Với giới doanh nhân người Việt gốc Hoa tại TP HCM, câu chuyện 26 năm theo nghề, tôn nghiệp của một người "siêu năng lực" như ông Kao dường như nhuốm màu huyền bí. Gọi là vua bánh, bởi lẽ, nếu có dịp ghé phòng làm việc của ông, không ít người choáng ngợp trước hàng chục bằng khen, cúp, huy chương quốc gia, quốc tế về nghề bánh treo dày đặc trên tường.
Cô thư ký của ông tiết lộ, đó là chưa kể còn rất nhiều bằng khen cũ phải cất đi vì không đủ chỗ. Gần đây nhất, năm 2007, ông trở thành thành viên của Hiệp hội bánh mì quốc tế, đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi làm bánh mì quốc tế tại Hong Kong và giành 2 huy chương bạc cho sản phẩm bánh mì và bánh kem các loại. Hiện, ông là Chủ tịch Hiệp hội bánh mì châu Á. Doanh nghiệp của ông, ABC Bakery còn là nhà cung ứng vỏ bánh cho các thương hiệu nổi tiếng như KFC, Lotteria, Jolibee và chinh phục được thị trường khó tính là Nhật Bản.
Doanh nhân Kao Siêu Lực trong một góc phòng làm việc treo đầy bằng khen, huy chương.
Ảnh: Vũ Lê.
Thế nhưng, dù gặt hái được nhiều thành tích, mấy ai thấu hiểu rằng chặng đường ông đi cũng không ít nhọc nhằn và đầy chông gai. Xuất thân trong gia đình gốc Hoa tại Campuchia, Kao Siêu Lực được cha cho học nghề cơ khí theo đúng nguyện vọng. Khi đất nước Angkor nổ ra chiến tranh, ông ba lần bốn lượt trở thành kẻ trắng tay dù cật lực làm việc. Loay hoay tìm chốn bình yên để an cư, Kao Siêu Lực đưa ra quyết định xoay chuyển tình thế, chọn Việt Nam làm quê hương lập nghiệp từ năm 1979.
Hồi tưởng lại những ngày đầu đến Việt Nam, ông Lực chia sẻ với VnExpress.net: "Lúc đó tôi tuyệt vọng vì không biết tiếng Việt, không họ hàng thân thích và không vốn liếng. Dạt về khu Chợ Lớn, tôi ngủ lề đường, làm phu xe để kiếm cơm qua ngày ".
Ông Kao kể lại, việc kéo xe thời đó đối với ông cũng là bài toán khó. Ông phải tranh thủ thời gian những phu xe khác nghỉ ngơi để mượn xe hành nghề, ai kêu đâu thì chạy tới đó, giao tiếp bằng tay là chính. Khách cho bao nhiều tiền cũng được, ông không biết mặc cả. Được một thời gian, đã quen đường sá và biết giao tiếp bằng tiếng Việt, ông chuyển sang nghề bán gạo. Đến khi thế giới viện trợ bột mì cho Việt Nam, người dân thi nhau đổi bột mì lấy gạo, ông chính thức sắm vai mới: thu gom và giao bột mì.
"Bị "đì" nhiều năm nhưng cuối cùng trời thương, phú cho tôi có đôi bàn tay biết cảm nhận bột mì chính xác đến từng ly. Chỉ cần sờ vào, tôi đã biết bột loại gì, tốt hay xấu, cũ hay mới. Tôi bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm từ lúc ấy", ông bồi hồi nhớ lại chuyện hơn 20 năm về trước.
Ông Kao bên mẻ bánh mới thí nghiệm xong. Ảnh: CL. .
Giao bột mì một thời gian, ông có dịp làm quen với giới làm bánh mì, bánh tươi và nảy ra ý định mở lò bánh năm 1982. Thuê thợ về làm, ông cần mẫn, say mê học nghề trong vai trò vừa là ông chủ vừa là người thợ phụ việc, vừa phải chở bánh đi bán dạo khắp nơi, bỏ mối bánh thì chỉ được thu tiền sau. Phải thức dậy từ 2-3h sáng để chuẩn bị nguyên liệu, phụ gia cho thợ chính, cộng thêm việc giao bánh quá vất vả, một hôm ông ngủ quên vì mệt mỏi, kiệt sức. "Thợ đến thấy tôi không chuẩn bị gì thì mắng như té tát rồi quát tháo dọa nghỉ việc. Làm chủ mà bị coi thường, từ đó, tôi quyết tâm học nghề làm bánh cho bằng được để không ai khinh mình", ông Kao nói.
Năm 1983 lập gia đình, ông Kao cùng vợ dốc sức theo nghề bánh. Với lòng ham học hỏi, cầu thị, lại am tường về nguyên liệu làm bánh, cộng thêm có sẵn nghề cơ khí trong tay, ông nghiên cứu, chế được máy đánh trứng, tạo ra nhiều khuôn bánh hoàn hảo và liên tục cho ra đời các loại bánh mới. Từ việc phải đi bán dạo, tìm kiếm khách hàng, cuối cùng "thượng đế" đã biết đến cửa hàng bánh của ông. Các nhà phân phối kéo đến xếp hàng lấy bánh, đơn đặt hàng ngày một nhiều. Năm 1989 thương hiệu Đức Phát ra đời trong niềm hân hoan, kỳ vọng của ông và gia đình.
Thế nhưng, trong khi việc phát triển thị phần ngày một lớn mạnh, được khách hàng trong nước và bạn bè trong khu vực ủng hộ thì gia đình ông đứng trước bờ vực đổ vỡ. Năm 2005, ông và vợ ly hôn, vụ tranh chấp thương hiệu đình đám trị giá một triệu USD giữa hai vợ chồng kéo dài đến năm 2007 thì kết thúc. Lúc này ông chính thức chia tay thương hiệu mình từng đổ bao tâm huyết gầy dựng.
Ông Kao cùng các học trò và thợ bánh nghiên cứu cách làm bánh trong phòng thí nghiệm tại xưởng ABC Bakery.
Ảnh: CL.
"Tôi vẫn còn 10 cửa hàng bánh sau khi ly hôn nhưng khi kéo bảng hiệu Đức Phát xuống, tôi cảm thấy tinh thần sụp đổ. Không phải vì sợ mình không gầy dựng được thương hiệu mới, chỉ vì không nỡ dứt bỏ đứa con tinh thần mình mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng bấy lâu", ông Kao ngậm ngùi nhắc chuyện cũ.
Từng suy sụp đến độ sức khỏe tuột dốc nhưng vốn là người "siêu lực", ông Kao nhanh chóng tạo dựng thương hiệu mới ABC Bakery viết tắt của chữ Asia Bakery and Confectionery (Doanh nghiệp tư nhân bánh kẹo Á châu) vào tháng 5/2007. Ông hạnh phúc tiết lộ thêm, ABC cũng là tên tiếng Anh viết tắt của các con: Anglela (con gái thứ Kao Huy Minh); Bruch (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái cả Kao Huy Phương). Rồi dường như vẫn muốn chia sẻ thêm niềm hạnh phúc ấy, ông cười hào sảng nói tiếp: "Logo của ABC với hình một cậu bé mặc bộ quần áo thợ làm bánh chính là hình ảnh con trai út của tôi lúc nhỏ. Cháu học làm bánh từ năm 10 tuổi và hiện theo học ngành này tại Singapore".
3 năm qua, ông mở thêm 15 cửa hàng bánh tại Việt Nam, 2 cửa hàng bánh tại Campuchia, trong năm 2010 dự kiến sẽ có thêm 6 cửa hàng được mở với thương hiệu này. Mùa bánh trung thu năm nay, ông còn dốc tâm huyết cùng cộng sự tự chế tạo hệ thống máy làm bánh trung thu thay vì nhập khẩu để tiết kiệm chi phí sản xuất. Không ngừng tìm tòi sáng tạo, ông còn dành tặng cho "thượng đế" của mình một loại bánh độc đáo mang tên: Công Chúa Đen làm từ chocolate và phô mai trong quý II.
Khi được hỏi bí quyết thành công, ông Kao cười hồn hậu bật mí: "Chất lượng và chữ tâm, chỉ cần có hai thứ đó, bạn sẽ chinh phục được tất cả". Ông tâm niệm thợ vui thì ông vui, thợ gặp khó khăn thì ông xoắn tay áo cùng làm để giải quyết công việc. Dù là ông chủ nhưng ông không xa cách với nhân viên, vừa là thầy dạy cho thợ của mình, lại vừa là người bạn cùng làm việc với họ. Chính vì vậy, dù thương hiệu thay đổi nhưng ông vẫn được những học trò và bè bạn thợ thầy trung thành cùng góp sức với ông cho đến ngày hôm nay.
Tại vòng loại cuộc thi Cúp bánh mì thế giới diễn ra ở TP HCM trung tuần tháng 8, người đàn ông ngoại ngũ tuần yêu bánh như hơi thở, đầy nhiệt huyết với nghề, luôn dõi theo từng bước học trò trên trường thi. Khi hay tin thợ của mình đạt giải, ông vỗ tay reo hò thể hiện niềm vui như đứa trẻ. "Chúng tôi sẽ dốc sức thi trong vòng tiếp theo, tôi vẫn luôn kỳ vọng bánh mì Việt Nam được thế giới biết đến ngày càng nhiều", ông nói.
Theo VietNamNet