Tuy nhiên, đứng trước thực trạng kinh tế hiện nay, nhiều người dân lo sợ rằng, mức học phí tăng như vậy sẽ cản trở con đường đến trường của học sinh nghèo. Bởi đi kèm với học phí là các khoản tiền chi cho mua sắm giáo trình, tiền trọ học, ăn uống sinh hoạt đắt đỏ ở các thành phố lớn.
Tăng học phí đang được các trường khối công lập cân nhắc sao cho
sinh viên nghèo vẫn đủ điều kiện theo học.
Tăng chưa đủ để bù chi
Khung học phí mới được áp dụng từ năm học này chỉ có bậc ĐH sẽ đóng học phí cao hay thấp theo ngành học. Còn các bậc học mầm non, THCS và THPT sẽ đóng theo thu nhập của gia đình. Theo đó, các thị xã, thị trấn năm 2008 có thu nhập bình quân đầu người 800.000 đồng một tháng thì học phí mầm non, THCS, THPT là 35.000 đồng. Các hộ ở đồng bằng có thu nhập 650.000 đồng một tháng đóng học phí 17.000 đồng. Còn vùng miền núi thu nhập 400.000 đồng, học sinh không phải đóng học phí và mỗi tháng được hỗ trợ thêm 13.000 đồng mỗi tháng.
Năm học này, mức trần học phí của sinh viên ĐH sẽ là 240.000đ/tháng, cao hơn mức cũ 60.000đ/tháng song vẫn thấp hơn so với đề án ban đầu Chính phủ đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp vừa qua là 255.000đ/tháng. Thủ tướng cũng chỉ đạo, căn cứ vào khung học phí quy định như trên cũng như đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành đào tạo, hình thức đào tạo, hoàn cảnh của HS, SV, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH công lập quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng loại đối tượng, từng trình độ đào tạo.
Từ năm 2010 sinh viên ngành sư phạm không được miễn học phí nhưng được vay tiền để đóng học phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu phục vụ trong hệ thống giáo dục quốc dân ít nhất bằng hai lần thời gian đào tạo thì sinh viên sẽ được xóa phần nợ (cả gốc và lãi) đã chi trả học phí.
Cùng với việc tăng học phí của bậc ĐH, CĐ, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên từ 800.000đ/tháng lên thành 860.000đ/tháng. Đây là lần thứ hai, Chính phủ điều chỉnh mức vay ưu đãi cho học sinh, sinh viên với lãi suất cho vay là 0,5%, thấp hơn cả mức lãi suất cho vay hộ nghèo.
Trường phải cân nhắc để sinh viên nghèo không thiệt...
Đứng trước chủ trương tăng học phí ở các cơ sở giáo dục công lập là tất yếu, nhưng theo những trường ĐH thuộc hàng “top” 1, việc tăng học phí thêm 60.000 đồng không giải quyết được vấn đề nâng cao chất lượng học tập. Đối với các trường thuộc khối kỹ thuật, riêng việc đầu tư tiền cho các phòng thí nghiệm, các khu nuôi trồng, thực hành đã lên tới hàng tỷ đồng. Hơn nữa, việc đầu tư, nâng cấp phải được thực hiện hàng năm nên với mức tăng học phí này chưa thể đáp ứng được nhu cầu.chi dùng cho việc dạy học.
Trong nhiều năm qua, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục dù có nhiều cố gắng cùng với học phí của người học nhưng cũng không đủ chi cho hoạt động của các cơ sở giáo dục. Theo Bộ GD&ĐT, năm 2009-2014, lương giáo viên mầm non tăng từ 2,86 triệu đồng (2009) lên 4,58 triệu đồng một tháng (2014), tiểu học từ 3,6 triệu lên 5,75 triệu đồng, THCS từ 3,1 lên 5 triệu đồng, THPT từ 4,2 lên 6,7 triệu đồng, TCCN và trung cấp nghề từ 4,26 lên 6,8 triệu đồng, giảng viên đại học, cao đẳng từ gần 4,5 triệu lên 7,1 triệu đồng.
Kinh phí dành chi lương và các khoản có tính chất lương chiếm 85- 90% đối với phổ thông và chiếm phần lớn đối với khối đào tạo nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tăng học phí cũng khiến các trường đau đầu khi cân nhắc việc tăng cho từng ngành học bởi phần lớn sinh viên của các trường chủ yếu thuộc khu vực nông thôn. Tăng như thế nào để đủ chi dùng mà vẫn đảm bảo cho sinh viên nghèo nhất có thể theo học được.
Hiện tại, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường học theo hệ tín chỉ nhưng học phí vẫn tính theo niên chế. Vì vậy, việc tăng học phí sẽ được tính toán như thế nào ở các trường có hệ đào tạo tín chỉ này. Bởi nếu chia học phí theo học kỳ hay chia đều cho các môn đều không khả thi.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, khi tính toán mức học phí cho các bậc học, Bộ cũng đã cân nhắc để người học có thể đóng học phí theo khả năng chi trả của gia đình, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đảm bảo sự công bằng về cơ hội học tập cho mọi người dân.
Ông Ngữ cho biết, bên cạnh chính sách miễn giảm học phí, Nhà nước còn có chính sách cấp học bổng hỗ trợ học tập, cho người học. Song song với đó là việc nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên để đảm bảo sinh viên nghèo vẫn có đủ điều kiện đến trường. Trong năm 2009, Chính phủ dành 8.000 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn học tập.
… Và gánh nặng của sinh viên nghèo
Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, nếu năm học 2005-2006, mức học phí tại các trường ngoài công lập phổ biến là 350.000 - 400.000 đồng/tháng thì đến năm học 2008-2009, hầu hết các trường đã tăng lên 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng. Và sau khi có quyết định điều chỉnh mức học phí của Chính phủ, nhiều trường ĐH dân lập đã quyết định tăng học phí. Theo đó, trường có mức học phí thấp nhất là từ 500.000 đồng - 790.000 đồng/tháng; trường có mức học phí cao nhất từ 1.000.000 đồng – 1.600.000 đồng/tháng.
Với mức học phí của khối trường ngoài công lập cao như vậy, nhiều học sinh nghèo ở nông thôn đã từ bỏ con đường thi vào các trường này dù biết thi sẽ đỗ nhưng đỗ rồi lấy tiền đâu mà học.
Đối với học sinh nghèo ở các vùng quê về thành phố trọ học, các khoản tiền mà gia đình phải gom góp dành cho cậu cử, cô cử khi nhập học thật lớn. Chỉ tính riêng học phí ở các trường công lập với mức thấp nhất là 40.000 đồng, mức cao nhất là 240.000 đồng/tháng, nửa năm tiền học đã chiếm của gia đình từ 200.000 – 1.200.000 đồng. Bên cạnh đó là tiền thuê nhà trọ, tiền ăn ở sinh hoạt cùng tiền sách bút, giáo trình chiếm tới 500.000 – 1.000.000 đồng/tháng. Đối với gia đình làm nông thuần tuý, có một đứa con đang ăn học, khoản tiền này quả là lớn.
Theo VnExpress
CÁC TIN KHÁC
|