IP:3.145.170.164

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Cách dạy trẻ của người Mỹ
08/09/2009 07:07 AM

Người Mỹ rất coi trọng tinh thần độc lập, tự lực cánh sinh của mỗi người. Vì thế, ngay từ khi trẻ một tuổi rưỡi, họ đã bắt đầu dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ bản thân.

 Dạy trẻ từ tính tự lập

Người Mỹ cho rằng, nắm bắt các kỹ năng tự phục vụ có thể giúp trẻ tăng cường tính độc lập và cảm giác về sự thành công. Nó không chỉ có lợi cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp ích rất nhiều cho chính những người lớn.

Những người làm công tác giáo dục mẫu giáo ở Mỹ đều được nhấn mạnh việc giáo dục cho trẻ những kỹ năng tự phục vụ. Bất cứ sự chăm sóc nào từ phía người lớn cũng phải tạo cho trẻ những cơ hội để rèn luyện cho trẻ các kỹ năng này. Đồng thời, họ cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình để giúp các kỹ năng mà trẻ được dạy ở lớp được rèn luyện và thực hành ngay tại nhà.

Các kỹ năng tự phục vụ của trẻ gồm: Buộc dây giầy, mặc quần áo, cài cúc áo, kéo phéc-mơ-tuya, rửa mặt, đánh răng, chải đầu, ăn cơm… Tuy nhiên, những kỹ năng này không đồng nhất ở tất cả các giai đoạn phát triển của trẻ.

Các nhà nghiên cứu, sau nhiều năm nghiên cứu và quan sát, đã chỉ ra rằng: Trẻ từ 18 - 24 tháng có thể tự dùng cốc uống nước, có thể tự nhặt lấy đồ chơi; từ 2 - 3 tuổi có thể học cách tự mình đi đại tiểu tiện, ăn cơm, mở phéc-mơ-tuya và mặc quần áo; từ 3 - 4 tuổi, tính độc lập của trẻ đều phát triển mạnh, những kỹ năng đã học được ở trên đều trở nên thành thục hơn, gần như trẻ có thể làm mà không cần sự giúp đỡ của người lớn; từ 5 - 6 tuổi, trẻ có thể học cách tự rửa bát, sắp xếp đồ đạc của mình ngay ngắn…

Những giáo viên mẫu giáo Mỹ khi rèn luyện cho trẻ khả năng tự lập thường dùng phương pháp: Đồng thời với việc đề ra nhiệm vụ, họ cũng đưa ra những điều kiện để trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng hơn.

Chẳng hạn, để dạy trẻ tự mang giày, họ thường đưa cho trẻ những đôi giày to hơn một chút so với cỡ chân của các em. Hoặc để dạy trẻ tự rót nước sữa, họ đưa cho trẻ những bình sữa có miệng to, giúp trẻ thực hiện công việc một cách dễ dàng hơn. Cách làm như vậy sẽ gây cho trẻ hứng thú cũng như tự tin trong việc hoàn thành các “nhiệm vụ”.

Đến sự lễ phép

Ở các trường mẫu giáo ở Mỹ, ngoài việc khơi mở trí lực giai đoạn đầu cho trẻ, người ta rất coi trọng việc dạy cho trẻ các quy tắc lễ nghi. Yêu cầu đối với mỗi em là phải nghe theo lời chỉ bảo của các giáo viên, học cách tham gia các hoạt động tập thể cùng những học sinh khác.

Trong các trường mẫu giáo ở Mỹ, mỗi khi có một bạn nhỏ hắt xì, sẽ phải nói với những người bạn xung quanh của em rằng: “Xin lỗi!”, ngược lại, những người bạn của em sẽ nói: “Chúc phúc cho cậu!”. Điều này đã trở thành một hành vi tự giác của trẻ.

Đối với những trẻ em phạm lỗi, không nghe lời,… người ta thường dùng phương pháp “phạt ở một mình”. Lý do là, trẻ em ở độ tuổi này sợ nhất việc phải ở một mình.

Hơn nữa, phương pháp này cũng có tính khoa học của nó. Khi trẻ bình tĩnh trở lại, mới giảng giải điều hay lẽ phải cho trẻ hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều.

Tất nhiên, việc “giam” một mình đối với trẻ có phần nào đó khó chấp nhận đối với các bậc phụ huynh, tuy nhiên, nó có thể tạo được ảnh hưởng tích cực, đó chính là giúp trẻ hình thành thói quen giữ bình tĩnh trở lại khi đang tức giận.

Nổi nóng ở những nơi công cộng là điều dường như không ai có thể chấp nhận được ở Mỹ. Do đó, có thể khống chế được tình cảm của bản thân, bất luận trong tình huống như thế nào cũng có thể bình tĩnh ứng xử là một nội dung quan trọng trong các mối quan hệ công chúng ở Mỹ. Phong độ cũng như sự trầm tĩnh của người Mỹ, có lẽ liên quan nhiều đến phương pháp giáo dục ngay từ độ tuổi mẫu giáo này.

Trong việc giáo dục những lễ nghi ứng xử cho trẻ ở giai đoạn này, một trong những yếu tố rất được đề cao là vai trò của giáo viên. Ở độ tuổi mẫu giáo, những điều trẻ học được không phải những lý giải mà là những mô phỏng. Vì thế, nếu những thầy cô giáo ở trường có thái độ không tốt đối với trẻ, chúng sẽ học theo các thầy cô, đối xử không tốt với bạn bè và người xung quanh.

Nói cách khác, hành vi của giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ. Do đó, những giáo viên mẫu giáo ở Mỹ đều phải thông qua những yêu cầu rất nghiêm ngặt về trình độ.

Bên cạnh yêu cầu trình độ cử nhân trở lên, những giáo viên này còn phải thông qua một chương trình tập huấn chuyên nghiệp và đạt được “Chứng chỉ giáo viên mẫu giáo” hoặc “Chứng chỉ giáo viên tiểu học”. Những năm gần đây, một số bang của Mỹ còn đưa ra yêu cầu trình độ tối thiểu là thạc sỹ đối với các giáo viên ở trường mẫu giáo.

Sự tôn trọng: Chất “dinh dưỡng” đặc biệt

Ở Mỹ, việc tôn trọng trẻ em không chỉ vì chúng nhỏ tuổi, cần sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc mà còn vì trong quan niệm của họ, mỗi đứa trẻ, ngay từ khi ra đời, đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể là bố mẹ hay thầy cô giáo đều không có đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng.

Đặc biệt là trẻ em, sau này trưởng thành, cha mẹ hay thầy cô không thể thay thế thế chúng trong những lựa chọn mà chúng phải đối mặt trong hiện thực. Vì thế, cần phải làm cho trẻ cảm thấy rằng, bản thân chúng, chứ không phải ai khác là chủ nhân của mình.

Chẳng hạn, người Mỹ rất chú ý đến phương pháp cũng như giọng điệu khi nói chuyện với trẻ. Khi nói chuyện với trẻ, người lớn không chỉ phải chăm chú nghe mà có lúc còn phải quỳ xuống để nói chuyện với trẻ một cách “bình đẳng”, khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng.

Khi trẻ ăn cơm, không thể ép, khi trẻ phạm lỗi không nên quở mắng quá lời, khi muốn trẻ thay quần áo, cũng không thể to tiếng quát nạt,… nếu không, sẽ làm cho trẻ cảm giác nặng nề và tự ti.

Người Mỹ, khi đem con đến nhà người khác, nếu như chủ nhân đưa đồ ăn cho trẻ, họ sẽ không thay trẻ nói những câu đại loại như: “Không ăn đâu!”, “Không cần đâu!”… Đồng thời, khi trẻ tỏ ý muốn ăn đồ ăn, họ cũng sẽ không to tiếng quát mắng.

Họ cho rằng, trẻ muốn xem gì, ăn gì, bản thân nó không có gì sai, nếu như trẻ có nhu cầu đó, không có lý do gì có thể chỉ trích chúng cả. Điều những người lớn phải làm là, căn cứ vào thời điểm thích hợp mà đưa ra sự giảng giải thích hợp để trẻ hiểu, với tư cách là “người hướng dẫn”.

Người Mỹ phản đối việc dạy dỗ con cái trước mặt người khác, càng không cho phép việc trách mắng là “ngu dốt”, “chẳng làm nên trò trống gì”, “không có chí khí”,… trước mặt nhiều người. Vì rằng, cách dạy dỗ đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự tin cũng như sự phát triển về sau của trẻ.

Nhà giáo dục vĩ đại John Locke từng nói: “Bố mẹ không nói nhiều đến các lỗi của con cái thì chúng sẽ ngày càng coi trọng danh dự của bản thân, từ đó cố gắng để đạt được những lời khen ngợi của người khác đối với mình. Nếu như cha mẹ trước mặt mọi người nhắc đến lỗi lầm của trẻ sẽ khiến chúng xấu hổ. Trẻ em càng cảm thấy danh dự của bản thân bị tổn hại, lại càng ít chú ý đến việc giữ gìn danh dự”.

Có người cho rằng, người Mỹ tôn trọng con cái một cách quá đáng, nhưng thực tế đã chứng minh, những trẻ em được bố mẹ chúng tôn trọng tỏ ra rất hợp tác với bố mẹ, hữu hảo với bạn bè, rất lễ phép, không có cảm giác mất tự nhiên khi nói chuyện với người lớn.

Hai mươi phút quan trọng trong ngày

Nhiều nhà giáo dục Mỹ kêu gọi các bậc cha mẹ dành 20 phút mỗi ngày để đọc sách cho con cái của mình nghe. Hai mươi phút là thời gian không dài nhưng sẽ rất hữu ích với trẻ.

Qua giọng đọc rủ rỉ của cha mẹ mỗi ngày, hứng thú về việc đọc sách sẽ dần được hình thành trong trẻ. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chứng minh, việc được nghe đọc sách thường xuyên có thể giúp trẻ tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và kiến văn cho trẻ… Vì thế, ở Mỹ, các chuyên gia đều khuyên phụ huynh đọc sách cho trẻ nghe càng sớm càng tốt.

Người Mỹ rất chú trọng việc đọc sách cho trẻ nghe mỗi ngày. Tại bang Hawaii nước Mỹ, các nhà giáo dục kết hợp với chính quyền nơi đây đã tổ chức cả một hoạt động quy mô: “Hãy đọc vì trẻ em”, kêu gọi các bậc phụ huynh mỗi ngày dành ít nhất là 10 phút để đọc sách cho trẻ nghe.

Hoạt động này nhanh chóng lan rộng ra các bang khác của Mỹ với quy mô ngày càng lớn. Từ đó, không ít các tập đoàn kinh tế tổ chức và tham gia các loại hoạt động tương tự, đồng thời gọi đó là: “Hai mươi phút quan trọng nhất trong ngày của bạn”.

Lâu nay, người ta nói nhiều, bàn nhiều đến giáo dục Mỹ với một sự ngưỡng vọng về một nền giáo dục hiện đại và phát triển nhất thế giới. Điều gì tạo nên thành công của nền giáo dục Mỹ?

Nguyên nhân thì có rất nhiều, song, có lẽ một trong những nguyên nhân quan trọng là người Mỹ đã quan tâm một cách thực sự đến việc giáo dục và đào tạo con người ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Cách mà người Mỹ dạy trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo có lẽ sẽ cho chúng ta nhiều gợi ý về một sự quan tâm đúng mức trong việc giáo dục trẻ ở giai đoạn này.

Theo Tienphong




CÁC TIN KHÁC

• Chấm dứt đưa ra chỉ tiêu thi đua không có cơ sở (05/09/2009)
• Teen và mạng xã hội đang tạo ra nhiều từ mới (04/09/2009)
• Bộ trưởng Giáo dục: 'Hai năm tới chấm dứt việc đọc-chép' (03/09/2009)
• Giáo viên 2 năm liền không đạt yêu cầu sẽ bị loại khỏi ngành (03/09/2009)
• Đổ xô đi học ''đuổi chữ'' (01/09/2009)
• Đào tạo theo tín chỉ: Vừa làm vừa băn khoăn (31/08/2009)
• Triệt tiêu phương pháp dạy học “đọc - chép” (28/08/2009)
• Nâng cao chất lượng giáo dục: Bắt đầu từ chính sách với đội ngũ giáo viên (27/08/2009)
• Dừng tuyển sinh nhiều ngành liên kết đào tạo sai phạm (27/08/2009)
• Tuyển sinh 'chui': Đặc cách cấp bằng tốt nghiệp lần nữa (26/08/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd