IP:3.237.186.170

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Bệnh “học hoài vẫn dở”
09/09/2010 10:08 AM

Những đứa trẻ này phát triển hoàn toàn bình thường, chỉ có điều gặp khó khăn trong học tập như khó đọc hoặc khó viết, khó làm toán.

Niềm vui của các bậc cha mẹ là được thấy con trẻ học hành chăm chỉ, hòa nhập tốt cộng đồng - Ảnh: Gia Tiến

Khoảng hai tuần nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những cháu bé bị rối loạn chuyên biệt về học tập (hay còn gọi là bệnh chậm học).

Không nhớ số 1-10

Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 gần như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân bị rối loạn chuyên biệt về học tập, còn đơn vị tâm lý - khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1 trung bình một tuần có 20 trẻ bị chậm học đến khám. Số lượng trẻ mắc bệnh chậm học đến khám tại hai bệnh viện này tăng đột biến khi vào năm học mới. Nhiều phụ huynh không chỉ đến khám bệnh cho con, mà còn nhờ bác sĩ chứng nhận con họ học chậm để cô giáo khỏi bị nhà trường khiển trách về việc trong lớp có học sinh yếu!

Mới đây, bé N.T.V., 6 tuổi, ngụ ở Q.Tân Bình, TP.HCM được cha mẹ đưa đến khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 khám bệnh vì cô giáo phản ảnh trong lớp bé V. học rất chậm. Dù cô cố gắng dạy bé rất nhiều lần đếm số từ 1-10, nhưng khi hỏi lại bé V. vẫn không thể nhớ số nào, giơ các ngón tay lên cũng không đếm nổi. Người nhà tỏ ra bất ngờ khi bác sĩ tâm lý chẩn đoán bé V. bị rối loạn chuyên biệt về học tập (môn toán) vì ngoài việc khó khăn về học toán, mọi hoạt động khác của bé V. đều như những đứa trẻ bình thường khác.

Phát hiện từ lớp 1

  Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, 70-80% số trẻ khó khăn học tập do bị chứng khó đọc (đọc kém lưu loát và kém chính xác, đọc với tốc độ chậm, đọc mà không hiểu ý nghĩa). Hoặc có một số trẻ khó viết (khiếm khuyết về chữ viết, đánh vần và cấu trúc câu); còn lại là khó làm toán (không hiểu khái niệm về số, khó nhớ số và không hiểu cách dùng số). Ví dụ trẻ có thể đếm thuộc lòng từ 1-10, nhưng khi giơ hai ngón tay và hỏi trẻ bao nhiêu ngón thì trẻ không biết trả lời đúng số lượng.

Nguyên nhân gây bệnh này đến nay vẫn chưa rõ. Trẻ bị rối loạn chuyên biệt về học tập thường được phát hiện bắt đầu vào lớp 1 do không theo kịp chương trình học. Giáo viên phản ảnh với phụ huynh trẻ kém tập trung, trí nhớ kém, học chậm và yêu cầu phụ huynh cho trẻ đi khám tâm lý để đánh giá sự phát triển của trẻ.

Khi được thông báo trẻ mắc bệnh chậm học, nhiều bậc cha mẹ ngỡ ngàng và lập tức hỏi các bác sĩ có thuốc gì chữa khỏi bệnh cho con họ không. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết không có loại thuốc nào có thể chữa chứng khó học này, chỉ có cách giáo dục trẻ theo khả năng của trẻ mà thôi.

Trẻ bị rối loạn chuyên biệt về học tập cần được chuyên viên tâm lý đánh giá những mặt mạnh và mặt yếu. Sau đó, phụ huynh và giáo viên cùng xây dựng một chương trình giáo dục vừa sức của trẻ, không ép trẻ học theo chương trình học của trẻ bình thường. Đặc biệt, tránh gây áp lực cho trẻ bằng những biện pháp bạo lực; cần nhẹ nhàng động viên, cổ vũ, nhắc nhở và chia việc học ra những giai đoạn nhỏ để trẻ dễ hiểu. Với những trẻ này, không nên cho trẻ vào học các trường chuyên, trường điểm, không nên cho trẻ học thêm quá nhiều, gây căng thẳng thần kinh, càng làm trẻ mất trí nhớ, khó tiếp thu.

Điều mà chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp - khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2 - lo lắng là nhiều cô giáo và phụ huynh không biết trẻ có thể mắc rối loạn chuyên biệt này, nên khi thấy trẻ không học được lại cho rằng trẻ lười biếng, do vậy đã la mắng, đánh đòn trẻ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ bị rối nhiễu tâm lý, ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách của trẻ sau này như nhút nhát, thiếu tự tin.

Giúp trẻ phát triển kỹ năng

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh khuyên cha mẹ nên quan tâm đến con như giúp con tiếp cận với sách từ lúc 6 tháng tuổi, không phải để dạy trẻ đọc sớm, nhưng để giúp trẻ phát triển “vận động tinh”: vận động của các ngón tay phối hợp với mắt để trẻ tập lật sách, nhìn những hình ảnh có màu sắc, nghe kể chuyện...

Ngoài ra, trẻ cần được phát triển các kỹ năng trước khi đi học lớp 1 (lúc 5 tuổi) như: trước khi học đọc trẻ cần tập nói rành đúng văn phạm, phát âm chính xác, tập kể chuyện, hát. Trước khi học viết, trẻ cần học nhận dạng, phân loại, sao chép hình, vẽ các hình đơn giản như hình tròn, vuông, tam giác... Phối hợp tay và mắt bằng cách vẽ theo đường vạch sẵn. Trước khi học làm toán, dạy trẻ đếm, đối chiếu tranh giống nhau, phân loại các đồ vật, sắp xếp theo kích cỡ từ to đến nhỏ, ít đến nhiều.

 

Theo TuoiTre




CÁC TIN KHÁC

• Dấu hiệu nhận biết viêm cầu thận (07/09/2010)
• Ẩn họa khôn lường từ sóng Wi-Fi? (19/08/2010)
• Chứng răng miệng có liên quan đến bệnh Alzheimer (10/08/2010)
• Bệnh tự kỷ ở trẻ em (29/07/2010)
• Ngồi thẳng không tốt cho lưng (29/06/2010)
• Phương pháp mới để phát hiện virus HIV sớm nhất (25/06/2010)
• Áp lực học và thi: Ép quá, hóa hỏng! (04/06/2010)
• Thuốc lá gây bệnh từ đầu tới chân (01/06/2010)
• Tiêm vắcxin đậu mùa phòng tránh bệnh AIDS? (25/05/2010)
• Những dấu hiệu của bệnh tim (17/05/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd