Chị H. - mẹ của một học sinh lớp 4 ở một trường tiểu học danh tiếng ở quận nội thành Hà Nội - buồn rầu kể: Hôm qua, bé nhà chị đi học về thông báo với mẹ: mai cô giáo bảo con được nghỉ mẹ ạ. Nói xong mặt cậu buồn thiu.
Chị H. ngạc nhiên vì mọi lần đi kèm với thông báo ngày mai nghỉ học là vẻ mặt hân hoan không giấu giếm của cu cậu. Đoán có chuyện gì đó không bình thường, chị H. gặng hỏi thì được biết, vì ngày mai lớp con trai chị có đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT đến dự giờ. Do được báo trước thông tin này nên nhà trường đã chọn ra mỗi khối một lớp để đoàn kiểm tra vào dự giờ. Nhưng lớp nào đã được chọn thì cũng có nghĩa lớp đó sẽ phải tiến hành một loạt “chỉnh sửa” trước khi đoàn đến.
“Chỉnh sửa” ấy không chỉ là lớp học sạch sẽ, gọn gàng hơn, cô trò mặc đẹp hơn, các em học bài kỹ hơn, hăng hái phát biểu hơn... mà còn là cho 15/50 học sinh (chưa giỏi) của lớp nghỉ hẳn ở nhà, không đến lớp trong buổi học có đoàn kiểm tra đến. Trong lớp học ấy sẽ chỉ còn lại toàn những học sinh giỏi, xuất sắc; những học sinh có thể giơ tay và trả lời đúng mọi câu hỏi của giáo viên.
Vậy là chị H. đã biết vì sao cậu con trai mình “được” nghỉ học mà lại buồn đến thế. Không buồn sao được khi mà bỗng dưng cậu bị loại ra khỏi lớp học của mình chỉ vì không phải là học sinh giỏi, chỉ vì có đoàn kiểm tra đến. Mà đâu chỉ có mình cậu, còn 14 bạn khác trong lớp; còn hàng trăm bạn nữa của cả trường...
Câu chuyện ấy không phải là cá biệt. Bằng chứng là khi nghe xong câu chuyện của chị H. thì một loạt các ông bố bà mẹ khác trong cơ quan chị đều ít nhiều chia sẻ rằng: trường con tôi cũng thế, trường con tôi cũng vậy... Những "xảo thuật" được áp dụng khi đoàn kiểm tra đến cũng không chỉ dừng lại ở bậc học phổ thông mà còn cả bậc cao đẳng, đại học.
Từ câu chuyện của cậu bé “được” nghỉ học vì có đoàn kiểm tra đến và những giọt nước mắt xót con của chị H., là một câu hỏi day dứt: Liệu một lời khen và cái gật đầu của đoàn kiểm tra có đáng để đổi lấy sự tổn thương của những đứa trẻ vô tội? Và có hay không, từ những sự xúc phạm này, sẽ đặt nền móng cho việc hình thành thói quen láu cá và dối trá?
Căn bệnh trầm kha thành tích mà mấy năm nay Bộ GD-ĐT đang cố gắng “nói không” vẫn đang tồn tại. Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã kéo dài được 3 năm, dự kiến từ năm học 2010-2011 sẽ dừng lại, có thể vì các nhà quản lý giáo dục tin rằng bệnh thành tích và tiêu cực đã đến lúc không cần phải vận động để “nói không” nữa.
Có người đặt câu hỏi: Hay là các trường chỉ cần nói “không” thôi, còn làm thế nào lại là chuyện khác?
Theo ThanhNien
CÁC TIN KHÁC
|