Con mình nó bảo là có, lúc chết rồi là hết đát. Cố cãi với bọn trẻ nhưng mà có cái bao bì-người nào ghi hạn sử dụng đâu. Vợ thì thực tế hơn, nói cái ngày ký quyết định về hưu ấy là hết hạn sử dụng, hết đát. Ngẫm cũng phải mà lại không phải. May ra ở thời đại tinh vi vi tính lại có cái up-to-date, thường nói gọn là update.
Nguyên cái sự phát âm đã thấy có cách biệt theo chiều tiến lên rồi. Hết đát, quá đát đều là đọc chữ date theo kiểu phố cổ Hà Nội lai kiến trúc thuộc địa Pháp. Ai cũng phát âm là đát, từ chị ôsin đến ông tiến sĩ du học nói tiếng Anh. Trong khi ắpđết (update) vẫn cứ phải là update. Đố anh nào dù võ vẽ biết dùng computer lại nói khác, viết khác. Văn hoá ngôn từ nó như vậy. Tự nó tìm ra dòng chảy hợp lẽ nhất để ra biển rộng. Xin đừng bận lòng soi xét lý luận ở đây vì cái sự phát âm.
Cái hết đát, quá đát của người ta là có thật, chỉ khác nhau lúc khó lúc dễ nhận ra. Và... giống nhau ở chỗ tự “sản phẩm” không biết, không tự kêu lên tôi hết date rồi. Lỗi là ở nhà hàng vẫn cứ bày ra không kiểm tra hạn dùng và có khi còn gian lận đánh tráo một cái date khác. Nguy hại của hàng hoá vật chất hết date thì ai cũng biết và xã hội đã có cảnh báo, chế tài. Đơn giản là không mua hay tẩy chay cái thương hiệu đó.
Nhưng giá trị sản phẩm tinh thần phi vật thể bị quá date thì sao đây? Nghĩ mà thấy nan giải. Có lẽ bao nhiêu vấn đề bức xúc thường ngày và sâu xa hơn đều có nguyên do từ sự quá date này. Chuyện hàng “dỏm” kiểu tiến sĩ giấy đã lộng giả thành chân nên chuyện quá date chắc cũng không dễ. Nhưng cũng chả bi quan làm gì vì còn có update.
Những phiên bản uy tín có kết nối Internet đều có khả năng update, bạn có quên thì computer cũng có cảnh báo nhắc nhở. Ví von công nghệ thông tin với con người hiện đại chắc cũng không bị mắng là hỗn vì dám ví sếp với cái laptop.Thực ra thì các quý ông quý bà cũng chịu khó nâng cấp lắm những gì cho mình như ôtô, thẩm mỹ các loại vòng, tai mũi họng, răng hàm mặt, giày dép quần áo… Chỉ quên mỗi cái cần nhất cho cái laptop-người là hệ điều hành thì không chịu update và thả cho đủ loại vius, spam xâm nhập, phá phách đến mức sếp bị “treo”.
Đâu đâu bây giờ cũng là chuyện nhân sự, chuyện con người. Xin đổ tại cơ chế, thể chế ít thôi. Mới hay muôn sự tại… người. Yếu tố con người quyết định tất cả. Vậy mà một hộp sữa chua thì người lớn dứt khoát bắt trẻ con vứt đi vì quá đát còn cái nhân sự quá đát tiềm ẩn bao nguy hại cho xã hội thì lại được để lại dùng tạm với bao kiểu biện hộ nhiều khi là ngụy biện.
Một con người bình thường có thể quá đát về sức khoẻ hay một kỹ năng nào đó nhưng với lòng tự trọng họ sẽ biết update cho mình để cuộc sống có ý nghĩa, để không đứng bên lề nhìn dòng đời trôi nhanh. Những nhân cách lớn dù tuổi đã cao vẫn không chỉ update mà còn làm việc một cách sáng tạo với chất lượng “gừng càng già càng cay”.
Cuộc đời người nhiều khi chỉ cần hơn nhau một từ “ắp” đấy thôi!
Theo LaoDong