IP:18.219.231.197

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Trò hư là lỗi của thầy?
12/10/2009 08:49 PM

Năm 2008, trong một lần về quê, tôi tình cờ được nghe kể chuyện một cậu học trò đã đâm thầy giáo ngay trong lớp học của mình. Ngôi trường này là trường cũ của tôi. Tin này làm tôi không thể tin được.

Đọc trên báo đưa tin vỏn vẹn vài dòng là cậu học trò này học yếu, hay bị thầy nhắc nhở nên đem lòng thù hận.

Thế nhưng chuyện của mọi người kể cho nhau nghe về chuyện trò ra tay hại thầy lại là một câu chuyện khác. Người thầy này nổi tiếng là người ép học sinh về nhà để thầy dạy thêm. Đứa học trò đâm thầy nằm trong số học trò bỏ dở lớp học thêm nửa chừng vì nhà nghèo, không có tiền theo học.

Sau đó, vô lớp thầy cứ kêu trò nọ lên trả bài hoài. Hôm xảy ra sự việc sau khi kêu lên trả bài, học trò ngắt ngứ thì được thầy la cho cái tội dốt mà không chịu học bài, “kiểu này mai mốt chỉ có nước đi làm thợ hồ mà thôi” (cha của em này làm thợ hồ). Sự việc tiếp diễn ngay sau đó trước sự chứng kiến của cả lớp.

Sau khi sự việc xảy ra rất nhiều học sinh cũ đã lên blog, diễn đàn tố thầy về chuyện cũ. Chuyện như nhà thầy có bán sữa chua, mỗi học sinh đi học phải ủng hộ một hũ trong buổi đó. Chán cảnh bị làm đẹp da một cách bắt buộc, có trò xin thầy cho "quất" luôn 10 lần 10 hũ để 10 bữa học sau khỏi phải ăn sữa chua. Thầy vui vẻ trước quyết định của trò.... 

 Cũng ở một miền quê trong tỉnh nọ, đã xảy ra một vụ thầy giáo xâm phậm thân thể học sinh, nghe mà kinh hoàng. Trong giờ dạy đám trò nhỏ của mình, thầy bắt cả đám học sinh úp mặt xuống bàn, ép một học sinh nữ sờ bộ phận sinh dục của mình, còn một học sinh nữ khác canh các bạn úp mặt xuống. Sau một hồi cả hai đổi vị trí cho nhau. Chuyện vỡ lở, thầy giáo chỉ bị khiển trách vì thầy phủ nhận và công an không tìm ra chứng cứ?!

Cách đây vài năm tôi có viết một mẩu nhỏ cho sếp mình để ngợi ca công lao của các thầy dạy lớp tại chức cho sếp trong ngày 20-11. Trong đó tôi có viết: "dù thời gian thay đổi và nhiều giá trị cũng đã thay đổi theo, nhưng tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn mãi tồn tại theo năm tháng". Câu này cũng làm hài lòng cho sếp và cả lớp của sếp, đến nỗi sau khi đọc xong nhiều bạn của sếp xin photo để đọc tiếp ở những lớp khác. Sau vụ Trần Xuân Thanh tạt axit thầy giáo của mình rồi vài vụ trò đánh thầy tiếp nữa... làm tôi đâm ra nghi ngờ sự tin tưởng của mình.

Trong quyển "Hơn nửa đời hư" của cố học giả Vương Hồng Sển có kể về chuyện sau khi học trò mình làm loạn, biểu tình phản đối tổng giám thị bất công, hà khắc với học sinh, thầy đã kêu phụ huynh trò nọ vào mắng vốn và bảo phải dạy lại con ông.

Vị phụ huynh nọ nghe thầy huấn thị xong đã tranh luận rằng: Ngày xưa con ông ở nhà ngoan, nói chi nghe nấy; lúc ấy, "tử bất giáo, phụ chi quá" trách là đúng. Nhưng chỉ từ khi vào trường, được thầy dạy dỗ trở nên ngỗ nghịch. hễ "giáo bất nghiêm, sư chi đọa", vậy lỗi ấy về ai? Nghe phụ huynh nói quá có lý vị thầy giáo tây nọ phải xin lỗi và nhận lại cậu học trò nọ để giáo dục.

Thời xưa thầy giáo cũng nghèo và cũng có thầy dữ, thầy hiền. Cũng như thời nào cũng có học trò ngỗ nghịch, cá biệt. Thế nhưng tại sao ngày xưa không có chuyện học sinh hận thầy thấu xương như thời nay. Liệu có thể tìm được những giá trị về "nhất tự vi sư, bán tự vi sư" hay "trọng thầy mới được làm thầy" trong lòng bọn học trò ngày nay nữa không?

Lỗi của thầy hay lỗi của trò? Nếu không thì lỗi này thuộc ai? Chẳng lẽ cứ gieo tiếng ác cho "tại xã hội" cả vụ này. Theo tôi nghĩ, đời nào cũng vậy, hễ trò hư là cần phải xem lại cách giáo dục của thầy cô. Dù biết rằng xã hội đang báo động về chuyện thầy không ra thầy, trò không ra trò nhưng phải chăng chỉ là "biết rồi, nói mãi, khổ lắm" vì đây là bệnh không thể có thuốc chữa?

Theo 24h




CÁC TIN KHÁC

• Cậu ấm, cô chiêu đi học (12/10/2009)
• Thưa Bộ trưởng, có phải Bộ trưởng quy định thế này không? (12/10/2009)
• 75% thầy cô không có tác dụng 'định hướng tương lai' (10/10/2009)
• Ôi! Những người Việt Nam xấu xí... (08/10/2009)
• Chạy… để được làm thầy (07/10/2009)
• Người lớn cũng cần học kỹ năng sống? (06/10/2009)
• Khổ như… học sinh lớp 1! (05/10/2009)
• Sự tương đồng và sự khác biệt! (05/10/2009)
• Bằng cấp và năng lực (01/10/2009)
• Tân cử nhân: Những cú shock nơi công sở (30/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd