IP:18.117.77.221

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Học sinh giỏi cũng… khổ
28/10/2009 07:43 AM

Trong mắt cha mẹ, thầy cô, học sinh giỏi là niềm tự hào. Nhưng để “sao” sáng mãi, không ít học sinh giỏi khổ sở vì áp lực bảng điểm đẹp, thứ hạng, bằng khen…

Tự tạo áp lực cho mình 

Là học sinh giỏi 9 năm liền, B.Ngân (lớp 10 một trường khá nổi tiếng tại TPHCM) làm hài lòng gia đình với điểm thi vào lớp 10 là 41,5 điểm. Tháng đầu tiên của năm học, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng Ngân vẫn giữ được danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên, đến tháng sau thì Ngân bị điểm dưới trung bình ở hai môn. Từ ngày bị điểm kém, Ngân trở nên lầm lì ít nói, cũng không thường xuyên trò chuyện với mẹ như trước đây.

Đi học về là Ngân vào phòng đóng kín cửa. Chị N.T.Thu Trang, mẹ của Ngân lo lắng: “Cháu cầm hai bài kiểm tra dưới trung bình về mà không nói gì. Tôi đang lo cháu buồn quá không tập trung học được. Sáng nay thấy hai mắt con sưng vù, nhưng tôi không dám hỏi, vì sợ chạm vào nỗi buồn của con”.

Kỳ Trung, học sinh lớp 9 tại Biên Hòa (Đồng Nai) lại đang tạo cho mình áp lực theo kiểu khác. Từ lớp 7 tới nay, Trung luôn so điểm của mình với cô bạn cùng lớp. Hôm nào bạn có bài kiểm tra hơn điểm là y như rằng Trung bỏ ăn. Đã nhiều lần gia đình khuyên răn mà vẫn không hiệu quả.

Chính cuộc ganh đua này mà Trung luôn luôn căng thẳng khi làm bài kiểm tra hay thi học kỳ. Chị Đồng Thị Hoa, mẹ của Trung cho biết: “Vợ chồng tôi không tạo áp lực, thấy con học giỏi cũng vui. Có điều, nhiều khi thấy con học gầy rộc cả người thì cũng xót xa”.

Một giáo viên ở THCS Lê Lợi, Đồng Nai cho rằng, việc học sinh tự tạo áp lực về điểm số cho mình không hiếm, nhất là những học sinh giỏi…

“Thước đo” điểm số gây stress

Sẽ không quá khi nói rằng, có đến 90% các bậc cha mẹ, nhất là cha mẹ ở thành phố, sử dụng các câu hỏi cửa miệng khi con cái họ đi học, đi thi về: “Hôm nay con được mấy điểm?”, ‘Tháng này con xếp hạng mấy?”… Nhưng ít phụ huynh thừa nhận rằng, chính vì quá quan tâm vào điểm số, thứ hạng của con nên vô tình hình thành động cơ học tập sai lầm cho con: Học vì điểm, học để hơn người.

Đã mấy ngày nay, Yến Nhi, học sinh lớp 11, một THPT ở quận 5, TPHHCM tá túc nhà ông bà nội vì không biết trả lời bố mẹ thế nào khi bài kiểm tra môn Hóa chỉ được 7 điểm.

Cô giáo Lê Ngọc Kim Vy, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 THPT H.T.K, kể: Không ít lần tôi chứng kiến học sinh khóc ngay tại lớp vì bị điểm kém. Thậm chí có nhiều em phải nhờ cô giáo gọi điện “xoa dịu” phụ huynh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận khi con mình bị điểm thấp.

Chuyên viên tư vấn tâm lý của đài 1080 Cần Thơ, ông Ngô Thành Thuận cho biết: “Càng ngày có càng nhiều học sinh gọi điện đến than thở là học mệt, đuối sức. Nhiều em vừa tâm sự vừa khóc vì ấm ức khi cha mẹ la mắng vì điểm kém”.

Ông Thuận khẳng định: “Các bậc cha mẹ đang tạo áp lực cho con cái quá nhiều!”.

Khoa Tâm lý, Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ đến khám - chữa bệnh, hầu hết đều là học sinh, sinh viên. Nguyên nhân chính dẫn đến những chấn thương tâm lý là do áp lực chuyện học tập. Có những học sinh giỏi phải đều đặn đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) để điều trị chỉ vì học quá nhiều.

Hiện nay, “thước đo” gần như duy nhất để đánh giá học sinh là điểm số, kết quả học tập nhưng chính điều này dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như học sinh tự tử, bị stress khi bị điểm kém, rớt hạng. Ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi (TPHCM) chia sẻ: Có nhiều phụ huynh không chịu nhìn nhận thực chất của con em mình mà kỳ vọng quá nhiều nên ra sức ép con học.

“Khi con em bị điểm kém, phụ huynh nên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để tìm hiểu nguyên nhân, thực chất vấn đề chứ đừng la mắng con cái và cũng đừng đổ lỗi cho giáo viên” , ông Đại nhấn mạnh.

Theo 24h




CÁC TIN KHÁC

• Nền giáo dục Thụy Điển tiên tiến nhất thế giới hiện nay? (27/10/2009)
• Trẻ biết cãi mới... ngoan? (26/10/2009)
• Khó đòi hỏi đủ chuẩn mới đào tạo(!?) (24/10/2009)
• Trường khen 'heo' béo, lớp khen bé ngoan! (23/10/2009)
• ĐH kém chất lượng: Con hư tại mẹ! (22/10/2009)
• Bộ GD-ĐT thừa nhận 5 yếu kém của giáo dục ĐH (21/10/2009)
• Mở trường dễ dãi: Bộ thanh tra trường, ai thanh tra Bộ? (20/10/2009)
• Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng (19/10/2009)
• Bằng cấp có thể hiện năng lực? (17/10/2009)
• Ngành học nào đang hot? (17/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd