IP:3.149.235.66

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Điểm 9 - 10 nhưng kiến thức vẫn rỗng
23/01/2010 09:19 AM

Giở vở học tập thằng cháu đang học lớp 3, tôi bất ngờ vì vô số con điểm 9 - 10 đỏ chói. Điểm 8 với cháu đã là “học sút”, còn "bị" điểm 7 là mặt buồn thiu… Trong khi kiểm tra kiến thức cu cậu “đánh vật” mãi không xong một bài Toán đơn giản.

Vốn không quá khắt khe trong việc chấm điểm cho học sinh bậc tiểu học, nhiều thầy cô giáo đã tỏ ra quá nhẹ tay với học sinh với lý do “khuyến khích tinh thần học tập”. Nhưng chính những điểm khuyến khích ấy lại gây ra nhiều khó khăn cho phụ huynh trong việc giáo dục con cái.

"Cô giáo bảo thế được rồi"

Nếu quan niệm điểm số đánh giá được trình độ học tập của học sinh thì có lẽ nhiều bậc phụ huynh phải bất ngờ vì kết quả học tập của con em mình. Nhiều phụ huynh nghe con được điểm cao đều chủ quan con mình học tốt, tới khi bất chợt kiểm tra lại kiến thức mới biết con còn hổng nhiều chỗ.

 

Nhiều giáo viên tiểu học cho điểm với tinh thần khuyến khích học sinh, nhưng những con điểm 9 - 10 
khiến nhiều phụ huynh an tâm "sai chỗ" về khả năng của con em mình

Chị Hồng (phố Thái Hà) lâu nay vẫn chủ quan bé Minh (học sinh lớp 4) học giỏi vì hầu như ngày nào em cũng có điểm 9, điểm 10 về khoe mẹ. Chỉ cho tới khi thi hết học kì 1, em bị 5 điểm môn Toán (khi nhà trường tổ chức chấm chéo) chị mới tá hỏa kiểm tra lại kiến thức của con gái và phát hiện ra con… hổng lỗ chỗ.

Để “vá lại” những lỗ hổng ấy của con, chị đã phải rất vất vả không chỉ bởi phải bồi dưỡng lại từ đầu cho bé mà còn bởi tâm lý “cô con bảo thế” của Minh. Vốn quen lúc nào cũng được điểm cao nên khi “bị” mẹ kèm học và cho điểm thực chất, Minh tỏ ra rất bất bình thậm chí bất hợp tác với mẹ.

Chị Hồng tâm sự: “Rất nguy hiểm khi thầy cô cứ cho điểm các cháu theo cái kiểu khuyến khích như thế này. Mặc dù có một số cháu còn hơi đuối nhưng vì ở trường cô giáo cho điểm cao nên về nhà nhất định không chịu học thêm với lý do ‘Cô giáo đã cho con 10 điểm rồi’”.

Bụt chùa nhà không thiêng, nhiều vị phụ huynh đã phải “đầu hàng” trong việc dạy con. Anh Hoàng (khu Kim Liên) – đã phải đầu hàng cậu quí tử sau hơn 1 tháng rèn rũa. Vốn ở lớp, bé Hoàng Nam cũng là một học sinh trung bình - khá với nhiều điểm 6, 7 và anh Hoàng cũng chưa bao giờ phải nghe cô chủ nhiệm phàn nàn về việc học của con trai.

Yên tâm con mình “không giỏi nhưng cũng không đến nỗi kém”, anh Hoàng bỏ mặc việc học của con suốt 5 năm – hoàn toàn tin cậy vào các thầy cô giáo chủ nhiệm. Chỉ cho tới cuối năm học lớp 5 – chuẩn bị chuyển cấp – anh mới xem xét lại một lượt kết quả học tập của Hoàng Nam và được một phen “kinh hoàng” vì tới lớp 5 rồi mà Nam còn chưa thuộc bảng cửu chương.

Hóa ra lâu nay Nam cứ đều đều được lên lớp là do chỉ tiêu nhà trường không được phép cho “đúp”. Quyết tâm bồi dưỡng lại kiến thức cho con kịp chuyển cấp, anh Hoàng đã phải đầu hàng sau chưa tới 1 tháng. Vốn quen được chiều chuộng lại chưa bị ép vào khuôn khổ bao giờ, Hoàng Nam “bầy” đủ trò để trốn học, cứ ngồi vào bàn học là Nam kêu đau bụng, đau đầu… nhưng lần nào kết thúc màn mè nheo cũng là “Cô giáo bảo thế được rồi!”

"Trẻ con... cho điểm phiên phiến thôi"

Vốn chỉ lấy điểm thi giữa kì và cuối kì làm điểm tổng kết, nhiều thầy cô giáo cấp 1 cũng tỏ ra rất đại khái trong việc chấm điểm và kiểm tra bài học hàng ngày của học sinh. Nhiều bài có lỗi sai căn bản nhưng vẫn điềm nhiên được điểm 10 vì "trẻ con, cho điểm phiên phiến thôi, chúng nó còn thích học" - một giáo viên tiểu học quận Đống Đa nói.

Vốn là một học sinh có khiếu ngoại ngữ, ngay từ những năm đầu tiên của cấp 1, Duy Ngọc (Đống Đa) đã gây được ấn tượng với các thầy cô giáo là “học sinh giỏi tiếng Anh”. Có lẽ cũng vì lý do này mà cô giáo cứ nhìn thấy tên Ngọc là cho 10 điểm. Giống như gia đình nhà bé Minh, bé Hoàng Nam, gia đình Ngọc cũng cho rằng con mình “đã giỏi” không cần kèm thêm.

 Chỉ tới một lần khi con khoe bài kiểm tra điểm 10 khi học về thì hiện tại và thì quá khứ, chị Trâm vô tình phát hiện ngay một lỗi sai căn bản trong bài. Để kiểm tra lại kiến thức của con, chị lập tức giao thêm một số bài tương tự bài kiểm tra và y như rằng… cậu học sinh giỏi tiếng Anh 5 năm liền làm sai như cách đã làm trong bài kiểm tra.

Chị Trâm đã phải mất cả buổi tối để giảng lại cho con về qui tắc chuyển đổi thì hiện tại sang thì quá khứ nhưng Ngọc nhất định không tin mẹ vì chỉ có “cô giáo là đúng”. Để giải quyết vấn đề, ngày hôm sau chị Trâm phải đưa con tới tận lớp gặp cô giáo để cô khẳng định với bé rằng “cô chấm nhầm” thì Ngọc mới chịu tin lời mẹ.

Hầu hết các bé ở độ tuổi cấp 1 đều cho rằng thầy cô giáo là chuẩn mực vì vậy một khi các thầy cô đã đặt ra cho các em một nhận định về cái đúng, cái giỏi, các em một mực đi theo các chuẩn mực ấy và rất khó để bố mẹ có thể can thiệp, điều chỉnh được nhận định của con cái. Bởi vậy, nhiều lúc việc cho điểm khuyến khích lại không đạt được kết quả đúng như tên gọi của nó.

Theo VnMedia




CÁC TIN KHÁC

• Kinh doanh giáo dục (20/01/2010)
• “Tiên học lễ” thời nay (18/01/2010)
• "Mẹ không muốn con là học sinh giỏi" (16/01/2010)
• Phỏng vấn xin việc: Bản lĩnh hay những màn “khua môi múa mép”? (11/01/2010)
• Người thành công phản ứng với thất bại thế nào? (23/12/2009)
• Biết mình muốn gì (19/12/2009)
• Dạy con thành người... bình thường (18/12/2009)
• Từ bài văn tả cây hồng... (11/12/2009)
• 10 bí quyết thành công cho sinh viên kỹ thuật (10/12/2009)
• Sinh viên và những vất vả thời hội nhập (08/12/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd