Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Những đốt sống tạo thành cột sống ở sau lưng được chêm bởi những đĩa nhỏ gọi là đĩa đệm có tác dụng như một miếng đệm giữa hai đốt sống. Khi bị chấn thương hoặc do tiến trình thoái hóa tự nhiên, đĩa đệm bị trượt ra ngoài chèn ép vào các rễ thần kinh cột sống và gây đau
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm rất đa dạng. Thứ nhất là do các chấn thương cột sống. Thứ hai là do tư thế xấu trong lao động. Tuổi tác và các bệnh lý cột sống bẩm sinh hay mắc phải như gai đôi cột sống, gù vẹo, thoái hóa cột sống cũng là các yếu tố thuận lợi gây bệnh.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống. Hơn 90% thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cột sống thắt lưng.
Thoát vị đĩa đệm nếu không điều trị có thể khiến người bệnh bị tàn phế suốt đời do bị liệt, có thể bị chứng đại tiểu tiện không tự chủ...
Dấu hiệu nhận biết
Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể có các triệu chứng đặc trưng. Đau cột sống và đau rễ thần kinh là các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh. Phần lớn thoát vị đĩa đệm là ở vùng thắt lưng. Triệu chứng điển hình gồm đau vùng thắt lưng, đau và tê lan xuống mông, đùi và cẳng chân đến mặt lòng bàn chân đến ngón út mặt lưng bàn chân đến ngón cái. Hoặc đôi khi triệu chứng không điển hình như chỉ tê hoặc mỏi ở cẳng chân, đùi hay đau ở vùng bẹn. Trong một số trường hợp nặng có thể bị yếu liệt chân, teo cơ hoặc rối loạn tiêu tiểu
Hình ảnh thoát vị đĩa đệm. Ảnh: T.L
Điều trị thoát vị đĩa đệm thế nào?
Hiện nay, điều trị thoát vị đĩa đệm bao gồm điều trị bảo tồn và các phẫu thuật can thiệp. Điều trị bảo tồn bao gồm: nằm nghỉ, dùng thuốc giảm đau, kháng viêm không steroide (NSAIDS), vật lý trị liệu... Khi điều trị bảo tồn không đáp ứng - từ 6 tuần đến 6 tháng - có thể thực hiện các phẫu thuật can thiệp.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, cũng như xu hướng can thiệp tối thiểu bảo tồn cấu trúc giải phẫu học bình thường, hiện nay phương pháp phẫu thuật nội soi cột sống lấy nhân thoát vị là một hướng đi mới với nhiều hứa hẹn. Ưu điểm của phương pháp này là không có sự can thiệp nhiều đến cơ, xương khớp hoặc lôi kéo thần kinh ở cổ, những nguy cơ của hàm xương, không có nguy cơ để lại sẹo sau mổ của thần kinh. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân vẫn còn khoảng 98% chiều cao của đĩa đệm. Quá trình diễn biến sau phẫu thuật bệnh nhân cảm thấy giảm đau ngay tức thì, có thể đi lại được trong ngày và có thể tập vật lý trị liệu ở nhà. Hầu hết bệnh nhân được vận động bình thường có thể bắt đầu lại trong vòng 1 đến 6 tuần sau phẫu thuật.
Theo SKDS
CÁC TIN KHÁC
|