IP:3.137.173.98

Tin tức
Tin Công ty
Máy tính - Công nghệ
Y học - Sức khỏe
Giáo dục - Cuộc sống
Nhân vật & Sự kiện




Giáo dục Đức: Cách ươm mầm cho tiến bộ xã hội
18/09/2009 08:41 AM

Các vấn nạn hay thành tựu giáo dục không thể xem xét riêng rẽ, tách rời khỏi tiến hoá của xã hội, của thế giới. Thời kỳ nào cũng có những “huyền thoại” và những “niềm hy vọng bị phản bội”.

Chúng sẽ đến rồi đi, như “bóng câu qua cửa”. Chỉ những gì thu lượm được nhờ tác động qua lại giữa yếu tố con người và cách quản trị (Việt Nam gọi là “cơ chế”) là đọng lại trong truyền thống, và ẩn hiện trong triển vọng.

Coi trọng các khuôn mẫu của… Đức

Nhiều nghiên cứu gần đây vẫn cho rằng khiếm khuyết của nền sư phạm CHDC Đức là buộc học sinh phải học đều tất cả các môn (không chia thành các môn bắt buộc hay tự chọn), có biểu hiện bình quân chủ nghĩa, không chú trọng phát triển độc lập tính, không quan tâm đến cá tính, giáo điều, cấu trúc hệ thống đơn điệu, coi nhẹ bản sắc dân tộc và đặc tính địa phương, quan liêu, áp đặt từ trên…

 

Nhưng liệu có hời hợt, khi hát lại bài ca, rằng các nhược điểm của nền giáo dục kiểu Đông Đức từng là ưu điểm của trường phái sư phạm Tây Đức, và ngược lại. Để rồi áp dụng mô hình này thì phải loại bỏ mô hình kia?

Lịch sử cho thấy, tuy chế độ chính trị là khác nhau, nhưng các vấn đề trong giáo dục mà đôi bên gặp phải là giống nhau.

Cho dù hai nước Đức từng giải quyết những vấn đề này theo các cách khác nhau, ở đâu người Đức cũng đều cố đi tới cùng, hòng gặt hái được những thành tựu, hoặc những bài học sâu sắc, cả về chiến lược giáo dục lẫn khoa học sư phạm.

Chính phủ Liên bang Tây Đức đã luôn chú trọng tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học với các xí nghiệp công nghiệp.

Kể từ những năm 50, đã phát triển “hợp tác nghiên cứu”. Các doanh nghiệp, nhất là nhỏ và vừa, kết hợp với các trường và các viện nghiên cứu cùng tìm cách giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Điều quan trọng là không phải chỉ có các kỹ sư, kỹ thuật viên của doanh nghiệp được học (tại chức) ở trường, mà các sinh viên và các nhà khoa học trẻ phải xuống làm việc ở các xí nghiệp.

Thực tế này trở thành đặc tính của các trường đại học chuyên ngành, nơi cử các giảng viên đi thực tập ở các cơ sở sản xuất là đối tác.

Các trường đại học xây dựng các trung tâm triển lãm và tư vấn để đại diện doanh nghiệp tìm hiểu các thành tựu khoa học trong các lĩnh vực then chốt.

Các nghiên cứu cho biết có tới 80% học sinh ký hợp đồng với công ty họ tới học việc. 20% còn lại có thể bị xem là “không gây ấn tượng” trong tuyển dụng lao động.

Các doanh nghiệp lớn cũng quan tâm đáng kể tới các công trình khoa học ở trường đại học. Các trường này còn hợp tác mật thiết với các tổ chức nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận để trao đổi kiến thức và tương trợ nhau về cơ sở vật chất.

Các trường đại học CHDC Đức cũng có truyền thống liên kết chặt chẽ với nền sản xuất. Có thể nói, đây là một đặc thù của dân Đức nói chung.

Giáo dục hướng nghiệp ở CHDC Đức được coi là ít mang tính quảng canh “nước sông công lính”, như ở các nước thuộc Liên bang Xô viết.

Các học giả Tây Đức khẳng định đã tồn tại mối liên quan mật thiết giữa trường đại học và trường phổ thông ở CHDC Đức.

Quan điểm kế thừa cũng thể hiện trong quản trị các trường dạy nghề. Trường dạy nghề kiểu Đông Đức dạy cả lý thuyết và thực hành. Chính phủ Liên bang cố gắng duy trì hệ thống các trường dạy nghề của Đông Đức cũ, tìm cách hoà nhập chúng vào hệ thống đào tạo nghề kiểu Tây Đức. Đó là hệ thống trách nhiệm kép, khi cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp cùng điều hành quá trình huấn luyện.

Thời gian học tại doanh nghiệp chiếm tới ¾ quỹ thời gian đào tạo. Cơ sở dạy nghề, theo uỷ nhiệm của doanh nghiệp, sẽ cung cấp nền tảng lý thuyết, và mở rộng tầm hiểu biết ngành nghề. Hệ thống đào tạo nghề kiểu Tây Đức được thế giới đánh giá cao.

"Huyền thoại học sinh Việt Nam" giữa lòng châu Âu

Một số nghiên cứu ở Đông Âu gần đây cho rằng trường phái sư phạm Đông Đức có những biểu hiện dân chủ hơn.

Điều này có vẻ được minh chứng khi nghiên cứu “điều kỳ lạ Việt Nam” trong trường phổ thông Đức. Báo DIE ZEIT số ra ngày 22/01/2009 viết:

"Không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam: Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu (gymnasium). Như vậy tỷ lệ trẻ em Việt Nam phấn đấu lấy bằng tốt nghiệp trung học hệ 12 năm nhiều hơn so với trẻ em Đức. So với các em cùng trang lứa đến từ các gia đình Thổ Nhĩ Kỳ hay Italy, thì số học sinh trung học người Việt cao gấp 5 lần… Khoảng 30% số học sinh được chọn cấp học bổng (từ Quỹ hỗ trợ học sinh nhập cư năng khiếu Start-Stiftung) tại miền Đông Đức là người Việt Nam".

Dường như tác giả Martin Spiewak muốn gây cảm tưởng rằng học sinh Việt Nam đã nhìn thấy ở thày cô người Đức của mình “mẹ của em ở trường”, rằng trường học ở các bang từng thuộc Đông Đức có không gian sư phạm dân chủ, bình đẳng hơn.

Theo các quan chức phụ trách ngoại kiều, “huyền thoại Việt Nam” đã phản bác quan điểm cho rằng kết quả học tập trung bình của học sinh Đức so với thế giới bị trẻ em nhập cư “kéo xuống”.

Còn trên TAZ số ra ngày 19/4/2006, tác giả Marina Mai cho rằng các học sinh châu Á học giỏi hơn là do giáo viên ở Đông Đức tận tụy hơn các đồng nghiệp ở các bang phía Tây.

Các nghiên cứu cũng cho biết các em gái con nhà thu nhập thấp thường học giỏi hơn (vì phải “người lớn” hơn?) các bạn trai cùng tầng lớp, vốn dễ bị khích động cuốn theo những xáo động trong đời sống xã hội mà bỏ học (kể từ “bát tiết” trở đi). Các em trai và gái con nhà trung lưu có sức học ngang nhau.

Về giáo dục học, cả thực trạng “sút kém lực học trung bình” của học sinh Đức và “huyền thoại học sinh Việt Nam” có thể còn những nguyên do khác.

Trong một thế giới đang trải qua những biến động mãnh liệt của quá trình toàn cầu hoá, nhà trường và cả nền giáo dục của từng nước đều san sẻ những vận hội, và đều phải phấn đấu, trước hết vượt lên chính mình để khỏi tiến vào… quá khứ.

Các trẻ em Việt Nam được học trong nhà trường Đức nơi có thể đã kết hợp được sự ưu việt của hai trường phái giáo dục của cả hai khối thuộc về sự đối đầu Đông - Tây “ngày xưa”.

Theo cuốn sách mới xuất bản ở Mỹ “Intelligence and How to Get It” Tiến sĩ tâm lý học Richard Nisbett, việc được theo học trường tốt làm tăng rõ rệt IQ - chỉ số thông minh - của trẻ. Còn vì sao yếu tố này không ảnh hưởng nhiều đến các trẻ thuộc dân tộc khác, kết quả nghiên cứu của Đức như gợi lại câu “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Con em phụ huynh nghèo nhưng chăm chút cho đường học vấn của con cái theo kiểu Việt Nam (“hy sinh đời bố củng cố đời con”, hay “con hơn cha là nhà có phúc”), thường vì biết ơn cha mẹ mà cắm đầu học.

Dường như ước vọng của những phụ huynh Việt Nam, mà nhiều người không đọc viết được tiếng Đức, đã trùng với ý chí của các nhà lãnh đạo đất nước này: giáo dục đào tạo phải là nguồn đầu tư chính cho tương lai. Và, những hạt giống cho tiến bộ xã hội đã trổ mầm...

Cho dù CHLB Đức hiện nay có tới 250 trường đại học, tình trạng quá tải vẫn hiện hữu.

Bất chấp dân số ngày một giảm sút, số lượng sinh viên Đức ngày càng tăng, chứng tỏ thanh niên ngày càng muốn có học vấn cao.

Các trường tốt nhất về kinh tế là ở Mannheim, Munich, Cologne. “Đất học” xưa và nay là Bắc Rhine-Westphalia và Bavaria.

Hiện nước Đức vẫn đứng thứ ba thế giới về số lượng học sinh nước ngoài.

Những nơi thường được đến du học nhất là Berlin, Frankfurt (Oder), Heidelberg, Frankfurt am Main, Zittau.

Nguyên nhân của sự “quyến rũ” này có lẽ là do các cơ sở đào tạo của Đức luôn kết hợp được truyền thống giáo dục cổ truyền với thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất.

Và nước Đức mới - hầu như là duy nhất, vẫn duy trì các dự án nghiên cứu khoa học - khởi phát từ thời kỳ còn khối XHCN, tại các nước châu Á và châu Phi.

Theo Vietnamnet




CÁC TIN KHÁC

• Đồng tiền đi trước! (17/09/2009)
• Ở quốc gia không có khái niệm trường top (16/09/2009)
• Thờ ơ phân luồng, loay hoay giải pháp (15/09/2009)
• Đi học trên mạng xã hội (14/09/2009)
• Số liệu có từ thực tiễn và tính toán khoa học (13/09/2009)
• Hành trình con tôi vào lớp 1 (12/09/2009)
• Hiện trạng phân luồng học sinh sau THPT: Lãng phí (12/09/2009)
• Harvard đánh giá khủng hoảng giáo dục đại học VN (11/09/2009)
• Tăng học phí và con đường đến trường của học sinh nghèo (11/09/2009)
• "Bầu" ứng viên chức danh phó giáo sư không đạt chuẩn? (11/09/2009)




BLUE IDEA Trading and Computer Technology Company Limited
Copyright © 2009 BLUE IDEA Co., Ltd