyển hướng trang web của Google.
Theo TuoiTre