Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2009-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2009.
Theo đó, mức học phí của dạy nghề trình độ trung cấp nghề trở xuống là từ 20.000 - 160.000đ/tháng/một học viên; Trung cấp chuyên nghiệp, từ 15.000 - 135.000 đồng/tháng/một học viên.
Tăng học phí cần phải gắn với tăng chất lượng đào tạo
Mức học phí cho sinh viên cao đẳng, cao đẳng nghề từ 40.000 - 200.000 đồng/tháng. Học phí cho sinh viên đại học từ 50.000 - 240.000 đồng/tháng.
Các chương trình đào tạo thạc sỹ sẽ thu học phí từ 75.000 - 270.000 đồng/tháng, trong khi đào tạo tiến sĩ thu từ 100.000 - 300.000 đồng/tháng.
Thủ tướng chỉ đạo, căn cứ vào khung học phí quy định như trên cũng như đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của học sinh, sinh viên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng, từng trình độ đào tạo.
Với khung học phí mới, mức trần học phí đại học đã cao hơn so với mức trần cũ (tồn tại 11 năm) 60.000đ/tháng. Tuy vậy, mức trần này cũng thấp hơn một chút so với mức ban đầu Chính phủ đã trình ra Quốc hội tại kì họp vừa qua (255.000đ/tháng).
Việc điều chỉnh học phí lần này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.
Theo đó, chính sách học phí mới được thực hiện từ năm học 2010-2011. Riêng năm học 2009-2010, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ra khỏi suy giảm kinh tế, việc điều chỉnh tăng trần học phí tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp và đại học công lập (trừ đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp nghề) chỉ thực hiện ở mức thấp mang tính quá độ.
Theo Dantri
CÁC TIN KHÁC
|