IP:3.133.140.88

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Khalaf Al Habtoor, tỷ phú hàng đầu của UAE
23/06/2010 03:00 PM

Ở tuổi 57, Khalaf Al Habtoor hiện là một trong những doanh nhân giàu có nhất của UAE. Bằng nỗ lực làm việc, khôn ngoan trong nắm bắt cơ hội và giỏi trong việc thiết lập các mối quan hệ, ông đã kiếm được khối tài sản khoảng 2,5 tỷ USD.

Sự giàu có của ông có được nhờ cơ cấu chuyển dịch Dubai từ một thành phố cảng nhỏ bé trở thành một trung tâm thương mại trù phú. Quá trình này đã giúp Tập đoàn Al Habtoor lập được những cột mốc lớn trên con đường kinh doanh. Tập đoàn này đang sở hữu và điều hành 4 khách sạn lớn nhất Dubai, ngoài ra, Al Habtoor còn là đại lý bán hàng của các nhãn hiệu xe hơi đẳng cấp cao nhất thế giới.

Xây dựng sự nghiệp từ những mối quan hệ

Habtoor còn có mạng lưới đến những nước lớn như Anh quốc, tại đây Khalaf đã từng mua Khách sạn Đảo khỉ ở giữa sông Thames. Công ty này cũng kiếm được bộn tiền nhờ một lợi thế lớn là nhân công giá rẻ và chính sách miễn thuế của Dubai.

Nhưng tham vọng của tỷ phú này không chỉ dừng lại ở việc kiếm được nhiều tiền và trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Habtoor là người phát ngôn “tự phong” cho những gì ông gọi là bản sắc Ả-rập: “Nhiệm vụ của tôi là cho thế giới thấy được văn hóa và lịch sử của nước tôi”. Vì vậy, ông cũng đánh giá cao các di sản văn hóa của nước mình.

Khalaf là con của một lái buôn ngọc trai nghèo ở Dubai. Ông lái buôn này đã tận dụng cơ hội đi dự tiệc của hoàng gia để giới thiệu cậu con trai mình với các quan chức chính quyền. Nhờ đó, Habtoor kết bạn được với rất nhiều con cái của các quan chức, cao cấp.

Khi còn ở tuổi thanh niên, Habtoor thường lượn lờ ở khu nhà của quan chức vào dịp cuối tuần, đi biển và đua lạc đà trên sa mạc với con cái các vị này.

Lúc 15 tuổi, Khalaf làm việc bán thời gian tại công ty xây dựng Abu Dhabi. Chỉ vài năm sau, rất táo bạo, Khalaf đã tự mở công ty riêng của mình, Habtoor Engineering Enterprises, xây dựng nhà hát và nhiều nhà ở tại Dubai.

Ngay từ những năm đầu tiên đấy, Khalaf nhận ra rằng Dubai, một cảng biển nhỏ, yên bình trong giấc ngủ trên vịnh Persique sắp sửa thức giấc và chuẩn bị cất cánh. Ngay sau khi Khalaf thành lập công ty một năm, Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất được thành lập, nối liền Dubai với thành phố láng giềng giàu có về giàu mỏ Abu Dhabi.

Cũng tại thời điểm đó, giới lãnh đạo nắm quyền tại Dubai muốn đưa một nhân vật rất có tầm nhìn lên vị trí lãnh đạo để thúc đẩy Dubai thành một thành phố hiện đại và tầm cỡ quốc tế.

Cơ hội đã đến, Dubai trở thành một thành phố bùng nổ về giao thương quốc tế, Tập đoàn Al Habtoor trở thành người đầu tiên đón được những cơ hội phát triển của thành phố này.

Tập đoàn này đã giành được rất nhiều dự án xây dựng lớn tại nước này. Khalaf cũng nắm bắt thêm được nhiều cơ hội hơn, ông tăng cường đầu tư, làm gia tăng lợi nhuận của công ty, phát triển thương hiệu Al Habtoor trở thành một đế chế kinh doanh đa dạng.

Ngày nay, tập đoàn này được đánh giá là một trong những công ty thành công nhất của UAE.

Tuy nhiên, sự thành công mà Khalaf đạt được cũng không dễ dàng, ông đã phải cố gắng thiết lập mối quan hệ thân thích với các quan chức địa phương, liên tục tham gia những buổi tiệc để tìm kiếm đối tác. Ông luôn phải cạnh tranh với các đối thủ ở khắp thế giới.

Hợp đồng xây dựng lớn đầu tiên mà công ty Habtoor trúng thầu là bệnh viện quốc gia, được mở thầu năm 1977 và công ty này đã trúng thầu. Nhiều ngày sau đấy, ông vẫn còn ngạc nhiên với tin đồn là công việc này đã được chuyển cho một người khác. Bực mình, Khalaf quyết tìm bằng được câu trả lời. Và sự thật là, đấy chỉ là tin đồn, hợp đồng xây bệnh viện đã được dành cho Habtoor Engineering.

Dự án này là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Khalaf. Habtoor Engineering hoàn thành công trình này chỉ mất 30 tháng thay vì 36 tháng. Nhờ đó, Khalaf được thưởng một món quà là những hợp đồng xây dựng 3 bệnh viện cùng lúc.

Ngoài ra, Khalaf còn được tặng một mảnh đất rộng 20 mẫu Anh ở khu ngoại ô Dubai, và tại đây ông đã xây dựng khách sạn 4 sao đầu tiên của thành phố. Ngày nay, khu vực này đang ở vị trí trung tâm của khu thương mại sầm uất nhất Dubai.

Đến nay, Habtoor đã đảm đương hơn 34 công trình xây dựng của chính phủ nước này.

Nguyên tắc lắng nghe

Khi con trai thứ của Khalaf là Mohammed Al Habtoor từ Mỹ trở về quê hương vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, với tấm bằng cử nhân quản lý khách sạn trong tay, Mohammed nghĩ ngay đến việc đặt chân vào thế giới thượng lưu với hy vọng sẽ được bố cho nắm giữ một vị trí quan trọng trong công ty.

Vào thời điểm đấy, Công ty Habtoor mới sở hữu khách sạn đầu tiên, khách sạn Metropolitan trên đường Sheikh Zayed, và con trai của người sáng lập và chủ tịch tập đoàn này mong muốn đi thẳng đến vị trí quản lý.

“Tôi đã nghĩ là tôi sẽ quay lại văn phòng lớn với 10 thư ký” Mohammed Habtoor nhớ lại. Nhưng sự thực lại khá khác biệt. Ngày đầu tiên bắt đầu công việc, bố Habtoor đã đưa cho cậu con trai mình một chiếc tạp dề và bảo cậu hãy đi làm việc của một người tạp vụ. Công việc sau đấy của ông lại là nhân viên khuân vác. Kể cả khi cậu trẻ Mohammed được chuyển lên vị trí quản lý cũng không phải là một bước chuyển dễ dàng.

“Bố tôi đã hai lần sa thải tôi, cả hai lần đều vì tôi thực hiện những quyết định tồi mà không hỏi ý kiến tư vấn của ông và các nhà quản lý khác”, Mohammed thú nhận.

Ngày nay, Mohammed Al Habtoor đã là tổng giám đốc của tập đoàn xây dựng hàng đầu ở UAE, Tập đoàn Al Habtoor. Phạm vi hoạt động của công ty này trải rộng khắp thế giới, một mạng lưới khách sạn quốc tế ở Dubai, Lebanon và Anh quốc, thường xuyên có khoảng 8 dự án bất động sản lớn đang triển khai, chủ thầu của một trong những trường học lớn nhất ở Dubai.

Đấy là một tổ chức có quy mô lớn, hoạt động đa dạng và đang phát triển nhanh chóng, nhưng Mohammed nói rằng, những bài học cơ bản nhất được bố truyền dạy trong những năm đầu tiên chập chững vào nghề là yếu tố quyết định sự thành công của anh hiện nay.

“Tôi đã không học những điều lớn lao, đặc biệt là tham khảo ý kiến mọi người. Tôi có thể thích lắp một cửa sổ bằng vàng cho một tòa nhà, nhưng nếu 4 người quản lý khác nói cửa bằng bạc tốt hơn, thì tôi sẽ chuyển sang cửa sổ bằng bạc. Cần phải lắng nghe mọi người” Mohammed nói.

Triết lý đấy được chuyển đến cả những nhân viên cấp dưới, đến cả nhân viên tạp vụ, người khuân vác, đặc biệt khi đào tạo nghề cho nhân viên thử việc.

“Tôi đến thăm chỗ ở của nhân viên và nói với họ, nếu tôi bước vào phòng mà làm cho các bạn cảm thấy sợ và e dè thì có gì tốt chứ? Tôi không muốn họ nói với tôi những câu chuyện hoàn hảo, những mặt ưu trong công việc của họ, vì vậy, tôi trò chuyện với họ rất thân thiện. Tôi muốn họ nói với tôi những chuyện gì không ổn” Mohammed chia sẻ về bí quyết làm việc hiệu quả với các nhân viên.

“Đây là những người ở tuyến trước. Trong một khách sạn, những người này đón tiếp khách. Tôi muốn họ cảm thấy họ cũng có quyền lực. Tôi không muốn họ cảm thấy họ ở vị trí thấp hơn khách. Tại châu Âu, nếu bạn nói chuyện với một nhân viên bồi bàn, bạn sẽ không có cảm giác anh ấy ở vị trí thấp hơn bạn, và anh ấy cũng không cảm thấy đang ở vị trí thấp hơn bạn. Đấy là điều tôi muốn trong những khách sạn của mình”, Mohammed trả lời phỏng vấn trên truyền hình UAE.

Công việc, sự nghiệp và sự thành công của Mohammed ngày nay được vun đắp từ người bố Khalaf Al Habtoor. Ông là người đã sáng lập Tập đoàn Al Habtoor năm 1970. Ông đã làm việc với một công ty xây dựng trong nước nhưng công ty này vẫn không tìm được chỗ đứng trên thị trường, vì vậy, ông đã rời bỏ công việc làm công ăn lương để lập ra công ty riêng của mình Al Habtoor Engineering Ltd.

Đây là một công ty gia đình rất kín kẽ, trong nhiều năm liền, người ta không biết tổng tài sản của công ty này là bao nhiêu, nhưng những ước tính độc lập xác định rằng, công ty này có giá trị nhiều tỷ đô la Mỹ. Khalaf vẫn là chủ tịch của tập đoàn, nhưng điều hành công việc hàng ngày là cậu con trai Mohammed đang ở ghế tổng giám đốc tập đoàn.

Mối quan hệ gia đình chặt chẽ này có gây khó khăn gì cho ông tổng giám đốc trong việc điều hành công ty không? Mohammed tin rằng, nhờ có sự kèm cặp và giám sát chặt chẽ của bố, cùng với một phần sở hữu công ty, ông chủ xây dựng của vùng vịnh này mới có thể điều hành kinh doanh tài sản của gia đình ông.

“Bố tôi là chủ tịch, tôi nghĩ điều này cũng tạo điều kiện cho tôi hơn. Tôi có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng hơn mà người ngoài có thể không làm được như thế. Bố tôi cũng yêu cầu phải hỏi ý kiến của các cổ đông khác, và chờ đợi sự đồng ý. Tôi có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, đấy là điều quan trọng”, Mohammed nói.

Anh nhớ lại một cuộc họp gần đây nhất: “Chỉ cách đây vài ngày, tôi đã có cuộc thảo luận với các giám đốc quản lý về một khách sạn chúng tôi đang xây ở Lebanon. Chúng tôi nói về màu sắc của các cánh cửa vào khách sạn. Chúng tôi thống nhất màu trắng. Một số người khác cho biết họ sẽ lấy một vài mẫu cửa để chúng tôi có thể xem lại và đưa ra quyết định vào cuối tuần tới. Tôi bảo không, như thế là quá lâu, tôi đã lấy một mẫu cửa chúng tôi có và nói - Đây, hãy dùng cái này”.

“Một tuần là một thời gian dài trong các khách sạn. Nếu kéo dài thời gian chưa mở cửa khách sạn thêm một tuần, bạn có thể mất hàng trăm nghìn USD. Rõ ràng là, đưa ra quyết định nhanh là một trong những thuận lợi chính có được nhờ vào sở hữu gia đình”, Mohammed nói.

Mặc dù vậy, ông cũng khẳng định niềm tin rằng, các công ty gia đình ở vùng vịnh nên cải tổ cơ cấu sở hữu bằng cách bán ra một tỷ lệ đáng kể cổ phần của công ty thông qua thị trường chứng khoán trong nước.

“Chúng ta phải lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra khi người sáng lập và cũng là ông chủ tịch hiện nay qua đời”, Mohammed giải thích “Có thể có sự tranh chấp giữa con cháu, và kết quả là doanh nghiệp sẽ tiêu vong. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra, vì vậy, để công việc kinh doanh tiếp tục được duy trì, tốt nhất nên trở thành công ty đại chúng, cần có hội đồng quản trị và mọi thứ đều đòi hỏi phải minh bạch”, Mohammed trình bày tại cuộc họp đề xuất ý tưởng thay đổi cơ cấu sở hữu của công ty.

Tuy nhiên, trở thành công ty đại chúng không phải là một bước chuyển đổi dễ dàng, đặc biệt đối với các công ty gia đình trị. Công ty này đã tính đến chuyện niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn chưa vượt qua được những rào cản về điều kiện lên sàn.

Theo VnEconomy




CÁC TIN KHÁC

• Michael Dell: Tỉ phú không bằng cấp (27/05/2010)
• Cơ hội nhỏ nhất (10/05/2010)
• Con đường riêng của nữ Hiệu trưởng trường Harvard (21/04/2010)
• “Trứng nhà quê chọi đá thành phố” (17/04/2010)
• “Cha đẻ” của máy tính cá nhân mất ở tuổi 68 (05/04/2010)
• Bill Gross – Một ngày làm nên lịch sử (27/03/2010)
• Yoshikazu Tanaka, tỷ phú công nghệ trẻ nhất Nhật Bản (24/03/2010)
• Giám đốc Điều hành COO Sheryl Sandberg của Facebook: “Đừng rút lui quá sớm!” (11/03/2010)
• Marissa Mayer - Người phụ nữ số 1 tại Google (09/03/2010)
• Bí mật diễn thuyết của Steve Jobs (08/03/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd