Rachel Whetstone, phó chủ tịch giao tiếp toàn cầu và quan hệ quốc tế của Google cho biết: “Trung Quốc là ví dụ điển hình nhất, nhưng không phải là duy nhất. Các sản phẩm của Google, từ dịch vụ tìm kiếm và Blogger đến YouTube và Google Docs, đã bị chặn ở 25 trong số 100 nước mà Google đang cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên nhận được yêu cầu từ phía chính phủ về việc hạn chế hoặc gỡ bỏ một số nội dung”. Bà cũng cho biết thêm, Google đã đàm phán để hạn chế phạm vi yêu cầu của chính phủ trong trường hợp các yêu cầu này “quá rộng”.
Hồi đầu năm, Google đã gây ra rất nhiều chú ý khi hãng tuyên bố kế hoạch đóng các phiên bản bị kiểm duyệt của công cụ tìm kiếm tại thị trường Trung Quốc. Sau thất bại trong đàm phán với chính phủ Trung Quốc, Google đã đóng cửa công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt vào hồi tháng Ba và chuyển người sử dụng sang công cụ tìm kiếm ở Hong Kong.
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn có các chương trình hết sức tinh vi được thiết kế nhằm kiểm soát việc truy cập Internet tại đất nước này. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các công ty hoạt động trên lĩnh vực Internet phải chặn hoặc gỡ bỏ các nội dung phản động, bao gồm các nội dung khiêu dâm cũng như các thông tin liên quan đến nhân quyền và một số chủ đề khác.
Nhưng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất muốn kiểm duyệt các nội dung trên Internet. Sau khi các bài kiểm tra cho thấy việc ngăn chặn truy cập đến các trang web đen không làm giảm tốc độ truy cập, Australia đang lên kế hoạch khóa một số truy cập đến các trang có nội dung lạm dụng tình dục trẻ em và có chứa các thông tin được sử dụng để phạm tội.
Những người phản đối kế hoạch trên của Australia cho rằng danh sách các trang bị khóa có bao gồm cả các đường link dẫn đến các nội dung không bị kiểm duyệt. Hơn nữa, người sử dụng vẫn có thể truy cập vào các trang này giống với tình trạng người sử dụng tại Trung Quốc có khả năng bẻ khóa được các kiểm duyệt tại đất nước này.
Theo QuanTriMang