Đi học chỉ để điểm danh
Lâu nay việc học hộ, điểm danh hộ đã không còn xa lạ đối với sinh viên. Những kẻ ham chơi nhờ người, thuê người đi học hộ rất đáng lên án. Điều đó không có nghĩa là những người chăm chỉ đến giảng đường đều đáng được khen ngợi. Không ít bạn trẻ đến giảng đường chỉ để "có mặt", đến để điểm danh cho đủ điều kiện thi.
Tình trạng chung của đại đa số sinh viên là chán học những môn đại cương và những môn học yêu cầu tư duy, suy luận logic như triết học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế chính trị,...
Những môn nào giảng viên thoải mái, không điểm danh thì một số tìm cách bùng học, một số bỏ giờ. Với những giảng viên nghiêm khắc (tức là có điểm danh và yêu cầu không nghỉ quá 30% số buổi học mới được thi hết môn) thì những kẻ "chán học" buộc phải đến lớp. Những kẻ láu cá hơn thì cứ căn đúng giờ giảng viên điểm danh mà có mặt. Tiết học đầu đông đủ nhưng sau khi điểm danh lớp học chỉ còn phân nửa sinh viên.
Đến lớp cho "có mặt", nhiều sinh viên vô tư ngủ gục trong lớp học (nguồn ảnh: Internet)
Những sinh viên này đã không còn hứng thú với việc học, tuy nhiên để có được tấm bằng họ vẫn phải đến lớp đầy đủ. Người ngủ, người lấy điện thoại ra lướt web, người nhắn tin, nghe nhạc... Những hình ảnh này không khó bắt gặp trong các giảng đường.
Môn học chán, thầy giảng khô khan không hấp dẫn là nguyên nhân mà đại đa số các bạn sinh viên đưa ra để biện minh cho sự học chống đối của mình.
"Mình cũng nhiều lần có mặt chỉ để điểm danh. Nhiều môn giáo viên dạy chán lắm, không muốn học. Như môn triết học và tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng hạn, thi xong là quên hết, ai học cũng kêu buồn ngủ. Sinh viên lại có tật thức đêm muộn nên nhiều người sáng vẫn chưa tỉnh ngủ, đến lớp điểm danh xong là ngủ tiếp" - một bạn trẻ có nickname eternal_flame9x không ngại ngần bày tỏ trên một diễn đàn.
Một bạn khác nói thêm: "Phải đến trường vì không điểm danh thì bị đình chỉ thi. Còn những môn học không cần thiết, chán học không ngủ thì biết làm gì".
Việc học ở bậc đại học có khác so với học sinh phổ thông. Giảng viên chỉ là người hướng dẫn, cung cấp kiến thức nền. Sinh viên tự học, tự nghiên cứu là chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian dành cho việc tự học ở nhà của sinh viên đâu có nhiều, bởi lẽ các bạn còn bận vô số việc: người làm thêm, người yêu đương, rồi vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè,...
Học qua loa, thi qua là được
Không ít sinh viên cho rằng, việc học trên lớp thế nào không quan trọng, điều quan trọng là kết quả thi hết môn. Với tâm lý đó, những ngày học bình thường thì các bạn nhởn nhơ chơi, chỉ đến mùa thi mới cắm cổ cắm đầu vào học.
Bạn Bùi Tuấn Vũ, sinh viên ĐH Dân lập Đông Đô - Hà Nội bày tỏ: "Mình ủng hộ đi học không cần điểm danh. Sinh viên đến lớp hay không thì tuỳ, miễn sao thi qua các môn là được. Nhiều bạn đến lớp chăm chỉ mà khi thi có qua đâu, có người không cần đến lớp nghe giảng mà người ta vẫn thi đỗ đó thôi".
Còn Ngô Quang Sáng, sinh viên Đại học Thương mại lại có cái lý riêng của mình: "Với các môn đại cương thì chỉ cần học để đủ điểm qua thôi. Còn những môn chuyên ngành cần cho công việc của mình sau này mới cần tập trung và học hành nghiêm chỉnh".
Một số bạn con nhà quyền thế, bố mẹ đã ngắm chắc một cho một nơi tốt lành để về ngay sau khi ra trường thì mục tiêu của họ chỉ là tấm bằng, còn xếp loại gì thì không cần thiết. Đối với họ việc học để có kiến thức đã không còn là mục tiêu số một.
Học là cho chính mình!
Phải thừa nhận rằng cách giảng dạy ở nhiều trường đại học ở Việt Nam còn khô khan, nhiều lý thuyết và giảng suông, chưa thu hút được sự ham mê tìm hiểu của giới trẻ. Cần có phương pháp giảng dạy mới hấp dẫn hơn, lý thuyết đi đôi với thực hành để tạo hứng thú, kích thích sự sáng tao cho những bạn trẻ mê hoạt động.
Tuy nhiên, việc đi học là vì chính bản thân sinh viên chứ không phải học cho gia đình và nhà trường. Có những thứ chúng ta chọn vì biết rằng nó tốt, bỏ vì cho rằng nó dư thừa. Chúng ta có quyền lựa chọn học những thứ chúng ta thích. Nhưng có những cái chúng ta không thích lại hết sức cần thiết cho cuộc sống và công việc. Chính vì vậy chúng ta phải biết cách học cả cái thích và cái không thích.
Giảng đường đại học là nơi linh thiêng và là niềm mơ ước của rất nhiều người. Chúng ta cũng đã từng mơ ước và đã cố gắng để thực hiện được mơ ước đó. Hãy tự tìm cho mình niềm hứng thú để mỗi ngày đến giảng đường là một ngày ta có thêm kiến thức.
Theo VnMedia