IP:3.23.101.60

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Bệnh nhân tim Việt Nam được điều trị bằng tế bào gốc
13/03/2010 07:39 AM

Trong trường hợp bị bệnh lý tim mạch, áp dụng các phương pháp điều trị như đặt stent, can thiệp mạch vành… không mang lại hiệu quả tốt, bệnh nhân có thể được điều trị bằng tế bào gốc. Hiện đã có 6 bệnh nhân cho kết quả khả quan nhờ phương pháp mới này.

 

Hình ảnh minh họa tiêm tế bào gốc qua đường động mạch vành
vào vùng cơ tim bị nhồi máu (Ảnh: TS Hùng cung cấp)

Vượt qua biến chứng suy tim

Tại bệnh viện Tim mạch quốc gia, đến nay đã có 6 bệnh nhân độ tuổi từ 43-67 được điều trị thử nghiệm liệu pháp tế bào gốc và đều cho kết quả tốt, cải thiện được chỉ số chức năng co bóp tim ở những mức khác nhau. Cả 6 bệnh nhân này đều được bắt đầu điều trị từ năm 2007 bằng phương pháp tế bào gốc, trong khuôn khổ đề tài nhánh Điều trị thử nghiệm tế bào gốc trong một số bệnh lý về tim mạch của GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia. Những bệnh này được sử dụng tế bào gốc từ tuỷ xương của chính mình để điều trị phối hợp bệnh suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp.

TS. Phạm Mạnh Hùng, Bộ môn Tim mạch (Đại học Y Hà Nội), Viện Tim mạch quốc gia, cho biết: Cả 6 bệnh nhân này khi vào viện đều bị bệnh lý nhồi máu cơ tim và đều được điều trị bằng các biện pháp như can thiệp mạch vành, đặt stent… nhưng chức năng co bóp của tim không được cải thiện rõ rệt, vẫn chỉ ở mức 30-40% (chỉ số bình thường phải đạt 55%), vẫn còn dấu hiệu suy tim. Vì thế, khi các bác sĩ giải thích về phương pháp này, cả 6 bệnh nhân đã tự nguyện tham gia điều trị. Trải qua hơn 2 năm, hiện có thể nói, mức độ cải thiện chức năng co bóp của tim đều khá lên ở các mức độ khác nhau.

Trong 6 bệnh nhân này, người có kết quả điều trị tốt nhất là PGS.TS N.Đ.San, Giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi nhập Viện Tim mạch quốc gia cấp cứu do bị nhồi máu cơ tim cấp, PGS San đã được các bác sĩ điều trị bằng can thiệp mạch vành, đặt stent, dùng thuốc phối hợp… nhưng sau điều trị, chỉ số chức năng co bóp tim của ông vẫn chỉ đạt 30% và tiên lượng diễn tiến bệnh sẽ ngày càng xấu đi, xuất hiện nguy cơ suy tim.

Sau khi chuyển sang điều trị bằng tiêm tế bào gốc được 6 tháng, chức năng co bóp tim của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt. Đến nay, sau hơn 2 năm sau điều trị, chỉ số chức năng co bóp cơ tim của ông đã ổn định ở khoảng trên 50%. Hiện sức khỏe PGS San hoàn toàn ổn định, sinh hoạt, lao động như một người bình thường.

Còn bệnh nhân N.T.Q (63 tuổi ở Hà Nội) trước khi được điều trị bằng tế bào gốc, tình trạng sức khỏe rất xấu do có biểu hiện suy tim nặng, đã từng nhập viện cấp cứu nhiều lần, chức năng cơ tim chỉ xấp xỉ 30%. Khi chuyển sang điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc, chức năng cơ tim chưa được tốt ngay, nhưng sau một năm, chỉ số này đã tăng lên ở mức gần 40%. 

Để áp dụng điều trị bằng tế bào gốc, hiện Viện Tim mạch quốc gia đang phối hợp với Bộ môn Tim mạch (Đại học Y Hà Nội) và Khoa Huyết học - Bệnh viện Trung ương quân đội 108, sử dụng tế bào gốc từ tuỷ xương của chính bệnh nhân để điều trị phối hợp bệnh suy tim sau nhồi máu cơ tim cấp. Theo đó, tại Viện Tim mạch quốc gia, bác sĩ sẽ lấy khoảng 200ml dịch tuỷ xương của bệnh nhân. Sau đó, dịch tủy xương được chuyển sang Khoa Huyết học - Bệnh viện Trung ương quân đội 108, chiết tủy còn 10ml dung dịch chứa tế bào gốc không chọn lọc và tiếp tục chuyển về để bơm vào vào động mạch vành chi phối vùng cơ tim bị tổn thương.

Mở rộng nghiên cứu

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết: "Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị tim mạch là một kỹ thuật điều trị mới nhất cho những tổn thương cơ tim không thể phục hồi ở Việt Nam. Trên thế giới, đã có nhiều nước đã thực hiện thành công liệu pháp điều trị này và ứng dụng thường xuyên".

Hiện nay, trên thế giới, tế bào gốc đang được ứng dụng nghiên cứu ở nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau như nhồi máu cơ tim cấp, bệnh động mạch vành mạn tính, bệnh cơ tim giãn, bệnh động mạch chi dưới mạn tính… Các nhà khoa học vẫn còn có rất nhiều câu hỏi về liệu pháp tế bào gốc, như nó tốt nhất cho bệnh gì, chủng loại tế bào gốc, số lượng bao nhiêu, bệnh nào nên làm… Vì thế, trong năm 2010, Viện Tim mạch quốc gia sẽ mở rộng đề tài điều trị chống suy tim sau nhồi máu cơ tim bằng tế bào gốc trên khoảng trên 30 bệnh nhân, tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để có thể đưa ra những đánh giá về hiệu quả của việc ứng dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh lý về tim.

Khi được mở rộng nghiên cứu, những bệnh nhân tim mạch sẽ có thêm cơ hội điều trị, nhất là với bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Vì tỉ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim là khoảng 10% tổng số bệnh nhân trong Viện Tim mạch quốc gia, trong đó có khoảng 10-20% bệnh nhân không cải thiện được chức năng tim sau khi được áp dụng các biện pháp thông thường.

Theo DanTri




CÁC TIN KHÁC

• Chỉ số thông minh không liên quan thể tích não (12/03/2010)
• Virus HIV có thể trốn trong tủy xương (10/03/2010)
• Vitamin dạng sủi có thể gây hỏng răng (08/03/2010)
• 9 triệu chứng biểu hiện thận hư (06/03/2010)
• Ho và mối lo bệnh tật (03/03/2010)
• Sử dụng muối thông minh (01/03/2010)
• Cận thị có nên phẫu thuật? (23/02/2010)
• Những sai lầm khi uống trà (22/02/2010)
• Sử dụng nhân sâm (19/02/2010)
• Xử trí với những cơn đau ngực, tức ngực. (19/02/2010)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd