IP:3.137.170.76

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Mở trường dễ dãi: Bộ thanh tra trường, ai thanh tra Bộ?
20/10/2009 08:28 AM

Sau câu chuyện về trường ĐH "ba không" Phan Thiết, Ngày 19/10 báo Tuổi Trẻ tiếp tục thông tin về hiện tượng "ĐH mọc như nấm". Còn báo Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, báo Bình Thuận đăng những thông tin sơ bộ từ buổi thanh tra cấp tốc trường ĐH này. Trong khi đó, báo Người lao động đặt vấn đề Chính phủ phải lập ngay một nhóm thanh tra để thanh tra toàn diện quy trình, năng lực thẩm định dự án thành lập ĐH mới của Bộ GD-ĐT.

Sau khi báo Tuổi Trẻ phản ánh dù chưa có những điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu của một cơ sở đào tạo ĐH, danh sách giảng viên "khống"... nhưng Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận) vẫn được phép tuyển sinh và sắp khai giảng năm học đầu tiên với gần 750 SV, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân quyết định thanh tra khẩn cấp trường ĐH. Động thái này được độc giả nhìn nhận là tích cực.

Mặc dù rơi vào các ngày nghỉ, nhưng theo tin từ báo Thanh Niên, sáng 18/10, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Văn Chiến đã kiểm tra trường theo 3 nội dung: Chương trình đào tạo; cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Theo báo cáo của trường ghi nhận tại chỗ của đoàn, hiện nay nhà trường đã có đủ phòng học cho 750 tân SV bắt đầu năm học mới kể từ 20/10. Toàn bộ 12 phòng thuộc khu làng cổ Mũi Né đã ngưng hoạt động du lịch để phục vụ cho hoạt động của trường. Một phòng LAP với 100 máy tính đã lắp đặt xong,v.v...

Trước đó, theo báo Bình Thuận, ngày 17/10, tại cuộc họp giữa lãnh đạo trường ĐH Phan Thiết với Sở GD-ĐT tỉnh, ông Hồ Văn Giáo, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho rằng: "việc một số tờ báo đưa tin về Trường Đại học Phan Thiết là thiếu khách quan, chỉ căn cứ vào những tài liệu cũ trước đây, chưa có sự cập nhật kịp thời giai đoạn chuẩn bị sau này của nhà trường".

Chiều 18/10, trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng, PGS.TS Nguyễn Văn Lịch, Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định ĐH Phan Thiết đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để mở lớp đào tạo đại học, cao đẳng năm học 2009 - 2010.

Báo này cũng thông tin ngày 19/10 sẽ hoàn tất thanh tra và báo cáo với Bộ trưởng.

1 tháng mở 5 đại học

Trên trang nhất báo Tuổi Trẻ Online sáng 19/10 đăng tải bài viết "Đại học mọc như nấm" dẫn thống kê, đã có 40 trường ĐH mới chỉ trong 2 năm: 2006, 2007.

Chỉ trong tháng 8/2009, đã có 5 trường ĐH mới được công bố thành lập: Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang ra đời trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nông lâm Bắc Giang (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai được đồng ý chủ trương thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Kỹ thuật - Công nghệ Đồng Nai. Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Giao thông vận tải, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường CĐ Nguyễn Tất Thành tại TP.HCM (trước đó là trường trung cấp Nguyễn Tất Thành)...

Báo này quan sát, để dễ dàng được chấp thuận, một loạt các trường ĐH đã xin cấp phép tại các địa phương khác như Hà Tây cũ, Hòa Bình... nhưng lại tuyển sinh, đào tạo... ngay giữa nội thành Hà Nội. Điều này cũng tương tự một số trường ở địa bàn lân cận TP.HCM.

Tác giả bài báo nhắc lại câu chuyện tháng 7/2008, chính Bộ GD - ĐT đã đánh giá Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) muốn mở nhiều ngành đào tạo, liên kết nhiều cấp đào tạo không có trong đề án, chưa hình thành được bộ máy tổ chức, chưa ký hợp đồng với cán bộ, giảng viên cơ hữu, tùy tiện trong quảng cáo về ngành nghề đào tạo, liên kết đào tạo trong và ngoài nước khi chưa được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành...

Thế nhưng chỉ 2 tháng sau (tháng 9/2008), trường đã được phép tuyển sinh khóa đầu tiên lên đến 800 chỉ tiêu cho bốn ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng và kế toán.

Sau năm đầu chỉ tuyển được chưa đầy 20 thí sinh cùng với hàng loạt yêu cầu về đào tạo chưa thể đáp ứng bị báo chí phản ánh, năm học 2008-2009, trường cũng chỉ bị giảm từ 800 xuống còn 400 chỉ tiêu nhưng lại có thêm vài ngành đào tạo mới.

Chính phủ thanh tra

Trên báo Người lao động điện tử, Thạc sỹ Lê Minh Tiến cho rằng, câu chuyện các trường ĐH ngoài công lập được ra đời và hoạt động theo kiểu “ba không” như ĐH Phan Thiết hoặc thiếu thốn những yếu tố căn bản của một trường ĐH như ĐH Quốc tế Hồng Bàng không phải là chuyện mới mẻ. Khi dư luận phản ánh thì phản ứng của Bộ GD-ĐT luôn là “chúng tôi sẽ thanh tra".

Vì vậy, điều cần thiết hiện nay không phải là thanh tra các trường ĐH mà xem xét trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.

Thạc sỹ Tiến đề nghị Chính phủ phải lập ngay một nhóm thanh tra để thanh tra toàn diện quy trình, năng lực thẩm định dự án thành lập ĐH mới của Bộ GD-ĐT.

Mục tiêu thanh tra nhằm đánh giá xem quy trình ấy có chặt chẽ, hợp lý và đầy đủ hay không để chấn chỉnh. Đồng thời, thanh tra năng lực thẩm dịnh dự án ĐH của các phòng ban, các chuyên gia được Bộ GD-ĐT giao trách nhiệm thẩm định các dự án, hồ sơ xin thành lập trường ĐH.

Với tiêu đề "Chấn chỉnh từ gốc", bài báo thẳng thắn: Những yếu kém của các trường ĐH mới thành lập đều xuất phát từ Bộ GD-ĐT.
Để những yếu kém ấy không còn hoặc được hạn chế tối đa, cần phải chấn chỉnh ngay từ gốc, đó là lề lối và năng lực làm việc của Bộ GD-ĐT.

 Theo VietNamNet




CÁC TIN KHÁC

• Giáo dục: Xin cho tôi nói thẳng (19/10/2009)
• Bằng cấp có thể hiện năng lực? (17/10/2009)
• Ngành học nào đang hot? (17/10/2009)
• Thầy giáo - Thầy thuốc (17/10/2009)
• Thi cao đẳng: Không cần thiết (16/10/2009)
• Giáo viên là nghề "sang trọng" (15/10/2009)
• Đề án “giả”, đại học thật (14/10/2009)
• Trò hư là lỗi của thầy? (12/10/2009)
• Cậu ấm, cô chiêu đi học (12/10/2009)
• Thưa Bộ trưởng, có phải Bộ trưởng quy định thế này không? (12/10/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd