IP:3.149.250.65

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Những nhân tố gây hại cho tim
09/09/2009 07:10 AM

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới thì bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa cũng như hạn chế nguy cơ tử vong nếu chúng ta có ý thức phát hiện và điều trị sớm. Bài viết này xin giới thiệu một số yếu tố nguy cơ cần cảnh báo để bạn đọc tham khảo.

Nhiễm khuẩn răng miệng dễ gây hoại tử cơ tim

Gần đây, các chuyên gia y học phát hiện, hoại tử cơ tim có liên quan nhất định tới việc vệ sinh răng miệng kém. Trên lâm sàng, khi kiểm tra toàn bộ cơ thể những bệnh nhân bị hoại tử cơ tim cấp tính, thấy phần lớn các người bệnh đều có các bệnh về răng, miệng, thường gặp nhất là viêm hoặc sưng (có mủ) quanh răng. Qua phân tích thấy rằng, ở vùng răng bị bệnh có rất nhiều khuẩn hình que và liên cầu khuẩn. Các loại khuẩn này nảy sinh ra độc tố và xâm nhập vào máu, tới một mức độ nào đó, chất độc sẽ gây nghẽn mạch và các động mạch nhỏ bị co thắt; nếu động mạch vành của tim bị liên lụy sẽ gây nghẽn mạch làm cơ tim hoại tử. Cơ chế phát sinh bệnh tương đối phức tạp, mà khâu vệ sinh răng miệng kém chỉ là một trong số những nguyên nhân mà thôi.

Ù tai có thể liên quan đến tim

Các nghiên cứu mới nhất gần đây cho thấy, những người trên 55 tuổi mà đột nhiên thấy tai bị ù, thì thường là biểu hiện của bệnh động mạch vành (ĐMV) và tim mạch. Ù tai, thính lực giảm sút hoặc tai điếc thường là một trong những biểu hiện của bệnh xơ vữa động mạch, ĐMV hoặc thiếu máu não tạm thời. Thông thường, sau 6 - 12 tháng kể từ khi có các triệu chứng trên sẽ bị mắc bệnh ĐMV.

Tóc rụng phải đề phòng bệnh tim

Theo tài liệu nước ngoài, đàn ông trong độ tuổi 21 - 55, nếu đỉnh đầu bị hói nặng thì khả năng mắc bệnh tim cao gấp 3 lần so với người bình thường. Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng mối liên quan giữa người hói và bệnh tim có thể là do một lượng hormon nam gây ra. Loại hormon này có thể ảnh hưởng tới hàm lượng cholesterol gây tắc nghẽn trong mạch máu.

Đau vai tay trái cần kiểm tra điện tâm đồ ngay

Hiện tượng đau vai trái có thể do bệnh tim gây ra. Bởi thần kinh cảm giác đau vai và đau tim hầu như cùng đi vào cột sống ở cùng một nơi. Vì vậy, khi tim có vấn đề, thường hay bị nhầm với hiện tượng đau vai, làm thời gian bệnh tim kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, khi vùng vai trái đau kéo dài không khỏi, cần phải đi điện tâm đồ kiểm tra tim ngay.

Người từ tuổi trung niên đau bụng vùng thượng vị cần cảnh giác đau do tim

Đau bụng vùng thượng vị cấp tính thường là biểu hiện đầu tiên của hoại tử cơ tim, hay xuất hiện sau khi ăn no, nhất là sau khi ăn loại thức ăn lượng mỡ cao. Điều này liên quan đến việc sau khi ăn, máu đặc hơn, lưu lượng máu chảy giảm, tiểu cầu dễ tập trung lại gây tắc nghẽn ĐMV và làm trương lực của thần kinh dạ dày, ruột tăng lên. Trong lâm sàng, ngoài đau bụng vùng thượng vị ra, thường kèm theo buồn nôn, nôn oẹ, chướng bụng, đi lỏng, tức ngực, đau ngực, ra nhiều mồ hôi... Triệu chứng ở cơ tim thường bị các triệu chứng ở đường tiêu hoá che lấp, người bệnh thường bị chẩn đoán là đau dạ dày làm lỡ thời cơ điều trị tim mạch, do vậy dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Lời khuyên với những người 45 tuổi trở lên, khi xuất hiện đau bụng trên thì dù họ không có tiền sử bệnh tim, cho điều trị chống co thắt không có hiệu quả thì nên suy nghĩ tới bệnh cơ tim hoại tử, phải cho làm điện tâm đồ ngay để cấp cứu kịp thời.

Viêm khớp ngón tay cần chú ý bảo vệ tim

Các nhà khoa học phát hiện, viêm khớp ngón tay có thể là biểu hiện sớm đối với những người đàn ông chết vì bệnh tim, cũng là một trong những tín hiệu cảnh báo phụ nữ chết sớm. Công trình nghiên cứu này của các nhà khoa học Phần Lan cho rằng, người già và người béo phì mắc viêm khớp nhiều hơn, nhất là người béo phì thì mắc viêm khớp càng nặng hơn. Hiện chưa có cách nào chữa trị tận gốc loại bệnh này, nên phòng bệnh vẫn là hơn cả.

Sau khi gãy xương, cẩn thận phòng mắc bệnh tim 

 Người già sau khi gãy xương dễ bị mắc bệnh tim mạch và là nguyên nhân quan trọng gây tử vong khi diễn biến xấu đi. Đó là do xương gãy gây đau đớn làm thần kinh giao cảm hưng phấn, làm tăng huyết áp, nghiêm trọng hơn có thể gây xuất huyết não. Sau khi phẫu thuật xương gãy, cơ thể rơi vào trạng thái bị kích thích cao độ, trực tiếp tổn hại đến cơ tim làm rối loạn hoạt động của tim. Vì vậy, khi bị gãy xương, cần phải theo dõi huyết áp, nhịp tim.

Cẩn thận khi nửa đêm ho nhiều

Một số người già đêm đột nhiên bị ho nhiều, nhưng do không có triệu chứng gì khác nên dễ bị coi nhẹ. Nhưng thực ra đó chính là một tín hiệu suy kiệt chức năng tim. Lâm sàng gọi đây là "hô hấp khó khăn bột phát". Đó chính là biểu hiện báo trước của bệnh tim, cần phải đi kiểm tra ngay.

Phụ nữ ngủ ngáy cần cảnh giác với bệnh tim

Một báo cáo khoa học của Đại học Harvard - Mỹ cho biết: phụ nữ ngáy ngủ sẽ tăng rủi ro mắc bệnh tim mạch hơn. Những người này kèm theo trạng thái ngủ nằm ngửa, hút thuốc, uống rượu, làm ca đêm nhiều thì nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn người thỉnh thoảng mới ngáy tới 20%.

Nấc liên tục cần đề phòng cơ tim hoại tử

Nấc phần lớn là do dạ dày bị lạnh, viêm dạ dày và cơ hoành cách gây nên, ngoài ra thì trúng phong cũng hay bị nấc. Nhưng cũng có khi nấc lại do hoại tử cơ tim gây ra, nguyên nhân là do cơ tim vách dưới hoại tử kích thích cơ hoành gây ra. Do đó, nếu đột nhiên bị nấc liên tục mà không do các nguyên nhân gây bệnh khác thì phải suy nghĩ tới việc do cơ tim hoại tử gây ra, cần phải làm điện tim và kiểm tra ngay lập tức.

Theo SKĐS




CÁC TIN KHÁC

• Chuẩn tăng trưởng đối với trẻ em tại Việt Nam (08/09/2009)
• Tìm hiểu về bệnh động kinh (07/09/2009)
• Hiểu đúng về virus cúm A/H1N1 (06/09/2009)
• Có thể khám BHYT ngoài giờ hành chính (05/09/2009)
• Bệnh do máy vi tính mà ra (04/09/2009)
• 5 thiết bị y tế nên có trong gia đình (03/09/2009)
• Virus cúm A/H1N1 "không biến thể" (03/09/2009)
• Kinh nghiệm dân gian chữa bệnh Goute (31/08/2009)
• Test xét nghiệm H1N1 sản xuất trong nước (31/08/2009)
• Biến chứng sau nhồi máu cơ tim (28/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd