Mặc dù mức độ phổ biến gần như trên phạm vi toàn cầu đã từng đưa công ty này lên địa vị nhà sản xuất điện thoại di động số một thế giới, nhưng sóng đã đổi chiều, Nokia hiện đang vật lộn để đuổi theo những cách tân liên tiếp mà Apple và một số những nhà sản xuất điện thoại chạy hệ điều hành Android khác.
Thị phần của Nokia đã giảm xuống còn 35% trong năm nay, theo một số liệu của IDC, giảm xuống từ 48% năm 2006 - là thời điểm trước khi Apple trình làng iPhone. Nhưng những con số đó rõ ràng là khả quan hơn rất nhiều so với những gì họ đã làm được ở thị trường Mỹ. Điện thoại của Nokia chỉ chiếm lĩnh được 7,8% thị trường điện thoại di động ở Mỹ, theo số liệu của comScore, thấp hơn rất nhiều so với những đối thủ khác là Samsung, LG và Motorola.
Thị phần tụt dốc không phanh cũng như sự thiếu vắng những chiến lược của Nokia tại Mỹ đã làm mất đi niềm tin ở các nhà đầu tư, giá cổ phiếu của Nokia đã giảm tới 75% kể từ khi đạt đỉnh vào mùa thu năm 2007.
Những nhân tố trên đã tạo nên sự khủng hoảng niềm tin vào nhà sản xuất điện thoại Phần Lan. Ít ngày trước khi công bố dòng điện thoại thông minh mới của hãng, Nokia tuần trước đã quyết định sẽ bãi nhiệm tổng giám đốc điều hành (CEO) của hãng và công bố thay thế người đứng đầu khu vực Bắc Mỹ bằng Stephen Elop, một người từng gắn bó lâu năm với Microsoft.
Dan Hays, một thành viên của công ty tư vấn PRTM nhận xét: “Việc bổ nhiệm một lãnh đạo từ một công ty Mỹ lên vị trí CEO tại Nokia là dấu hiệu tốt cho thấy công ty này đang tập trung trở lại vào thị trường Mỹ. Một trong những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết đối với Nokia chính là thị trường này”.
Cũng theo Hays, nước Mỹ là địa bàn mà Nokia đã có truyền thống không thể hoạt động một cách êm thấm. Không giống như những nhà mạng không dây ở nước khác, những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở đây thích can thiệp vào thiết kế và chức năng của những thiết bị được sử dụng trên hạ tầng mạng của họ. Các nhà sản xuất thiết bị khác sẵn lòng hợp tác, nhưng Nokia lại có phần kiên định và cố gắng giữ sự kiểm soát hoàn toàn đối với cả phần mềm và phần cứng của các điện thoại mà họ sản xuất.
Một số nhà phân tích khác vẫn tỏ ra hoài nghi về những thay đổi, cho dù hãng điện thoại Phần Lan đã có bộ máy lãnh đạo mới. Ramon Lamas, chuyên gia phân tích của IDC nhận xét: “Chúng tôi thường xuyên nghe Nokia nói rằng ‘thị trường Mỹ là rất quan trọng đối với chúng tôi và chúng tôi đang điều chỉnh các chiến lược’. Nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả. Việc bổ nhiệm Elop không hoàn toàn đồng nghĩa với việc sẽ có một chiến lược mới ở thị trường Bắc Mỹ”.
Tuy nhiên, sự thay máu đồng nghĩa với việc Nokia đang tham gia vào một cuộc chơi bình đẳng. Hiện đang phải vật lộn trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, Nokia cần phải có những nhìn nhận đúng đắn về mỗi chiến lược và danh mục sản phẩm của mình. Việc thay đổi nhân sự cao cấp có thể sẽ mở ra một trang mới cho cuộc chơi của Nokia trên đất Mỹ, và có thể là hãng này sẽ từ bỏ những hệ điều hành vốn là độc quyền của Nokia gồm Symbian và MeeGo để tới với Android của Google.
Android có một số những lợi thế, không chỉ được cấp phép miễn phí cho mọi nhà sản xuất. Nokia đã tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển nâng cấp phần mềm Symbian, và họ đã khởi động một thỏa thuận hợp tác ‘đình đám’ với Intel để xây dựng một hệ điều hành riêng thứ hai có tên gọi MeeGo cho các dòng điện thoại cao cấp tiếp theo.
Nếu sử dụng hệ điều hành Android của Google, Nokia có lẽ cũng sẽ theo bước chân của Motorola, hãng sản xuất điện thoại này cũng đã từng gặp không ít khó khăn khi cố gắng tạo ra một thiết bị để thay thế điện thoại RAZR từng bán rất chạy cho tới khi họ chấp nhận sử dụng hệ điều hành Android cho điện thoại Droid.
Nhưng theo giới phân tích, chuyển qua sử dụng Android gần như là khả năng khó xảy ra đối với Nokia. Hệ điều hành MeeGo chưa được công bố đã nhận được làn sóng ủng hộ của những nhà phát triển phần mềm và sẵn có một nền tảng vững chắc, trong khi Symbian vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của những người sử dụng.
Hơn nữa, việc từ bỏ những phần mềm được ưu tiên sẽ khiến Nokia trở nên lúng túng trong một cuộc đua với nhiều đối thủ đáng gờm. “Nokia là người dẫn đầu thị trường, và vì thế họ không thể làm những gì giống với những người khác đã làm”, Carolina Milanesi, nhà phân tích tại Gartner nhận định. "Nokia đã tiêu quá nhiều tiền và nguồn lực để đưa họ tới vị trí như ngày hôm nay”.
Cho dù đã tốn nhiều nguồn lực cho những chiến lược của mình, nhưng vấn đề cốt yếu nhất mà Nokia phải đối mặt đó là các dòng điện thoại của họ không đạt được sự tuyệt đối. Nokia vẫn ở phía sau các đối thủ của họ về mặt cải tiến và các tính năng mới như là màn hình cảm ứng, các vật liệu nhẹ và thiết kế đẹp. Nếu Nokia đã hài lòng với các dòng điện thoại của họ, thì tại sao họ lại ‘phủ bóng đen’ lên sự kiện ra mắt dòng điện thoại N8 được quảng cáo nhiều trước đó bằng những xáo trộn về mặt nhân sự cấp cao?
Bài học thực tế Nokia nên học từ nước Mỹ, theo giới chuyên môn, là họ cần phải phát triển những điện thoại với chất lượng tốt tích hợp cùng những ứng dụng thú vị. Đó chính là nhân tố căn bản tạo nên thành công cho iPhone và đang mang lại những cú hích ngoạn mục cho làn sóng Android hiện tại.
"Nokia tất nhiên không cần phải bám riết lấy thị trường Bắc Mỹ để sống sót hay phát triển thêm, khi mà sự tăng trưởng thực của họ đang được tạo ra tại những thị trường mới nổi nơi mà Nokia là một thương hiệu mạnh”, Andy Castonguay, nhà phân tích tại Yankee Group nhận xét. “Nhưng nếu họ có thể khai thác thêm một số những cải tiến đang được các nhà phát triển ở Mỹ tạo ra, cùng với một danh mục điện thoại thông minh đình đám với hệ điều hành linh hoạt hơn, Nokia vẫn có thể thay đổi được tình hình”.
Theo ICTNews