Những lời “xát muối”
Bạn vẫn tự hào mình là người luôn nói thẳng nói thật, chẳng bao giờ nói dối, nhưng hãy xem cách nói thật của bạn đã hẳn là tốt chưa nhé. Nếu nói thật mà rơi vào những hoàn cảnh, trường hợp sau thì bạn cần phải làm “kiểm điểm” bản thân.
Mọi người rất ngại nhắc đến “điểm yếu” của những người kém may mắn về hình thức, cũng như hoàn cảnh gia đình đến việc học hành vì sợ làm họ tổn thương thì bạn lại vô tư đến mức vô tâm “xơi” tất cả những điều đó (tất nhiên đó là sự thật) lên khi có cơ hội.
Cô bạn cùng lớp vốn chẳng được xinh xắn gì, đã chẳng mấy tự tin về vẻ ngoài của mình, mặc một chiếc áo mới để mong nhận được một lời khen từ bạn bè. Có thể chiếc áo không hợp với họ nhưng lúc đó không nhất thiết bạn phải nói: “Tớ nói thật là cậu mặc gì cũng chẳng đẹp được”.
Gặp mẹ của cô bạn cùng phòng, bạn ngạc nhiên vì bác ấy… già trước tuối, bạn tỉnh bơ… nói thật: "Úi, mẹ cậu đó á? Sao vừa già vừa xấu thế? Mẹ tớ cũng gần 50 mà trẻ lắm nhé!". Ừ, thì bạn đang nói rất thật nhưng bạn có nghĩ đến cảm giác của của cô bạn mình lúc đó? Hãy thử hình dung, ai nói trước mặt bạn điều tương tự như thế về bố mẹ mình, bạn có dễ chịu nổi không?
Biết hoàn cảnh của gia đình bạn tận chân tơ kẽ tóc, bạn đi rêu rao sự thật ngay: “Nhà cái ấy nhé, chán ghê cơ, nhà gì mà lụp xụp, mốc meo. Bố nó suốt ngày say rượu…”. Đây là sự thật nhưng cô bạn đã không muốn nhắc đến, và chắc chắn họ sẽ rất buồn khi bạn là người “công bố” điều này.
Một học sinh kém trong lớp đang trong giai đoạn cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa mấy khả quan. Thầy cô, bạn bè đang ra sức động viên họ thì bạn lại “bồi” cho một câu "chết người': “Cậu cố làm gì cho mệt người, đã dốt thì cứ hoàn dốt thôi”.
Rất nhiều, rất nhiều sự thật kiểu này bạn đang nói hàng ngày nhưng bạn xem có mấy ai muốn nghe hay không?
Hãy biết lựa lời
Người ta nói “Sự thật mất lòng” thật chẳng sai trong các trường hợp trên. Nói ra những sự thật này chẳng những làm mất lòng, tổn thương mà còn là một sự xúc phạm đến người khác.
Vậy nhưng, chứng bệnh “nói thật” kiểu này khá nhiều bạn trẻ bây giờ mắc phải vì với họ đôi lúc không đơn thuần chỉ nói ra suy nghĩ của mình mà còn xem đó là cách “hạ bệ” người khác. Lúc này, cũng chẳng ai ghi nhận bạn là người dám nói thẳng nói thật mà bạn trở thành một người vô duyên, vô tâm, thích châm chọc cũng như lôi người khác để làm trò đùa.
Bạn sẽ chống chế bảo vệ mình: “Nhưng đó là sự thật và là suy nghĩ thật của tớ”. Lời bạn nói cũng có thể là suy nghĩ của những người khác nhưng tại sao người ta không nói ra? Sự thật đó có cần thiết phải nói ra đâu bạn? Nếu không thể biết nói một lời động viên, khuyến khích người khác thì tốt nhất lúc đó bạn hãy im lặng.
Nhiều bạn luôn tự hào vì mình là người dám nói thẳng nói thật nhưng chỉ toàn nhằm vào những sự thật để châm chọc người khác. Còn có những điều “chướng tai gai mắt”, những oan ức của mọi người cần lên tiếng thì lại im thin thít.
Sự thật không bao giờ là sai nhưng nói sự thật không đúng lúc đúng chỗ nhiều lúc còn tệ hơn cả một lời nói dối. Nếu những lời nói dối nhưng không làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác, ngược lại còn đem đến niềm tin, niềm vui cho mọi người thì vẫn còn hơn rất nhiều “nói thật không đúng chỗ”.
Theo BaiHocThanhCong