Thực ra, trong quá khứ hãng phần mềm lớn nhất thế giới này cũng đã nhiều lần “làm việc” với các đối tác, đại lý quảng cáo về vấn đề quảng cáo có chứa những đoạn mã gây hại đến hệ thống của hãng hoặc máy tính của người dùng.
Thời gian gần đây, nguy cơ này đã biến tướng thêm sang một hình thức mới: quảng cáo có chứa những đường link dẫn đến các trang web giả mạo hoặc có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin người dùng.
Sự biến tướng này đã buộc Microsoft phải mạnh tay hơn nữa và việc họ quyết định đệ đơn kiện chính đối tác hoặc đại lý quảng cáo của mình là một ví dụ.
"Việc chúng tôi đệ đơn lên tòa án tối cao tại hạt King (Seattle) đã cho thấy Microsoft đã và đang tiếp tục bảo vệ người dùng trước những quảng cáo tưởng chừng như vô hại nhưng lại chứa mã độc”, Tim Cranton – Giám đốc pháp lý của Microsoft viết trên blog của mình.
Tuy vậy, trong đơn kiện Microsoft lại không nêu đích danh đối tác nào phải chịu trách nhiệm về những quảng cáo này.
"Mặc dù không biết cụ thể và chính xác cá nhân hay tổ chức nào đứng sau những hành động này nhưng chúng tôi muốn thông qua đơn kiện của mình để “lột mặt nạ” những kẻ phải chịu trách nhiệm và ngăn chặn tình trạng này tái diễn", Cranton nói.
Hồi tuần trước, tờ New York Times cũng đã phải gửi đến độc giả của mình cảnh báo rằng một banner quảng cáo trên website của họ có thể dẫn người đọc đến một trang web chứa virus và lừa đảo họ bằng việc dọa máy tính nhiễm virus rồi khuyên họ nên mua phần mềm diệt virus giả.
Microsoft ví những đơn kiện của họ giống như những cuộc chiến pháp lý trước đó nhằm chống lại nạn click chuột gian lận hay gửi thư rác.
"Đây là một việc rất quan trọng bởi quảng cáo trực tuyến đang là nguồn sống gần như duy nhất của môi trường mạng Internet" Cranton nói, "Windows Live, Facebook, Yahoo và MSN cũng đang sống nhờ nguồn thu này để duy trì dịch vụ miễn phí của mình".
Theo ICTnews/ ZDNet Asia
CÁC TIN KHÁC
|