Hoài nghi giá trị
Đây là lần đầu tiên tổng giá trị của 100 thương hiệu hàng đầu thế giới sụt giảm trong vòng 10 năm qua, kể từ khi hãng nghiên cứu Interbrand bắt đầu khảo sát. Bao gồm những cái tên như Google, Nintendo và Sony, tổng giá trị của danh sách chỉ còn lại 1,15 nghìn tỷ USD, giảm 4,6% so với năm trước.
"Kết quả này đã nói lên nhiều điều về môi trường kinh tế xung quanh chúng ta, nhất là khi bản chất của thương hiệu ít biến động hơn so với giá trị doanh nghiệp", Giám đốc điều hành Jez Frampton cho biết. Theo ông Jez, thương hiệu chính là thứ tài sản đáng giá nhất của một công ty.
Cuộc suy thoái kinh tế mà thế giới đang nếm trải, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, đã ăn mòn niềm tin của người dùng dành cho một số thương hiệu cụ thể, nhất là các công ty tài chính. Người dùng cũng bắt đầu đặt câu hỏi về các hãng bán lẻ khi mà cửa hàng đua nhau giảm giá để tăng lượng tiêu thụ.
"Người ta không khỏi thắc mắc về giá bán của sản phẩm, rằng tại làm sao họ lại phải trả nhiều tiền như vậy trước đây cũng chỉ để sở hữu cùng sản phẩm đó".
"Tất cả những yếu tố này khiến bạn phải đánh giá lại bản chất của mối quan hệ giữa người dùng với thương hiệu. Liệu niềm tin mà chúng ta dành cho họ có xứng đáng với những lời thề thốt, hứa hẹn mà họ đưa ra hay không.
Tài chính tụt hạng
Thương hiệu là những lời hứa mà chúng ta coi trọng và sẵn lòng trả tiền cho chúng. Vì thế, một khi chúng ta cảm thấy đang bị bội ước, chúng ta sẽ không còn tin tưởng nữa".
Theo định nghĩa của Interbrand, thương hiệu không chỉ là tên gọi, màu sắc hay logo. Một thương hiệu bao gồm tất cả các thành tố của sản phẩm hoặc dịch vụ, từ thiết kế, nguyên liệu chế biến, quy trình sản xuất cho tới công tác tiếp thị, quảng cáo và logo.
Mỗi năm, Interbrand lại xếp hạng các công ty dựa trên việc tính toán sức mạnh của thương hiệu, cũng như vai trò của nó trong việc tạo ra sức cầu nơi thị trường.
Do suy thoái kinh tế, không có gì khó hiểu khi các công ty tài chính bị tụt hạng mạnh nhất. American Express giảm từ vị trí 15 xuống 22; HSBC giảm từ 27 xuống 32, Citi Group giảm một mạch từ hạng 19 xuống 36). Cả Merrill Lynch và AIG đều rớt ra khỏi danh sách Top 100.
Các hãng ô tô cũng có số phận đáng buồn không kém. Những đại gia nước Mỹ như General Motors hay Chrysler đều không thể góp mặt trong danh sách 100 hãng. Ngay cả Toyota, thương hiệu dẫn đầu trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, cũng tụt từ vị trí số 6 xuống hạng 8.
Tương tự, BMW tụt từ 13 xuống 15, trong khi Ford đứng nguyên ở vị trí số 49. Riêng Honda tâng được hai bậc lên hạng 18.
So với năm ngoái, nhóm 10 thương hiệu đầu bảng tỏ ra khá ổn định và không có nhiều thay đổi. Coca-Cola tiếp tục là Quán quân - vị trí mà hãng này đã nắm giữ suốt từ năm 2000 cho tới nay. Giá trị thương hiệu của Coca-Cola đã tăng 3% trong năm 2009 lên 68,73 tỷ USD, còn IBM tăng 2% lên 60,21 tỷ USD.
Càng khó, càng phải năng động
Gã khổng lồ công nghệ "Big Blue" (tên gọi khác của IBM) đã tung ra một số sản phẩm mới trong năm 2009 và nhờ đó, giá trị thương hiệu của hãng được cải thiện. "Liên tục tung ra sản phẩm mới sẽ khiến người dùng quan tâm, hứng thú và chi tiền, kể cả trong bối cảnh suy thoái", ông Frampton bình luận.
"Ngay cả những lúc khó khăn, bạn cũng không được phép ì trệ và lờ đờ. Sáng tạo chính là nền tảng của mọi thành công trong tương lai. Thời nay, không còn chỗ cho những kẻ chỉ biết đứng im chờ đợi hay chịu trận".
3 hãng còn lại trong Top 5 đều giảm giá trị, dù thứ bậc không có sự xáo trộn nào so với năm ngoái. Giá trị thương hiệu của gã khổng lồ phần mềm Microsoft giảm 4% xuống còn 56,64 tỷ USD, đứng ở vị trí số 3. Giá trị của General Electric giảm tới 10%, chỉ còn lại 47,77 tỷ USD dù vẫn giữ vị trí số 4. Cuối cùng, Nokia mất 3% giá trị để khóa sổ Top 5 với 34,86 tỷ USD.
Một lần nữa, giá trị thương hiệu của gã khổng lồ tìm kiếm Google lại tăng trưởng nhanh nhất thế giới (25%), đạt 31,98 tỷ USD và đứng ở vị trí số 7, cao hơn 3 bậc so với năm ngoái và 13 bậc so với năm 2007. Ông Frampton đã gọi sự cất cánh của Google là "phép màu nhiệm".
"Google đã cân bằng được việc xây dựng niềm tin nơi người dùng với các sức ép khủng khiếp mà một công ty lớn phải đối mặt. Tuyên ngôn của họ là "Không làm điều xấu" và nó đã nhận được sự hưởng ứng nơi người dùng trong bối cảnh suy thoái.
Cũng vượt khó một cách ngoạn mục là Apple. Hãng này đã tăng liền 4 bậc lên vị trí 20, đứng trên khá nhiều gã khổng lồ điện tử như Sony và Nintendo. "Apple là thí dụ kinh điển về việc duy trì sự tập trung cho những sản phẩm thế mạnh", Interbrand bình luận.
Theo VietNamnet
CÁC TIN KHÁC
|