Thông tin trên được Bộ GD-ĐT công bố tại Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 của khối các trường ĐH, CĐ được tổ chức ngày 25/8 tại Hà Nội.
Biết nhưng... cố tình sai
Theo Bộ GD-ĐT, hầu hết các trường ĐH đều có hoạt động liên kết đào tạo (LKĐT), trong đó một số trường có quy mô liên kết đào tạo lớn hàng chục nghìn học viên như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ… Riêng ĐH tại chức Cần Thơ liên kết với 14 đơn vị, hiện đang đào tạo 75 lớp với gần 10.000 học viên.
Các trường (đơn vị chủ trì đào tạo) đều liên kết với nhiều cơ sở khác nhau từ các trường đại học đén các trung tâm GDTX, các trường nghề, trường chính trị, các trung tâm của một số tổ chức xã hội, nghề nghiệp.
Hầu hết các liên kết đào tạo đều có văn bản đề nghị của địa phương hoặc Bộ ngành liên quan, có ký kết hợp đồng đào tạo. Tuy nhiên, Trung tâm GDTX tỉnh Long An, Tiền Giang đã mở liên kết tại địa phương không có văn bản đề nghị của địa phương, bộ ngành liên quan. ĐH Nha Trang triển khai liên kết đào tạo với quy mô lớn, cả ngành mới được phép đào tạo. Do vậy, đã dẫn đến không phù hợp với năng lực của đơn vị, phải mời giảng quá nhiều.
Thậm chí nhiều đơn vị phối hợp đào tạo không có phòng thực tập, thực hành, không có thư viện như TTGDTX tỉnh Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đặc biệt, TTGDTX tỉnh Long An với quy mô đào tạo 34 lớp với tổng số 3.842 học viên (778 vừa học vừa làm, 3.046 từ xa) nhưng chỉ có 8 phòng học (2 phòng cấp 4, 3 hội trường 120 chỗ, 3 phòng 150 chỗ) và 10 máy vi tính.
Trong công tác tuyển sinh, một số trường tuyển vượt chỉ tiêu so với đề nghị của UBND tỉnh như: ĐH Kinh tế Quốc dân liên kết với Trường trung cấp Kế toán - Kỹ thuật và tại chức Ninh Bình tuyển 205/80 chỉ tiêu lớp cử nhân Tài chính kế toán; ĐH Đà Lạt liên kế với TTGDTX tỉnh An Giang tuyển 191/150 chỉ tiêu lớp Luật K29; ĐH Nha Trang liên kết với trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ tuyển 264/150 chỉ tiêu tuyển sinh; ĐH Luật TPHCM liên kết với Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ tuyển 220/150 chỉ tiêu được giao. Một số trường miễn thi tuyển sinh không đúng đối tượng như ĐH Ngoại ngữ ĐH Đà Nẵng, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp - ĐH Thái Nguyên…
Một số trường không ra quyết định công nhận trúng tuyển hoặc chỉ lập danh sách trúng tuyển có phê duyệt của thủ trưởng đơn vị như: Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Nông lâm và ĐH Sư phạm (ĐH Huế). Một số trường bổ sung người học nhưng không có quyết định trúng tuyển bổ sung, chuyển địa điểm học cho sinh viên nhưng không có quyết định như ĐH Văn hoá Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Công đoàn, ĐH Ngoại thương…
Sẽ dừng tuyển sinh nhiều ngành liên kết đào tạo
Lợi dụng hình thức đào tạo này, nhiều trường chỉ tập trung liên kết đào tạo tại các địa phương lớn, đi lại thuận tiện, thí sinh đông, khả năng thu học phí cao. Một số trường liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định, kế hoạch giảng dạy thường xuyên thay đổi, buông lỏng quản lý việc dạy.
Hầu hết các đơn vị chủ trì đào tạo đều thành lập khoa đào tạo tại chức, phòng quản lý đào tạo tại chức hoặc khoa GDTX để trực tiếp quản lý công tác tuyển sinh, theo dõi và quản lý các lớp liên kết đào tạo. Do vậy, nhiều trường ĐH không lập hoặc không lưu giữ sổ theo dõi lên lớp của các lớp liên kết như: ĐH Công đoàn, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Văn hoá, ĐH Ngoại thương, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên)…
Một số trường do thiếu giảng viên đã giao cho đơn vị phối hợp liên kết tự mời giảng viên như lớp liên kết tại Bình Định của trường ĐH Ngoại thương, lớp BN08DN - 1 của trường ĐH Nha Trang.
Nhiều đơn vị phối hợp đào tạo chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ quản lý khoá đào tạo, các hồ sơ liên quan đến thi, kiểm tra học phần, tốt nghiệp như TT GDTX Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Hoà Bình, Bắc Ninh…
Bên cạnh đó, hầu hết các lớp liên kết được tổ chức học cuốn chiếu từng môn, nhiều môn học không dạy đủ số tiết quy định như Lớp ĐH Mầm non 1, Trường ĐH Sư phạm TPHCM liên kết với Trung tâm GDTX tỉnh Tiền Giang có môn Triết học 60 tiết dạy trong 5 ngày; lớp Kế toán 2007 liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế TPHCM với Trung tâm GDTX Long An, môn Triết học Mác - Lênin 60 tiết dạy trong 3,5 ngày; môn Tin học 60 tiết dạy trong 3,5 ngày; môn Toán xác suất chỉ dạy 45 tiết quy định trong 3 ngày…các lớp liên kết của ĐH Đà Lạt, Ngoại thương chủ yếu dạy vào buổi tối nhưng tính 5 tiết/ngày…
Đặc biệt, các lớp đào tạo sau đại học mở ngoài nhà trường, đào tạo theo chương trình chính quy nhưng đối tác liên kết không phải là cơ sở có chức năng liên kết đào tạo sau ĐH như ĐH Kinh tế Quốc dân liên kết với Sở Nội vụ Đồng Nai mở 2 lớp cao học Kinh tế, liên kết với chi Cục thuế Thanh Hoá mở lớp cao học Kinh tế; Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội liên kết đào tạo Sau ĐH với Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình, Trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Hoà Bình….
Ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, đối với trường hợp sai phạm nghiêm trọng không đảm bảo điều kiện về đội ngũ nhà giáo hoặc buông lỏng quản lý đào tạo, Bộ đã cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu dừng tuyển sinh đối với một số ngành nghề để củng cố như ĐH Văn Hiến, ĐH Hùng Vương…
Theo Dantri
CÁC TIN KHÁC
|